STO - Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Trung thu năm 2023, những chiếc đèn lồng đẹp nhất đã được các cửa hàng trên địa bàn thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) trưng ra để thu hút người mua. Theo các cơ sở kinh doanh, năm nay sức mua giảm và người dân phần lớn chọn dùng đèn lồng truyền thống.
Mẫu mã, kiểu dáng đa dạng, giá không tăng
Hiện tại, nhiều cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, phường 1, thành phố Sóc Trăng bày bán khoảng vài chục mẫu đèn lồng từ truyền thống đến hiện đại có nguồn gốc trong nước. Đèn trung thu chỉ khác nhau phần chất liệu, kiểu dáng nhưng phần lớn vẫn dựa trên mẫu đèn trung thu truyền thống để cải tiến, phù hợp với lứa tuổi sử dụng và nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng. Anh Thái Chấn Thanh - Chủ một cửa hàng tại thành phố Sóc Trăng cho biết, thị trường đèn trung thu năm nay rất đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng. Ngoài đèn giấy kiếng, giấy xếp, đèn nhựa, đèn giấy phim… có hình dáng ngôi sao, cá chép, thỏ, bướm, thuyền thì năm nay có thêm lồng đèn hình gấu dâu, con ong, cá hóa rồng… Đèn trung thu làm bằng giấy cứng, tre rất được ưa chuộng. Đơn cử như đèn trung thu thỏ tre được làm từ tre, dây bố, đèn led, thỏ bông nhỏ... rất được giới trẻ ưa chuộng.
Khách hàng trẻ chọn mua lồng đèn trung thu thỏ tre. Ảnh: MỸ LINH
Theo các cửa hàng, giá đèn trung thu năm nay không tăng so với năm 2022. Đèn lồng giấy kiếng tùy theo kích cỡ lớn, nhỏ, có giá cao nhất là trên 400.000 đồng/cái và thấp nhất là 14.000 đồng/cái. Còn các loại đèn trung thu do Việt Nam sản xuất có giá dao động từ 12.000 - 35.000 đồng/cái, so với lồng đèn đồ chơi (bằng nhựa, chạy pin) có xuất xứ từ Trung Quốc thì rẻ hơn về giá và có phần bắt mắt hơn. Dù thị trường đèn trung thu năm nay đa dạng về mẫu mã, chủng loại nhưng sức mua không cao vì tình hình kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Tránh tình trạng tồn kho,các cửa hàng chủ động nhập lượng hàng vừa phải.
Tết Trung thu hướng về truyền thống
Anh Khang ở huyện Châu Thành (Sóc Trăng) tranh thủ thời gian ghé các cửa hàng sản xuất, kinh doanh đèn trung thu trên địa bàn thành phố Sóc Trăng tìm hiểu về giá cả để đặt mua 250 cái đèn dành tặng cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Theo Khang, năm nào cũng vậy, anh cùng nhóm bạn trích một phần kinh phí dùng mua bánh, đèn lồng tặng các em nhỏ đang được nuôi dưỡng tại một số chùa trong tỉnh. Khang cho biết, nhóm bạn của Khang chỉ tặng đèn lồng truyền thống bằng giấy kiếng, để các em cùng rước đèn đi chơi, trải nghiệm tết Trung thu thật vui tươi, ý nghĩa, đậm nét văn hóa, truyền thống Việt Nam giống như Khang và các bạn ngày xưa.
Bà Trần Thị Hai ở phường 6, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) hơn 50 năm giữ nghề làm đèn lồng truyền thống. Ảnh: MỸ LINH
Chị Phượng ở phường 6, thành phố Sóc Trăng cho biết, tết Trung thu là một trong những cơ hội để chị tặng quà bánh, đồ chơi cho người thân, bạn bè và các cháu nhỏ trong gia đình. Mỗi phần bánh đều có kèm đèn trung thu và chị luôn chọn đèn lồng truyền thống. Theo chị Phượng, tùy theo độ tuổi các cháu mà chị chọn đèn trung thu phù hợp, nhỏ thì chơi đèn sử dụng pin; lớn hơn thì xài đèn bướm, cá chép, thỏ… có thắp nến. “Riêng đối với người lớn tuổi thì nhất định phải tặng đèn ông sao, vì cúng trăng là không thể thiếu đèn trung thu truyền thống được” - chị Phượng cho biết.
Tìm về cội nguồn, lưu giữ, phát huy nét văn hóa, truyền thống của dân tộc cho giới trẻ hiện đã và đang được rất nhiều gia đình Việt Nam thực hiện. Vì vậy, xu hướng chơi đèn lồng trung thu giấy kiếng ngày càng thịnh hành. Đó là lý do mà bà Trần Thị Hai ở phường 6, thành phố Sóc Trăng vẫn giữ lửa nghề trong hơn 50 năm qua. Bà Hai bộc bạch: “Tôi không lo không có người mua mà chỉ sợ mình không còn đủ sức để làm ra những chiếc đèn lồng giấy kiếng mỗi dịp tết Trung thu”.
MỸ LINH
Bình Luận