• Đời sống xã hội

Đau đáu nỗi đau bạo lực gia đình

22/12/2022 06:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/12/2022 | 06:05

STO - Gia đình là nơi để yêu thương nhưng thực tế cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng và đôi lúc “Cơm không lành, canh không ngọt” là lẽ thường tình. Chỉ đáng sợ nhất với những ai “Không có nơi để về; chẳng có ai để yêu thương”, bởi đối với họ gia đình là địa ngục của sự bạo lực với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần...

Bạo lực gia đình vẫn còn đó!

Trong chuyến công tác cùng đoàn Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng, một phụ nữ trên 50 tuổi (ngụ xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú) với dáng vẻ thất thần, e dè, sợ sệt nắm tay áo một thành viên của đoàn xin được “cứu giúp”. Lời nói hòa trong nước mắt, chị N.L quá ám ảnh trước hành động “Thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” của người chồng với tần suất ngày một tăng. Nghĩa vợ chồng trên 30 năm, có với nhau 3 mặt con và nay đã lên chức ông bà ngoại. Vậy mà giờ đây người “đầu ấp tay gối” chẳng những nỡ thẳng tay đánh đập khiến chị “Thừa sống, thiếu chết” mà còn đem hết tiền của, công sức do vợ chồng bao năm gầy dựng đi "dâng hiến" cho người phụ nữ khác. “Ông ấy ngoại tình đã 4 năm nay, lúc đầu thì về kiếm chuyện, nặng nhẹ vợ con đòi lấy tiền bạc. Sau này, vũ phu đánh tôi không thương tiếc; đi thì thôi mà về tới nhà nhìn thấy tôi là đánh, dù tôi chẳng nói câu gì. Có lần đánh tôi phải nhập viện, nhờ có người can ngăn, chứ không chắc tôi đã chết rồi. Giờ thấy ông ấy là tôi chỉ biết bỏ chạy thoát thân...” - Chị N.L lau vội nước mắt.

Còn nhiều chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Ảnh: SỚM MAI

Bị chồng bạo hành, chị N.L nhận biết bao lời khuyên là nên ly dị, báo chính quyền... nhưng chị đều lặng thinh mà cam chịu. Vì tâm lý còn ảnh hưởng từ nhận thức theo kiểu vợ chồng có chuyện gì nên “đóng cửa bảo nhau” chứ không muốn “vạch áo cho người xem lưng” bởi “xấu chàng thì hổ thiếp”. Chị từng nghĩ mình chịu đựng là để giữ êm ấm nhà cửa, có ngày chồng sẽ hồi tâm chuyển ý; việc xấu gia đình nói ra hàng xóm sẽ cười chê, con cái buồn phiền, mặc cảm. Cho đến hôm nay, chị N.L đã quá đau đớn, mệt mỏi và không còn đủ sức để chịu đựng...!

Trong xã hội hiện nay, bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau như đánh đập, hành hạ, gây thương tích cho nạn nhân, cưỡng hiếp, khủng bố tinh thần, cô lập nạn nhân trước những mối quan hệ gia đình và xã hội, bao vây kinh tế, kiểm soát tiền bạc. Thực tế, bạo lực thể xác thường diễn ra với những gia đình có trình độ học vấn thấp, kinh tế khó khăn, vợ hoặc chồng vướng phải rượu chè, cờ bạc. Chị N.T.R (xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên) trầm buồn kể về cuộc hôn nhân 35 năm, bản thân không có tiếng nói: “Nhà có 4 công ruộng nhưng có tới 5 đứa con và việc nhà cửa, ruộng nương, một mình tôi lo hết. Chồng tôi chỉ biết ăn nhậu, ông ấy cho rằng việc nhà cửa là của đàn bà, đàn bà phải lo lắng, phục vụ đàn ông; đàn ông phải ngoại giao và làm chuyện lớn. Lúc đầu, tôi còn nói lại, dẫn tới vợ chồng cự cãi mà chẳng được gì, thôi thì ráng làm lụng lo cho các con. Chuyện lớn của chồng tôi là đi ăn nhậu ở bất cứ đám tiệc nào, cũng may là các con hiểu chuyện, phụ giúp tôi việc nhà...”.

Ai cũng dễ thấy tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình thì thường dẫn đến vợ chồng lục đục, kinh tế khó khăn, suy sụp, mâu thuẫn vợ chồng gay gắt và khi đó, bạo hành đối với vợ con là điều khó tránh khỏi. Nhưng đi sâu vào vấn đề thì “bất bình đẳng giới" mới chính là nguyên nhân sâu xa nhất. Lẽ ra, đối với công việc chung trong gia đình, hai vợ chồng phải cùng chung vai gánh vác, nhưng người chồng với thói gia trưởng gần như đứng ngoài cuộc, do đó mà người phụ nữ cùng một lúc đảm đương nhiều việc, nếu không sẽ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình.

Loại bỏ bạo lực gia đình, trách nhiệm không của riêng ai

Theo đồng chí Trần Thị Hoàng Mỹ - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng, từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra trên 4.700 vụ bạo lực gia đình và nạn nhân chủ yếu là nữ giới. Nhằm tăng cường thực hiện hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã phối hợp với các ngành, địa phương, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trọng tâm là xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới ở các địa phương nhằm ngăn chặn sự gia tăng của tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thông qua việc nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, phát triển, tăng cường khả năng đáp ứng của các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại gia đình và ngoài xã hội.

Mỗi gia đình, cá nhân cần lên tiếng trước hành vi bạo lực gia đình: Ảnh: SỚM MAI

Việc phòng, chống bạo lực luôn bắt đầu từ nhận thức của gia đình và ở cơ sở, đồng chí Thạch Khem Ra - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Phú Mỹ cho biết, địa phương sẽ tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về bạo lực gia đình. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình. Đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình; vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình cần trang bị cho nạn nhân sự hiểu biết để tự bảo vệ như: có nghề nghiệp, sự độc lập về tài chính, ý thức vươn lên làm chủ bản thân và gia đình, kiến thức giữ gìn hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái... Khi đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh, địa phương sẽ quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, trong đó, đưa tiêu chí không có bạo lực gia đình, không lạm dụng rượu, bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa...

Cuộc sống ngày càng hiện đại, bên cạnh sự thuận lợi về mặt kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, thì một bộ phận cũng đang phải đối diện với căn bệnh “lạnh lùng, vô cảm” với những giá trị truyền thống mẫu mực từ ngàn xưa để lại. Đồng tiền, danh vọng lăn tròn trên lương tâm và khối óc của nhiều người, khiến họ ngày càng trượt dài trên tham vọng, ích kỷ, nhỏ nhen của bản thân mà quên đi biết bao giá trị đạo đức nhân văn, bao nhiêu tình cảm tốt đẹp từ gia đình, vợ chồng, con cái, để rồi khi hối hận nhìn lại thì đã muộn màng. Vì thế, phòng chống bạo lực gia đình là một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững bền.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: