STO - Chủ trương, nghị quyết của Đảng là nền tảng hành động nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Chính vì thế, đổi mới, nâng cao chất lượng nghiên cứu, học tập, quán triệt, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Đây là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và mỗi người dân để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Kỳ 1: Thực hiện chủ trương đoàn kết dân tộc, tôn giáo
Là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tổ chức tôn giáo, tỉnh Sóc Trăng luôn đề cao trách nhiệm trong triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này. Đó cũng chính là minh chứng để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền.
Chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc cho biết, Sóc Trăng là mái nhà chung của cộng đồng 3 dân tộc chủ yếu Kinh - Khmer - Hoa; trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 30%, dân tộc Hoa chiếm trên 5% dân số, tạo nên cuộc sống xã hội hài hòa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án giúp nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Toàn tỉnh Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình. Tính đến cuối tháng 6/2023, tỉnh đã triển khai thực hiện xây dựng 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông nông thôn; 1 nhà sinh hoạt cộng đồng; 3 công trình chợ; 4 công trình nước tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 267 hộ…
Đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã đến thăm hỏi, tặng quà Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng và Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Bên cạnh đó, tỉnh Sóc Trăng cũng tập trung xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số để “an cư lạc nghiệp”. Giai đoạn 2021 - 2022, toàn tỉnh vận động trên 175 tỷ đồng để xây dựng 3.496 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Riêng năm 2023, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai 1.200 căn nhà do Bộ Công an vận động hỗ trợ, dành cho đối tượng là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh.
Là Nhà giáo nhân dân, người có uy tín, thầy Lâm Es ở xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) phấn khởi kể về đời sống đồng bào Khmer. Chứng kiến sự đổi mới từng ngày trong đồng bào Khmer, nghe thông tin về chủ trương thực hiện các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, thầy càng tin tưởng hơn vào sự phát triển của đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy Lâm Es dẫn chứng cụ thể là gia đình anh Mai Ương ở ấp Khu 2, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Thầy kể: “Mai Ương trước đây là học trò của tôi, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên nghỉ học sớm, nhưng nhờ chăm chỉ làm ăn nên gia đình khá giả lắm, nhà cửa xây khang trang, có hàng trăm công đất ruộng, hay giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Em ấy cũng nhận được nhiều giấy khen về thực hiện công tác dân vận trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới ở khu dân cư; sản xuất, kinh doanh giỏi…”.
Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 13.929 hộ nghèo (tương đương giảm 4,19%), từ 22.409 hộ (tỷ lệ 6,73%) xuống còn 8.480 hộ (tỷ lệ 2,54%), trong đó, hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3 - 4%/năm, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.
Đảm bảo hài hòa trong tôn giáo
Toàn tỉnh có 64 tổ chức tôn giáo, 2 cơ sở đào tạo tôn giáo, 301 cơ sở tôn giáo, 382 cơ sở tín ngưỡng, 70 cơ sở khác; có 390 chức sắc, 667 chức việc, trên 2.000 nhà tu hành, trên 600.000 tín đồ. Tình hình dân tộc, tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hoạt động tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ của giáo hội. Hằng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đều tổ chức họp mặt và thành lập đoàn thăm, tặng quà chúc mừng các chức sắc, chức việc, các tổ chức tôn giáo nhân dịp lễ, Tết. Thông qua đó, thông tin, trao đổi tình hình phát triển kinh tế - xã hội và lắng nghe các chức sắc, chức việc, các tổ chức tôn giáo phản ánh tâm tư, nguyện vọng.
Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương. Điển hình như chùa Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, chùa đã hiến hàng ngàn mét vuông đất xây dựng Trường Tiểu học Thạnh Phú 3; Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên huyện Mỹ Xuyên; Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Thạnh Phú thuộc huyện Mỹ Xuyên; làm đường giao thông; xây cầu với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Trụ trì, Ban Quản trị, sư sãi của chùa luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt tôn giáo, làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động phật tử chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chùa Tăng Du, xã Lạc Hòa, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hiến tặng hàng ngàn mét vuông đất để xã Lạc Hòa xây trường học, đồng thời vận động xây dựng 3 phòng học trong khuôn viên chùa để dạy chữ Khmer dịp hè. Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, tỉnh Sóc Trăng duy trì 2 phòng khám đông y điều trị bệnh miễn phí, nuôi ăn ở tạm trú người đến khám bệnh, hốt thuốc, châm cứu, vật lý trị liệu, mang đến giá trị tình người tốt đẹp…
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng thăm và tặng quà Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh, tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Đồng chí Dương Sà Kha - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng đánh giá, các cấp, các ngành, các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm chính sách dân tộc, tôn giáo, bảo đảm quyền con người. Thể hiện rõ qua việc quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện để các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo thực hiện tốt quyền tự do tín ngưỡng theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo gắn bó với cộng đồng dân cư, tập hợp đông đảo tín đồ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng cuộc sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Tỉnh Sóc Trăng cũng kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa. Tạo nền tảng vững chắc cho cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tại địa phương.
Qua việc triển khai kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện tốt công tác vận động đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, tăng cường, củng cố niềm tin của nhân dân.
PHƯỚC LIÊU
(Còn tiếp)
Bình Luận