Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đóng góp các dự án luật

21/10/2021 17:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/10/2021 | 17:50

STO - Chiều ngày 21-10, đoàn đại biểu Quốc hội ở các điểm cầu đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cảnh sát cơ động và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đồng thời Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra liên quan đến 2 dự án luật này. Sau đó, đại biểu Quốc hội các tỉnh đã tiến hành thảo luận tổ. Tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng, các đại biểu đã tập trung thảo luận để góp phần cùng Quốc hội hoàn thiện dự án luật. Báo Sóc Trăng trích ý kiến đóng góp của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn.

Cần giữ nguyên luật hiện hành khi chưa đánh giá ảnh hưởng hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, luật này có đặt ra vấn đề hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng. Có thể nói bằng bảo hộ giống cây trồng có tác động rất lớn đến nông dân và ngành Nông nghiệp Việt Nam, dự thảo luật đề nghị hạn chế quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng đồng nghĩa hạn chế rất lớn đến người nông dân ngành nông nghiệp. Theo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo chưa tiến hành đánh giá kỹ những tác động của quy định này, trong hồ sơ dự án luật còn chung chung, đánh giá chủ yếu bằng phương pháp định tính, chưa có số liệu cụ thể để chứng minh sự hợp lý, cần thiết. Vì vậy, khi chưa đánh giá kỹ thì cần giữ nguyên theo luật hiện hành về quyền của chủ bằng bảo hộ giống cây trồng.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đóng góp các dự án luật. Ảnh: SONG LÊ

Đối với dự án Luật Cảnh sát cơ động, việc đóng góp hoàn thiện để ban hành nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng, trong đó có lực lượng cảnh sát cơ động. Đồng thời cụ thể hóa nội dung về bảo vệ quyền con người, quyền công dân đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 7 năm thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Vừa qua khi thực hiện Pháp lệnh Cảnh sát cơ động cho thấy trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi được phát huy, lực lượng này rất trưởng thành, thực hiện tốt nhiệm vụ, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng, cả nước nói chung. Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; việc huấn luyện và thực thi nhiệm vụ trong điều kiện, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có trình độ, năng lực, bản lĩnh và kỹ năng cao.

Do đó, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu thực tiễn đặt ra.

SONG LÊ (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: