Kinh tế - xã hội cả nước có nhiều dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19

23/05/2022 15:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Hànộimới
  • Thứ Hai, 23/05/2022 | 15:30

Ngày 23-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Báo cáo cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội của cả nước đã có nhiều dấu hiệu phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành trình bày báo cáo tại phiên họp.

4 tháng có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới

Báo cáo cho thấy, trong những tháng cuối năm 2021, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Nhờ đó, tình hình kinh tế - xã hội những tháng cuối năm phục hồi rõ nét và có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2021.

Cụ thể, đã có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021, trong đó một số chỉ tiêu đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội. Trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84% (số đã báo cáo Quốc hội khoảng 4%); bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% tổng sản phẩm trong nước (GDP); thu ngân sách nhà nước tăng 16,8% dự toán; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD.

“Những kết quả đạt được nêu trên là rất đáng trân trọng trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống xã hội. Kết quả đó khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhất là trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết.

Bước vào năm 2022, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, nhiều quốc gia đã mạnh dạn mở cửa, nới lỏng các chính sách tiền tệ, song, do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cùng với những hậu quả của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn so với dự báo trước đó, lạm phát ở nhiều nước, đối tác quan trọng của ta tăng cao, giá dầu và một số hàng hóa quan trọng biến động mạnh.

Trong bối cảnh đó, để triển khai hiệu quả các kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã ban hành và chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 (gồm 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 174 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể), Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (với 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm), Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 38/NQ-CP về chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, CPI bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm 2022 đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Tăng trưởng GDP quý I đạt 5,03%, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tính chung 4 tháng, có 80,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ.

Thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

Phó Thủ tướng cho biết, trước diễn biến tình hình trong nước và quốc tế, việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2022, nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% là thách thức rất lớn. Chính phủ quyết tâm tiếp tục xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả; đồng thời yêu cầu, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục nắm chắc tình hình, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội với 12 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ; tập trung kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi nhanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khẩn trương triển khai các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, nhất là vấn đề đất đai, kinh tế tập thể, hợp tác xã, nông nghiệp, nông dân và nông thôn; khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 23-5.

Đồng thời, chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng.

Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán

Ngay sau báo cáo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022. Báo cáo thẩm tra cho thấy, bên cạnh kết quả đạt được trong năm 2021 cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục.

Cụ thể, 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu, tăng thêm 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%. Trong khi đó, thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững, thu từ dầu thô vượt 21,4 nghìn tỷ đồng do cả yếu tố tăng giá và tăng sản lượng khai thác; thu sử dụng đất tăng cao, vượt dự toán hơn 74 nghìn tỷ đồng nhưng đây là khoản thu không ổn định, không bền vững.

Cùng với đó, việc phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu.

Đồng chí Vũ Hồng Thanh cho biết, dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5-7%, Chính phủ cần lưu ý 7 nhóm vấn đề. Trong đó, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, căng thẳng địa kinh tế, địa chính trị và chính sách phòng, chống Covid-19 của các nước, động thái chính sách của các ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn.

Tiếp tục kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn; kiểm soát nợ xấu, có giải pháp căn cơ, bền vững hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư; có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa nhất là điện, than, xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên vật liệu xây dựng.

ĐÌNH HIỆP/Báo Hànộimới

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: