• Đời sống xã hội

Mang gió xuân thắp sáng niềm tin

03/01/2023 17:59 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 03/01/2023 | 17:59

STO - Những ngày cuối năm, trong tiết trời se se lạnh, tôi trở lại thăm những cánh đồng điện gió ven biển miền Tây Nam Bộ mà hơn 10 năm trước chỉ là những ước mơ trong lòng. Bây giờ, trong chuyến đi này với tôi thật sự là một trong những trải nghiệm tuyệt vời và thú vị với những cảm nhận khác nhau trong từng cung bậc cảm xúc. Điện gió đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn không chỉ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn cho cả đất nước. Chính điện gió đã biến gió biển thành nguồn năng lượng sạch mang đi khắp nơi thắp sáng biết bao niềm tin, bao ước mơ, hoài bão của người lao động.

Cánh đồng điện gió Bạc Liêu

Nhắc đến những cánh đồng điện gió ở Việt Nam đương nhiên không thể nào thiếu được cánh đồng điện gió vô cùng thơ mộng ở Bạc Liêu. Về Bạc Liêu thăm vùng đất nổi tiếng với giai thoại Công tử Bạc Liêu phóng khoáng, giàu có “chịu chơi” cũng là nơi gắn liền với tên tuổi cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu với bài "Dạ cổ hoài lang" đã làm xao xuyến biết bao trái tim. Vườn chim Bạc Liêu có cảnh đẹp thiên nhiên quyến rũ, Phật Bà Nam Hải linh thiêng hay nét đẹp riêng của các ruộng muối, sự kiện cánh đồng Nọc Nạng… Ngày nay đến với mảnh đất phương Nam này, du khách còn có thêm trải nghiệm mới tại cánh đồng điện gió như trời Tây.

Khu điện gió Bạc Liêu là dự án điện gió đầu tiên ở Việt Nam, được xây dựng từ năm 2010 với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Hiện nay đã có 62 cột tháp và turbine đều đặt trên biển, mỗi turbine cao khoảng 80m, cánh quạt dài 42m. Nhà máy Điện gió Bạc Liêu quả thật là một điển hình phát triển năng lượng sạch và bền vững không chỉ ở Bạc Liêu mà còn cả một vùng rộng lớn ven biển miền Tây đầy nắng và gió.

Hiệp sĩ khổng lồ Sóc Trăng

Khánh thành Điện gió Sóc Trăng trên đất liền. Ảnh: BST

Tại Sóc Trăng đã có 18 dự án nhà máy điện gió được cấp chủ trương đầu tư, trong đó có 11 dự án nhà máy điện gió đang được triển khai thực hiện. Đến nay, có 4 dự án điện gió đã đưa vào vận hành thương mại, với công suất 110,8MW. Các nhà máy điện gió đều nằm trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu, giáp với khu điện gió Bạc Liêu không xa. Cánh đồng điện gió này cũng đang thu hút nhiều du khách chiêm nghiệm, thưởng thức vẻ đẹp của riêng nó. Đặc biệt ở đây còn có những cột tháp trên đất liền ở xã Hòa Đông, khác với các cánh đồng điện gió trên biển. Từ cầu Mỹ Thanh 2 gắn với huyền thoại về nàng công chúa Mỹ Thanh - con gái của chúa Nguyễn Ánh từng tá túc và mất ở nơi này, nhìn hướng vào trong đất liền đã thấy “những hiệp sĩ khổng lồ” sừng sững, ngạo nghễ như thách thức giữa trời xanh.

Đây là niềm tự hào và cũng là ước mơ từ bấy lâu nay của cư dân xứ này. Có nằm mơ cũng không ai nghĩ rằng, vùng đất đầy cát bụi, hoang vu xưa kia mà nay đã có những công trình đồ sộ, biến luồng gió biển tưởng chừng vô hại thành dòng điện năng hòa nhập với lưới điện quốc gia, tỏa đi khắp muôn nơi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Sóc Trăng có chiều dài bờ biển hơn 72km, nên còn nhiều "dư địa" phát triển năng lượng sạch, hiện nay địa phương đang tiếp tục khảo sát các vị trí thích hợp, lập dự án mời gọi đầu tư, trình Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

Về với điện gió Vĩnh Châu để cảm nhận sự giao thoa văn hóa giữa 3 dân tộc anh em mà người Khmer lại chiếm đa số. Không ít địa phương nơi đây, đồng bào không thành thạo tiếng Kinh, giao tiếp bằng ngôn ngữ Hoa và Khmer là chính. Nếu muốn “bám trụ” lại nơi này lâu dài, đòi hỏi mỗi cán bộ, đoàn viên phải am tường cả 3 ngôn ngữ. Nhiều lần tôi về đây “nằm vùng” mà cứ giống như người nước ngoài vậy, đi đâu cũng phải có “thông dịch viên” bản địa đi theo.

Điện gió ven biển Sóc Trăng. Ảnh: BST

Vĩnh Châu còn có thế mạnh về hành tím, dây thuốc cá, muối và artemia có giá trị kinh tế rất cao. Bên cánh rừng phòng hộ ven biển, hệ sinh thái rừng rất đa dạng, phong phú và đặc sản nổi tiếng là đuông chà là mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất “khoái khẩu” mỗi khi về đây. Từ những cánh đồng hoang hóa ngày nào nay đã biến thành khu nuôi tôm công nghiệp chất lượng cao, xuất khẩu ra các thị trường khó tính. Giồng nhãn Vĩnh Châu nối liền với giồng nhãn Bạc Liêu tạo thành khu vực du lịch sinh thái, trải nghiệm. Điện gió Vĩnh Châu cũng nối liền với Điện gió Bạc Liêu tạo thành một chuỗi khép kín, trải dài, cánh đồng điện gió rộng ra, dài thêm đến hàng chục km.

Điện gió Duyên Hải Trà Vinh

Cùng lấy gió biển Đông để tạo thành điện năng nhưng bên kia cửa biển Trần Đề và Định An, Điện gió Duyên Hải Trà Vinh cũng là một trong những điểm du lịch hot hiện nay, được nhiều bạn trẻ yêu thích bởi những góc sống ảo “siêu đẹp”. Ngoài ra khi đến đây, du khách còn được tự trải nghiệm cuộc sống của những dân lao động địa phương vốn chất phác, thật thà.

Chiêm ngưỡng vẻ đẹp cầu vàng Điện gió Trà Vinh. Ảnh: TL

Dự án Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 Trà Vinh chính thức đi vào vận hành thương mại đã bổ sung khoảng 330 triệu kWh năng lượng xanh mỗi năm vào lưới điện quốc gia. Điểm nổi bật của công trình chính là 25 turbine gió khổng lồ được dựng trên mặt biển khơi. Trụ tháp cao 105m, những cánh turbine trắng với 3 cánh quạt khổng lồ nhưng không hề lạc lõng mà vô cùng hài hòa với biển cả bao la.

Điều thú vị trên cung đường đi từ trung tâm xã Đông Hải đến nhà máy điện gió, chính là sẽ xuyên qua rất nhiều khu rừng ngập mặn. Cảnh quan đặc trưng của các tỉnh miền Tây có biển giáp với cửa sông. Đừng bỏ qua khung cảnh ngoạn mục với hệ thống kênh rạch chằng chịt, tựa như mê cung xanh khổng lồ và cực kỳ quyến rũ. Vị trí tạo ra góc chụp đẹp và rõ nhất ở Điện gió Hàn Quốc Trà Vinh chính là cây cầu màu vàng nổi bật, dài hơn 4 cây số. Nó giúp du khách đi đến nơi lắp đặt các trụ turbine gió nối liền nhau và có thể được quan sát từ xa, tạo ra hàng nghìn bức ảnh tuyệt đẹp.

Du lịch “sống ảo” miền Tây

Ghé thăm các cánh đồng điện gió miền Tây, du khách chiêm ngưỡng được vẻ đẹp của những turbine gió khổng lồ, dựng lên sừng sững trên nền trời xanh. Với sự hoành tráng, khung cảnh đẹp không khác gì các cánh đồng điện gió ở châu Âu. Vì vậy, khu điện gió này nhanh chóng trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn, đặc biệt là các bạn trẻ đến chụp hình “sống ảo”.

Ai đến đây cũng sẽ thích thú với việc bố trí các trụ turbine gió như những hiệp sĩ khổng lồ và trầm mặc giữa cánh đồng bao la mà đứng đâu cũng có thể chụp được những tấm hình đẹp và ấn tượng. Việc bố trí các trụ turbine kết hợp với tuyến đường nổi bằng bê tông, đi từ khu vực này đến khu vực kia một cách dễ dàng, nhìn từ xa phong cảnh đẹp tựa trời Âu. Du khách đến đây tha hồ check in sống ảo đến từng góc cạnh một.

Phong cảnh đi bộ từ xa, gió tung bay chiếc khăn choàng hay cây dù che nắng đầy mộng mơ. Ngay trên con đường bê tông uốn lượn như dải lụa giữa cánh đồng, bạn có thể chụp cận cảnh chân dung mình để thấy sau lưng những turbine gió đang quay chầm chậm. Nếu thích, lia máy xuống sẽ thấy bãi bùn loang loáng, hệ sinh thái vùng đất bãi bồi cũng vô cùng lý thú, xa xa là những cây mắm, cây đước cắm rễ sâu vào lòng đất… Thời điểm tham quan “cánh đồng điện gió” thích hợp nhất là sáng sớm và chiều tà, khi ấy khách có thể thỏa thích ngắm bình minh và hoàng hôn trên biển.

Đến tham quan khu vực điện gió, du khách nên lưu ý các yêu cầu về an toàn hành lang lưới điện quốc gia và khu vực công việc bắt buộc phải được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt là các khu vực cấm vào. Du khách có thể tự do tham quan trong phạm vi cho phép nhưng lịch sự, không gây ồn, ảnh hưởng đến công việc của các kỹ sư đang làm việc nơi đây.

Một lưu ý nhỏ để có những bức ảnh đẹp là bạn nên đi vào lúc sáng sớm. Ngay khi bình minh vừa thức giấc hoặc chọn đúng khoảnh khắc chiều tàn. Vừa mát mẻ vừa chờ hoàng hôn đến để có được những khoảnh khắc đẹp nhất cho bức ảnh của mình. Kể cả bạn đi đến đây vào lúc trời chưa tắt nắng cũng có thể chụp được khung cảnh lãng mạn, với ngàn tia nắng chiếu lung linh giữa những cánh quạt trắng nằm xen kẽ trên biển.

Sau khi check in với hàng trăm bức ảnh đẹp, hãy ghé thăm bãi bồi gần đó và ngắm cảnh quan rừng ngập mặn, tìm hiểu hệ sinh vật vùng đất bãi bồi vô cùng lý thú. Du khách sẽ được hướng dẫn viên hoặc người dân lao động địa phương kể về đời sống thú vị của những cây mắm, cây đước. Với bộ rễ cắm sâu vào lòng đất cũng như biết thêm về cách mưu sinh của người dân ở đây. Nếu may mắn bạn còn được tham gia hoạt động móc hang bắt cá ngát nấu canh chua bần, bắt cua biển con, thi trượt mông trên bãi biển bắt cá thòi lòi… mang đậm nét văn hóa miệt biển phương Nam.

Thắp sáng niềm tin

Việt Nam đang bước vào một mùa xuân mới với sự "thay da đổi thịt" từng ngày đến không ngờ. Theo đó, phát triển mô hình điện gió không chỉ mang đến nguồn năng lượng sạch mà còn thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế - xã hội lẫn các lĩnh vực du lịch cho vùng đất phương Nam của Tổ quốc.

Vùng đất miền Tây Nam Bộ vốn sở hữu khung cảnh sông nước hữu tình cùng với những nét đẹp văn hóa đặc trưng, truyền thống độc đáo của cộng đồng các dân tộc anh em nên luôn có một sức hút mãnh liệt đối với những “đôi chân” mê dịch chuyển, trong đó có tôi. Dù ngắn hay dài ngày thì hành trình khám phá trên mảnh đất phù sa vẫn là những trải nghiệm khó quên trong đời.

Miền Tây Nam Bộ giống như một con rồng ngủ quên lâu ngày, trước mùa xuân đang về bỗng dưng “trở mình” bằng những tiềm năng to lớn vốn có “vươn vai” bước ra biển lớn cùng với cả nước làm nên cuộc đổi đời đầy ngoạn mục, tất cả vì một Việt Nam thịnh vượng. Việt Nam đang vào Xuân và sẽ còn xuân hơn!

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: