• Đời sống xã hội

Thương lắm ghe hàng!

23/11/2022 04:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 23/11/2022 | 04:35

STO - Nhớ hồi nhỏ, nhà tôi nằm sát bến sông, hàng ngày tiếng kèn của chiếc ghe hàng là thứ âm thanh rất quen thuộc. Chiếc ghe hàng ấy cũng đã gắn liền với tuổi thơ tôi với biết bao nhiêu là kỷ niệm. Tôi hay gọi vui chiếc ghe hàng là cái chợ di động, vì trên chiếc ghe ấy, muốn mua thứ gì cũng có, từ tương, chao, mắm, muối, trà, bánh, kẹo đến các loại gia vị…

Gọi là ghe hàng chắc là vì chiếc ghe như một tiệm tạp hóa nổi trên sông, chở bao nhiêu là hàng hóa và chở cả tuổi thơ tôi. Chiếc ghe hàng ngày trước là một minh chứng rõ ràng nhất của tuổi thơ biết bao thế hệ ở miền Tây sông nước, chính nó đã giúp đỡ bà con hàng xóm đi qua bao nhiêu mùa mưa nắng. Cuộc sống ngày xưa tuy thiếu trước hụt sau, nhưng quý ở cái tình làng nghĩa xóm, mọi người đùm bọc nhau vượt qua.

Ghe hàng đúng như tên gọi, bán nhiều món và nó như cái chợ di động. Ảnh: THÀNH LỘC

Cuộc sống ở quê ngày trước còn nhiều khó khăn, xóm tôi đường sá chưa được trải bêtông ngon lành như bây giờ, cho nên muốn mua đồ dùng thiết yếu gì, ba mẹ tôi đều phải chờ chiếc ghe hàng ấy chạy ngang qua nhà. Nhà cửa, cây cối thưa thớt, nên tiếng ấn kèn (như một tiếng báo hiệu) của người bán ghe hàng vang xa lắm, xa đến nỗi đủ thời gian để anh em chúng tôi chạy đi kiếm ba mẹ mà xin tiền mua bánh kẹo, hay vài bọc cốm gạo có dán hình các ca sĩ, diễn viên.

Lúc xin được tiền thì chiếc ghe hàng và tiếng kèn ấy cũng vừa ngừng tới cửa. Không thôi, mấy anh em tụi tui phân công, một đứa chạy đi kiếm mẹ, còn một đứa ở lại “canh me” chiếc ghe hàng. Tôi mong sao mỗi ngày đều đón được chiếc ghe hàng đi ngang để được ăn quà bánh thường xuyên. Có hôm tôi chẳng xin mẹ thứ gì mà đơn giản chỉ để nhìn ngắm đồ đạc người bán treo lủng lẳng dưới ghe là thích thú vô cùng.

Một hình thức mà tôi nghĩ là rất đáng trân quý, trong cuộc giao dịch giữa cả bên mua và bên bán xung quanh chiếc ghe hàng đó là bán thiếu (bán chịu), ai cũng có lúc gặp khó khăn, người bán sẵn sàng cho thiếu rồi khi nào người mua có tiền thì trả lại, mà không hề tính đến chuyện lời lãi gì cả, đó là tình nghĩa bà con xóm giềng, mà cũng là một cách để giữ chữ tín. Nhờ đó, những người bán ghe hàng và người mua thân quen với nhau hơn. Đây cũng là một trong số những nguyên do căn cơ để nghề bán ghe hàng ngày đó còn “đất sống”.

Những người con được sinh ra và lớn lên giữa vùng sông nước không thể quên hình ảnh chiếc ghe hàng ghé lại một bến nào đó là trẻ em từ xa cách đó mấy cái nhà ùa nhau chỉ trỏ đòi mẹ mua bánh kẹo, đồ chơi. Còn người lớn thì trong lúc mua đồ hàn huyên tâm sự chuyện này chuyện kia: “Cân cho chế 5 ký gạo”, “Lấy cho tui bịch trà móc câu” hay “bán cho thím Tư chai dầu ăn” rồi hỏi thăm “dạo này ruộng lúa, vườn tược trồng cây gì, nuôi con gì rồi chú sáu?”… Giờ đây, những hình ảnh đó chỉ còn trong hoài niệm của tuổi thơ.

Trước đây, huyện Thạnh Trị quê tôi là vùng quê nghèo, đường sá đi lại khó khăn. Để ra đến chợ trung tâm huyện, nếu đi ghe máy thì phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Nhờ những chiếc ghe hàng rong ruổi theo từng kênh rạch nhỏ mà bà con trong xóm tôi được mua sắm nhiều thứ nhu yếu phẩm phục vụ trong sinh hoạt của từng gia đình.

Giờ đây, cuộc sống đã hiện đại hơn xưa rất nhiều, đường sá được Nhà nước quan tâm đầu tư, sửa chữa, từ nhà tôi ra chợ trung tâm huyện chỉ mất vài mươi phút. Ngoài ra, thời buổi công nghệ nên dù ở quê mọi người vẫn có thể tiếp cận nhiều phương tiện mua sắm tối tân hơn, như: mua hàng trực tuyến được nhân viên giao hàng đến tận nhà, rất tiện lợi và nhanh chóng; các siêu thị; cửa hàng tiện lợi... cũng đã được đặt ở nhiều trung tâm của xã.

Đường sông quê tôi bây giờ chỉ còn mấy chiếc ghe lớn lưu thông. Tiếng kèn vang vọng một khúc sông ngày xưa ấy của chiếc ghe hàng đã dần thưa vắng, không biết bao lâu rồi, tôi đã không thấy chiếc ghe hàng ấy đâu nữa. Giờ hình ảnh chiếc ghe hàng ấy có thể chỉ còn trong đôi mắt của mấy đứa trẻ đã trưởng thành, thích hoài niệm về những ngày xưa tháng cũ, chứ biết tìm đâu ra một mảnh hồn quê bình dị mà đẹp đẽ, yên bình như thế.

LƯU HỒNG TÀI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: