Trách nhiệm và nghĩa tình

27/07/2022 15:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 27/07/2022 | 15:25

STO - Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng chính là đạo lý, truyền thống cao quý của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tích cực triển khai và thực hiện hiệu quả các phong trào chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực bằng những việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình.

Ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng dậy kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Số người bị thương và hy sinh trong chiến đấu tăng lên, đời sống của chiến sĩ, nhất là những chiến sĩ bị thương gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh - liệt sĩ (TBLS) và thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày TBLS. Tại cuộc họp này, các đại biểu đã nhất trí chọn ngày 27-7 là ngày “Thương binh toàn quốc”. Từ đó hàng năm cứ vào dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi thư, quà thăm hỏi, động viên, nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ. Từ tháng 7-1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi ngày “Thương binh toàn quốc” thành “Ngày TBLS” để ghi nhận những hy sinh lớn lao của đồng bào, chiến sĩ cả nước cho chiến thắng vẻ vang của toàn dân tộc.

Với tinh thần "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", những người con ưu tú của Sóc Trăng đã hy sinh tính mạng, thân thể, người thân, đem lại sự bình yên cho quê hương. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Sau 75 năm thực hiện (27-7-1947 - 27-7-2022), các chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và gia đình người có công với cách mạng đã được nghiên cứu, bổ sung và điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Đối với mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi, từ năm 1994 đến nay, chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh gắn liền với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, phù hợp với điều kiện của ngân sách nhà nước, góp phần từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người có công. Mức chuẩn để xác định mức trợ cấp ưu đãi người có công năm 2012 là 1.110.000 đồng; từ năm 2019 đến nay mức chuẩn là 1.624.000 đồng (cao hơn mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng của cán bộ, công chức hiện nay). Hiện nay, cả nước có gần 1,2 triệu người có công đang hưởng chế độ ưu đãi hàng tháng.

Tri ân những gia đình có công với cách mạng

Toàn tỉnh Sóc Trăng có trên 53.300 người có công với cách mạng, với tổng cộng 29.000 hộ gia đình chính sách. Đồng chí Võ Thanh Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, trải qua hai cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ chống giặc ngoại xâm, để giành độc lập tự do cho Tổ quốc, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân, đã có trên 15.300 người con ưu tú qua nhiều thế hệ của quê hương đã ngã xuống, hơn 6.500 người đã hy sinh một phần thân thể, gần 6.200 người hoạt động kháng chiến và gần 9.000 người có công giúp đỡ cách mạng được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến; có 2.325 bà mẹ được tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam anh hùng" (có 103 bà mẹ còn sống) được các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận phụng dưỡng đến cuối đời và hàng ngàn người được thụ hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, có gần 10.000 đối tượng người có công và thân nhân người có công đang hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên hàng tháng; tổng kinh phí chi trả hàng năm trên 230 tỷ đồng; có trên 10.100 người thờ cúng liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp mỗi năm một lần.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cùng đoàn công tác thăm, tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Hạ Tiếu Dung, ở Khóm 4, Phường 1, TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng). Ảnh: C.B

Đặc biệt, từ khi tái lập tỉnh đến nay, để tạo điều kiện cho thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng còn nhiều khó khăn về nhà ở nhưng khả năng họ không tự lực được, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đảng bộ và chính quyền các cấp đã phát động phong trào đền ơn đáp nghĩa và xây dựng nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Kết quả đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 17.663 căn nhà tình nghĩa (chiếm 61% tổng số gia đình có công với cách mạng), với tổng kinh phí là 418,27 tỷ đồng, trong đó, xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 7.486 căn, với tổng kinh phí là 253,4 tỷ đồng (kinh phí địa phương là 21,74 tỷ đồng).

Hàng năm, tỉnh tổ chức đưa đoàn người có công đi điều dưỡng tập trung tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng); Hà Tiên - Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) và tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Miền Trung (TP. Đà Nẵng). Tổ chức đưa đoàn bà mẹ Việt Nam anh hùng đi tham quan Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng Bác Hồ và đưa đại biểu người có công tiêu biểu đi tham dự Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc… Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm ngày TBLS và dịp tết Nguyên đán hàng năm, tất cả người có công đều được tặng quà của Chủ tịch nước, Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời và tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thực hiện việc cấp tiền hỗ trợ cho đối tượng người có công với cách mạng và thân nhân do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg, ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.

Trao tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Theo đồng chí Võ Thanh Quang, để đạt được những kết quả đáng mừng đó, trong những năm qua, đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng có liên quan trong tỉnh; đặc biệt là sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cơ quan, đơn vị và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đã góp phần vào công tác chăm lo, thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.

Việc triển khai thực hiện các chính sách mới đối với người có công với cách mạng (trong đó, có mở rộng đối tượng được hưởng chính sách) đã tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân và người có công với cách mạng, bởi có thêm nhiều đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi; người có công với cách mạng ngày càng tin tưởng vào sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương và làm gương cho con cháu noi theo.

Có thể nói, việc tri ân, chăm sóc những người có công với cách mạng là trách nhiệm của tất cả mọi người, của thế hệ hôm nay và mai sau. Bởi độc lập, tự do của dân tộc, mang lại hạnh phúc cho chúng ta hôm nay đã được đánh đổi bằng rất nhiều hy sinh, mất mát của họ.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: