Chuyện cũ trong bối cảnh mới

15/03/2023 04:52 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 15/03/2023 | 04:52

STO - Tại Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2023 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 3/3 vừa qua, câu chuyện về chi phí đầu vào, giá thành sản xuất tôm một lần nữa được hâm nóng trong phần thảo luận với nhiều ý kiến phản ánh, phân tích, cùng các đề xuất, kiến nghị cho vấn đề này.

Đây là vấn đề không mới, bởi hầu như ở hội nghị chuyên đề về tôm nào cũng được các đại biểu đề cập đến như là một bức xúc của nghề nuôi tôm. Năm nay, giữa bối cảnh ngành tôm đang gặp khó khăn ở hầu hết thị trường tiêu thụ thì câu chuyện trên một lần nữa được các doanh nghiệp, hiệp hội phản ánh có phần bức xúc hơn, gay gắt hơn. Ngay trong phát biểu đầu tiên, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về chi phí, giá thành, như: “Vì sao chi phí đầu vào, giá thành nuôi tôm của Việt Nam luôn cao hơn Ecuador và Ấn Độ”? “Làm gì để giảm giá thành nuôi tôm”? “Lộ trình bao lâu để đưa giá thành nuôi tôm về bằng với Ấn Độ và sau đó là bằng với Ecuador…”?

Nuôi tôm quy mô trang trại luôn có chi phí đầu vào thấp hơn và tỷ lệ thành công cao hơn so với hộ nuôi nhỏ lẻ. Ảnh: TÍCH CHU

Đây không phải là lần đầu ông Quang phản ánh các vấn đề trên, bởi theo ông, vấn đề bức xúc nhất, khó khăn nhất đối với doanh nghiệp hiện nay chính là nguồn tôm nguyên liệu. Theo ông Quang, giá thành tôm của chúng ta cao nhưng từ trước đến nay chúng ta vẫn bán được là nhờ trình độ chế biến giúp chúng ta cao, sản phẩm xâm nhập được vào phân khúc thị trường cao cấp có giá tốt hơn, cạnh tranh ít hơn. Tuy nhiên, cả Ecuador và Ấn Độ chắc chắn sẽ không ngồi yên nhìn chúng ta chiếm lấy phân khúc này, mà hiện họ đang tích cực đầu tư máy móc, công nghệ, con người để nâng cấp sản phẩm của mình. Ông Quang bức xúc: “Nếu giá thành tôm nuôi của chúng ta tiếp tục cao hơn họ như hiện nay, trong tương lai, sự cạnh tranh ở phân khúc tôm cao cấp của doanh nghiệp tôm Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn”.

Làm rõ thêm câu chuyện giá thành nuôi tôm cao, theo ông Quang, ngoài chuyện chi phí đầu vào cao thì nguyên nhân còn lại chính là do tỷ lệ nuôi thành công của ta còn thấp. Ông Quang dẫn chứng: “Trong khi Ecuador có tỷ lệ nuôi thành công lên đến 90%, còn Ấn Độ từ 60 - 70% thì Việt Nam hiện chỉ trên dưới 40%. Vì vậy, vấn đề là làm sao nâng tỷ lệ nuôi thành công lên, trước mắt trong giai đoạn đầu là bằng với Ấn Độ và sau đó là bằng với Ecuador. Chỉ có như thế, giá thành nuôi tôm của chúng ta mới có thể giảm xuống, sức cạnh tranh mới được nâng lên, vị thế con tôm Việt Nam mới được giữ vững trên thị trường thế giới”. Riêng về chi phí nuôi tôm cao, theo ông Quang chủ yếu là do tỷ lệ hộ nuôi tôm nhỏ lẻ quá nhiều, nên mọi thứ đầu vào, từ công đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng, cho đến xử lý nước, rồi con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… người nuôi đều phải trả với mức giá cao. Cũng do hộ nuôi nhỏ lẻ nhiều nên tỷ lệ thiệt hại cũng cao, kéo giá thành nuôi tôm lên cao.

Đồng tình với bức xúc của ông Quang, ông Võ Quan Huy - Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh thừa nhận: “Chỉ riêng giá thức ăn của Việt Nam cao gần gấp 2 lần của Ecuador và 1,5 lần so với Ấn Độ. Hiện vật tư đầu vào luôn trong kịch bản tăng giá và người nuôi chưa bán được tôm đã chấp nhận tăng giá đầu vào. Vấn đề này chỉ có tầm Chính phủ mới giải quyết được chứ cấp tỉnh vẫn không thể”. Theo ông Huy, do đa số hộ nuôi nhỏ lẻ, thiếu vốn đầu tư nên bên cạnh sự tăng giá từ phía nhà sản xuất, người nuôi còn chịu thêm nhiều tầng tăng giá qua các cấp đại lý nữa. Do đó, để giảm chi phí đầu vào, người nuôi nhỏ lẻ cần được tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Ông Huy phân tích: “Chỉ cần có sự đảm bảo từ nguồn vốn tín dụng, giá vật tư đầu vào sẽ giảm ít nhất 15 - 20%, nhưng hiện nay, người nuôi chưa có được sự đảm bảo này do vướng nhiều vấn đề về cơ chế cũng như lịch sử về nợ xấu để lại”.

Để giải quyết bài toán vốn nuôi tôm, theo ông Huy, vấn đề là chúng ta phải xây dựng cho được tiêu chuẩn cơ sở nuôi với đầy đủ tính pháp lý để ngân hàng làm căn cứ khi cho vay. Việc đánh giá, thẩm định hộ nuôi có đủ điều kiện hay không sẽ do hội đồng quyết định để tạo sự yên tâm cho cán bộ tín dụng một khi tôm nuôi thiệt hại sẽ được xem là rủi ro chứ không hình sự hóa. Riêng giải pháp nâng cao tỷ lệ nuôi thành công, theo ông Quang trước mắt cần tập trung vào yếu tố con giống, bởi con giống quyết định trên 60% tỷ lệ nuôi thành công. Do đó, vấn đề hiện nay là làm sao có được con giống kháng bệnh, chứ không chỉ là con giống sạch bệnh như chúng ta đang nuôi. Vấn đề nữa là cần có khu nuôi tập trung theo quy mô trang trại hay liên kết thành hợp tác xã để tất cả các chi phí đầu vào được giảm xuống, khoa học công nghệ được ứng dụng dễ dàng hơn và thực hành nuôi theo chuẩn quốc tế thuận lợi hơn.

Ông Quang kiến nghị: “Chúng ta cần có lời giải nhằm giải quyết tổng thể các vấn đề trên thì giá thành tôm nuôi của chúng ta mới có thể giảm xuống được. Cần có sự hỗ trợ từ các bộ, ngành hoặc sự hợp tác giữa các bộ, ngành với doanh nghiệp, người nuôi, chứ một mình doanh nghiệp hay người nuôi thì không thể nào giải được bài toán tổng thể giá thành tôm nuôi được”.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: