Tìm sách lược cho giai đoạn khó

09/12/2022 04:49 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 09/12/2022 | 04:49

STO - Từ cuối quý III đến giờ, tình hình các đơn hàng tôm đã có mức độ suy giảm rõ rệt. Một số đơn hàng đã ký kết bị khách hàng yêu cầu hủy, hoãn, hoặc kéo dài thời gian giao hàng. Một bất lợi nữa đối với doanh nghiệp ngành tôm là việc thảo luận, bàn bạc kế hoạch kinh doanh năm tới chưa rõ nét càng làm cho bức tranh khó khăn của ngành tôm giai đoạn cuối năm 2022 và đầu năm 2023 thêm đậm nét.

Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tình hình lạm phát trên thế giới đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm sút, nên các mặt hàng giá cao không được ưu tiên lựa chọn nhiều. Mặt khác, cạnh tranh về giá cũng hết sức gay gắt khiến cho việc tiêu thụ chung tại các thị trường lớn đang gặp khó khăn, mức tiêu thụ không như kế hoạch, tồn kho xảy ra. Từ đó nhà nhập khẩu ngại rủi ro và họ đẩy rủi ro này về phía nhà cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp tôm Việt Nam.

Khó khăn đối với ngành tôm được dự báo sẽ còn kéo dài sang tận nửa đầu năm 2023. Ảnh: TÍCH CHU

Trong bối cảnh khó khăn chung đó, những doanh nghiệp phát triển bài bản, có chiến lược, có tầm nhìn sẽ nhanh chóng giảm tồn kho bằng cách bán nhanh, chấp nhận lỗ chút ít để giảm tồn kho, nhẹ chi phí; cắt giảm chi phí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, rà soát các định mức tiêu hao để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp. Đó là về ngắn hạn, còn về chiều sâu, theo ông Lực, doanh nghiệp cần trang bị thành tựu công nghệ mới trong hoạt động sản xuất của mình. Những khâu, công đoạn nào trong chế biến có thể cơ giới hóa, tự động hóa, thậm chí số hóa cần làm thì làm ngay. Ông Lực chia sẻ: “Nếu tài chính hạn chế cần làm từng bước, nhưng phải xác định đây là vấn đề cần phải thực hiện xuyên suốt trong chiến lược phát triển của mình. Ngày nay, yêu cầu của người tiêu dùng khá cao, nên các hoạt động phải minh bạch, bền vững, hay nói cách khác là không thể làm theo kiểu “ăn xổi ở thì” được mà phải đáp ứng tất cả tiêu chí của khách hàng, nếu coi nhẹ sẽ bị bỏ lại phía sau”.

Đối với con tôm, cần đánh giá tương quan điểm mạnh, yếu của ta và các đối thủ để từ đó có những đối sách phù hợp và hiệu quả. Hiện có 2 đối thủ lớn là Ecuador và Ấn Độ còn chúng ta đứng thứ 3. Cả Ecuador và Ấn Độ đều có điểm mạnh là sản lượng lớn và giá bán thấp. Đặc biệt Ecuador có lợi thế rất gần thị trường Mỹ. Nếu tôm Việt Nam sang tới Mỹ thì chi phí âm thêm hơn 1USD/kg, chưa kể trước đó, giá tôm của Việt Nam cũng đã cao hơn tôm Ecuador khoảng 1USD/kg cùng cỡ loại. Do đó, theo ông Lực, nếu đánh giá tương quan ở thị trường Mỹ thì chúng ta chỉ nên xâm nhập ở phân khúc cao cấp mà các đối thủ chưa đạt trình độ chế biến để vươn tới hệ thống phân phối này. Nhưng họ cũng đang cố gắng nâng cao trình độ chế biến của mình nên nếu chúng ta không có giải pháp hay cách ứng xử để khắc phục nhanh điểm yếu thì chắc chắn chúng ta sẽ thất thế ở thị trường Mỹ.

Còn ở thị trường gần, như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc sẽ là thị trường xa của đối thủ nhưng đồng Yên hiện mất giá nhiều quá nên giá bán tôm Việt vào bị tăng ảo lên. Còn thị trường Tây Âu là nơi đòi hỏi cao nhất với chuẩn ASC nhưng tỷ lệ ao nuôi đạt của Việt Nam thấp nên tôm Việt vào thị trường này còn chậm. Để đáp ứng thị trường này, chúng ta phải tạo ra được những trang trại nuôi lớn, ứng dụng chuẩn nuôi quốc tế thì mới tăng thị phần ở EU và tất nhiên vẫn là sản phẩm cấp cao có hàm lượng chế biến sâu. Vấn đề trong nước làm sao tăng tỷ lệ nuôi thành công để giảm giá thành tăng cạnh tranh. Việt Nam chưa chủ động được tôm giống bố mẹ mà hiện đang sử dụng giống nhập của CP hay SIS. Đây đều là những con giống có chất lượng tốt, nhưng cái khó là nguồn giống này vẫn chưa phủ đầy các vùng nuôi mà những con giống chất lượng thấp hơn lại chiếm tỷ lệ cao hơn. Cho nên giải pháp về con giống cần có sự kiểm soát chặt chẽ hơn việc lưu thông, tiêu thụ nguồn con giống kém chất lượng thì sẽ góp phần tăng được tỷ lệ nuôi thành công lên cao hơn hiện nay.

Hiện các doanh nghiệp thủy sản vẫn còn hoạt động bình thường, chưa có tình trạng giảm thiểu lao động, nhưng hoạt động thực chất trong doanh nghiệp thủy sản hiện nay ở mức độ co cụm lại, số giờ làm có giảm xuống nên ngoài khó khăn của doanh nghiệp còn có khó khăn của người lao động do số giờ làm ít, thu nhập cũng ít, cái Tết tới sẽ không được vui vẻ nên trách nhiệm của doanh nghiệp là cố gắng khắc phục được việc này. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, theo đánh giá khó khăn sẽ còn kéo dài đến nửa đầu năm sau. Do đó, vấn đề trước mắt của doanh nghiệp là cố gắng làm sao tồn kho thấp nhất, nợ ngân hàng ít nhất, nâng cao ý thức tiết kiệm, tập trung lo cho người lao động có được cái Tết vui vẻ… Trong bối cảnh này, những doanh nghiệp nào xây dựng được thương hiệu, chứng minh được sự phát triển bền vững, có được lòng tin người tiêu dùng thì đơn hàng sẽ phục hồi nhanh hơn, giá cả tốt hơn.

TÍCH CHU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: