• Đời sống xã hội

Về lại nơi gà gáy 3 tỉnh đều nghe

10/01/2023 05:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 10/01/2023 | 05:04

STO - Dường như vùng đất nào có bề dày lịch sử cũng mang trong mình giá trị “Văn vật” tạo nền móng vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) quê nội tôi cũng không ngoại lệ.

Những ngành nghề kinh tế ở Vĩnh Quới khá đa dạng, nhất là phát triển nông nghiệp toàn diện đã và đang góp phần giảm nghèo cho người nông dân vùng sâu, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới phát triển. Nhờ có vị trí rất thuận lợi, nằm ngay khu vực tam giác tiếp giáp xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ (Hậu Giang) và xã Ngang Dừa, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); người dân luôn năng động sáng tạo trong sản xuất, tăng thu nhập gia đình cộng với truyền thống cách mạng anh hùng, tin rằng Vĩnh Quới sẽ còn tiếp tục phát huy được những tiềm lực sẵn có.

Một tuyến đường nông thôn kiểu mẫu tại xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng).

Dọc theo những tuyến kênh cứng hóa đê bao “dẫn thủy nhập điền” thuộc địa bàn ấp Vĩnh Hòa, Vĩnh Kiên, khi xưa bên vệ đường là những cọng lục bình phơi khô xòe hình cánh quạt. Nơi đây từ lâu nổi tiếng với nghề trồng nấm rơm và đan đát lục bình. Bà con nông dân gọi nó là cây xóa đói giảm nghèo của xã. Bác tôi khi đó theo nghề này hơn chục năm. Cũng như hàng trăm hộ dân ở đây, trước kia bác chuyên đi cắt lục bình tươi hoặc phơi khô bán cho thương lái để kiếm thêm thu nhập, khi được địa phương giới thiệu đi học nghề đan đát lục bình, học xong lành nghề, sau khi lục bình phơi khô bác không còn bán cho thương lái nữa mà trực tiếp nhận gia công sản phẩm từ doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại địa phương với các sản phẩm giỏ xách, hộp đựng đồ... Họ giao cho mọi người khung, nguyên liệu gia đình sẵn có, nghề này không cần vốn, chủ yếu lấy công làm lời. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, thường thì bác với con dâu mỗi ngày đan được 12 cái, tùy loại, giá mỗi cái từ 25.000 -  35.000 đồng, tức mỗi ngày gia đình bác có thu nhập từ 300.000 - 420.000 đồng.

Được biết xóm bác có hơn 200 hộ dân, trong đó 100 hộ có nhu cầu tăng thêm thu nhập từ nghề cắt, phơi lục bình, vì nơi đây trước nhà ai cũng có sông, cắt khoảng 10kg tươi phơi cho ra 700 gram khô, giá bán mỗi ký lục bình khô từ 8.000 đồng - 15.000 đồng. Mỗi năm, chính quyền xã tổ chức mở lớp đào tạo nghề này cho mấy chục hộ gia đình và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm từ các thương lái ở tỉnh Hậu Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Để có nguồn nguyên liệu ổn định, đủ để phục vụ nghề đan đát sản phẩm lục bình giao cho doanh nghiệp, tạo thu nhập thường xuyên cho dân, xã đã quy hoạch trồng thêm lục bình ven sông với diện tích hàng chục hecta, mỗi bãi rộng 1.000m2, sông trước nhà ai người đó nấy rào, tự trồng và thu hoạch sau 3 tháng. Bác và con dâu đều tham gia tổ hợp tác đan đát lục bình địa phương.

Hôm nay, sau hơn 3 năm trở lại, Vĩnh Quới như được khoác lên mình tấm áo mới, con đường trải nhựa nhỏ khi xưa tôi cố để né để tránh ổ voi, ổ gà thì nay nó được mở rộng ra, nếu khi đó từ thị xã Ngã Năm muốn đến được xã Vĩnh Quới chỉ có hai con đường bộ duy nhất thì nay có rất nhiều tuyến đường ôtô có thể đến, từ trung tâm xã hàng chục con lộ bêtông trắng phẳng phiu như chiếc xương sườn tỏa về các ấp. Tôi khá ngạc nhiên về sự văn minh nông thôn mới và sự sung túc hiện ra ngay trước mắt mình. Giờ đây, bà con ta không chỉ dám ăn gạo đặc sản mình làm ra, mà còn có hoa thơm để thưởng thức, có công nghệ để mở rộng kiến thức văn hóa. Dọc theo tuyến lộ chính về xã, đường dây điện trung thế, cáp internet như mạng nhện giăng tỏa ra các nhánh kênh; những cây lúa ST24 chín vàng ươm đang cúi đầu, xếp hàng thẳng tắp trên những cánh đồng mẫu cò bay thẳng cánh từ ấp Vĩnh Thành, Vĩnh Phong, Vĩnh Thanh sang Vĩnh Thuận chờ thu hoạch vụ Đông - Xuân; đường hoa trang, cây gấm chuỗi vàng, chuỗi ngọc lấp lánh nắng xuân điểm tô cho đường nông thôn mới kiểu mẫu ấp Vĩnh Trung, ấp Vĩnh Kiên thêm màu rực rỡ; ngọn đèn đường soi sáng những bước chân của những người nông dân để họ yên tâm đi sớm về khuya một mình.

Sau khi thu hoạch vụ Đông - Xuân, nhà nào có ruộng cũng đều trồng nấm. Bà con tranh thủ chỗ nào có đất trống thì làm giồng trồng, từ trong vườn, ngoài ruộng ra cặp mé sông. Bà con nông dân ta trồng quanh năm, thời gian thu hoạch rất ngắn, khoảng 20 ngày, tuy rất tốn công chăm sóc nhưng trúng thì một vốn bốn lời, thất thì huề. Nhiều căn nhà tường khang trang mọc lên cũng nhờ vào nấm cả. Nhà nào có ruộng nhưng thu không đủ rơm làm nấm thì mọi người qua Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu vận chuyển rơm về, có gia đình trồng nấm rơm chuyên nghiệp trong ấp Vĩnh Hòa, mỗi năm thu mua chục chuyến rơm, mỗi chuyến tàu chở 400 cuộn rơm (mỗi cuộn 15kg) vừa qua, có hộ kế nhà bác tôi trồng nấm rơm lãi gần 300 triệu đồng, dự tính năm nay ăn Tết lớn.

Từ trung tâm xã Vĩnh Quới đi chừng 4km theo đường liên ấp, ta sẽ đến cơ ngơi của chú Ba Triệu trên địa bàn ấp Vĩnh Kiên, chú Ba Triệu chính là người sáng chế ra trà mãng cầu cũng là Giám đốc của Hợp tác xã Kiên Hòa - tiền thân là Tổ hợp tác Kiên Hòa.

Đường vào nhà chú Ba Triệu tỏa bóng mát bởi hai hàng dài cây mãng cầu gai trồng ngay hàng thẳng lối. Chú cho biết những gốc cây mãng cầu gai này chú trồng được 10 năm, trái làm trà khoảng hơn 3 tháng tuổi, mỗi cây có năm cho chú khoảng 100kg trái. Trước kia ở đây, chú trồng hoa cúc, hoa vạn thọ, qua tìm hiểu và nhận biết nhu cầu của thị trường về loại cây này mang giá trị kinh tế rất cao. Sẵn đất trống, giống có tại địa phương, chú trồng thử và tự mày mò sáng chế ra thành sản phẩm trà để dễ bảo quản. Đến nay, chú có 600 gốc mãng cầu trồng trên diện tích 1,4ha. Hy vọng, thời gian không xa, thương hiệu trà mãng cầu gai sẽ vững vàng có mặt tại các siêu thị trong và ngoài nước.

Đến với Vĩnh Quới hôm nay để cảm nhận được sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền xã về sự chăm lo từ vật chất đến tinh thần cho người dân cùng với ý thức xây dựng nông thôn mới trở thành niềm vui, niềm tin, niềm tự hào của từng hộ dân nơi đây.

NGỌC NHÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: