"Lục địa thây ma" đang tìm cách trồi lên bề mặt Trái Đất?

21/09/2022 10:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Người Lao Động
  • Thứ Tư, 21/09/2022 | 10:04

Trái Đất mà chúng ta đang cư ngụ đã nuốt chửng tất cả lục địa của mình - theo nghĩa đen - để rồi lại "nhả" chúng ra, tái chế lại thành thứ chúng ta đang đứng bên trên.

Theo Science Alert, một cuộc kiểm tra về các loại đá lâu đời nhất thế giới đã chỉ ra quá khứ khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng của Trái Đất, khi các lục địa trên bề mặt bỗng bị kéo hết xuống lớp phủ, là lớp hành tinh ở bên dưới vỏ Trái Đất.

Điều này có thể giải thích một số đặc điểm làm giới khoa học bối rối từ lâu về các "nền cổ", là cấu trúc cực kỳ cũ và ổn định của thạch quyển Trát Đất.

Trong lòng Trái Đất rất có thể còn ẩn chứa những mảnh lục địa cổ xưa, chờ ngày tái sinh? - Ảnh: iStock

Nhóm tác giả dẫn đầu bởi nhà địa chất học Fabio Capitanio từ Trường Trái Đất, Khí quyển và môi trường, Đại học Monash - Úc đã nghiên cứu 35 nền cổ được nhân loại biết đến, mô hình hóa chúng để mô phỏng sự tiến hóa của Trái Đất trong 1 tỉ năm đầu tiên.

Kết quả cho thấy Trái Đất không chỉ sáp nhập và phân tách các lục địa nhiều lần, mà từng "ăn thịt" chính những lục địa sơ khai nhất.

Chúng bị kéo vào lớp phủ, tan chảy và trộn lẫn bởi vật liệu nóng chảy ở tầng sâu đó cho đến khi hòa tan hoàn toàn.

Tuy nhiên một số mảnh "thi thể" của các lục địa này còn sót lại, dần tìm đường nổi lên trở lại, tích tụ bên dưới thạch quyển thành từng lớp, nổi và cứng, có pha lẫn vật liệu trẻ tuổi hơn mà chúng đã đánh cắp từ lớp phủ. Chúng chính là nền cổ, thứ tạo nền móng vững chắc cho các lục địa mới ra đời.

Một tin sốc là một số mảnh như vậy vẫn còn bên dưới và đang chờ đợi cơ hội để nổi lên trở lại. Nói cách khác, trong tương lai có thể ngoài các lục địa chúng ta đang biết, Trái Đất sẽ tự hồi sinh một số lục địa "thây ma" từ bên trong lòng nó, bằng cách tái chế và kết hợp chúng với những vật liệu mới hơn.

Còn những lục địa bạn đang đứng, không thể phủ nhận khả năng chúng sẽ bị nuốt để nhường chỗ cho các "thây ma" trỗi dậy. Nhưng đừng lo lắng, vì có thể tuổi đời của cả nhân loại cũng không đủ dài để chứng kiến những thay đổi mất hàng trăm triệu đến hàng tỉ năm của các lục địa Trái Đất.

Nghiên cứu đã góp thêm một mảnh ghép lớn cho bức tranh toàn cảnh về sự tiến hóa địa chất khó tin của Trái Đất. Theo tiến sĩ Capitanio, điều này không chỉ góp phần giải thích cách sự sống xuất hiện và tồn tại trên Trái Đất, mà còn giúp định hướng công cuộc nghiên cứu các thế giới ngoài hành tinh.

Nền cổ vẫn còn là một kho báu vĩ đại để khai quật. Chúng không chỉ chứa các kim loại quan trọng và nhiều khoáng chất khác, mà còn ghi dấu lại lịch sử kiến tạo và tiến hóa của Trái Đất.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.

Thu Anh/Báo Người Lao Động

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: