• Nông nghiệp

Dự án VnSAT mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội

30/06/2022 21:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/06/2022 | 21:04

STO - Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng được triển khai tại 30 xã thuộc 6 huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên và Thạnh Trị, với nguồn vốn đầu tư tương đương hơn 331 tỷ đồng. Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng tập trung vào 2 nhóm hoạt động chính là nâng cao năng lực sản xuất (nông dân) và tổ chức sản xuất (hợp tác xã (HTX)), thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo; xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ trang thiết bị phục vụ sản xuất cho các tổ chức nông dân (HTX). Thông qua các nhóm hoạt động chính, trong quá trình triển khai dự án đã đem lại các thành quả về mặt kinh tế - xã hội, kể cả về môi trường cho người dân vùng dự án.

Hiệu quả về kinh tế…

Dự án triển khai có 32.563 lượt nông dân được tập huấn kiến thức kỹ thuật sản xuất lúa gạo bền vững 3 giảm 3 tăng và 1 phải 5 giảm và 2.688 lượt thành viên lãnh đạo HTX tham gia các khóa đào tạo kỹ năng tổ chức, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh theo Luật HTX năm 2012. Đối với hoạt động đầu tư công, dự án đã triển khai đầu tư 23 tiểu dự án với 49 công trình: nhà kho, trạm bơm nước, cống thủy lợi, cầu, đường giao thông nông thôn kết nối vùng nguyên liệu. Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ 17 hạng mục trang thiết bị, máy móc như: máy cấy, máy gieo sạ, máy sấy, máy sàng lọc lúa, máy cuốn rơm với hình thức đầu tư có đối ứng từ các HTX nông nghiệp.

Hàng ngàn nông dân tại các huyện được Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng triển khai được tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo bền vững. Ảnh: TL

Thông qua các hoạt động hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trong sản xuất lúa cho nông dân, các HTX, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng cùng các trang thiết bị phục vụ sản xuất lúa trong vùng dự án, dự án đã đạt được các hiệu quả về kinh tế đó là giúp hàng ngàn hộ dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến, cùng với việc lựa chọn những giống lúa thích nghi với điều kiện đất đai, mùa vụ và nhu cầu thị trường trong mô hình canh tác lúa gạo bền vững, đã giúp nông dân giảm chi phí tương đương 2,3 triệu đồng/ha, gia tăng năng suất trung bình 4,8 tạ/ha, giảm giá thành sản xuất bình quân 620 đồng/kg và nâng cao lợi nhuận gần 49% so với ngoài mô hình.

Hiệu quả xã hội và môi trường

Từ giá trị lợi nhuận tăng thêm gần 49% đã giúp cải thiện thu nhập đáng kể, nâng cao đời sống vật chất cho các hộ nông dân tham gia dự án và góp phần cải thiện chỉ số thu nhập trong bộ tiêu chí “Nông thôn mới” ở địa phương.

Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất theo cánh đồng lớn đã thúc đẩy quá trình hình thành mối liên kết cộng đồng ngày càng bền chặt hơn với những tương tác qua lại, thông qua các hoạt động tập thể có trách nhiệm, khi thực hành các cam kết áp dụng kỹ thuật trong sản xuất và sự bàn bạc, thảo luận, đồng thuận giá cả mua, bán lúa với doanh nghiệp, các rủi ro và lợi ích đều được cộng đồng chia sẻ. Từ những hoạt động hợp tác sản xuất mang lại và với các hợp đồng kinh tế trong liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các tổ chức nông dân, các thành viên lãnh đạo HTX đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, nhạy bén trong tiếp cận thị trường, qua đó phát huy vai trò kinh tế tập thể trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Về hiệu quả môi trường dự án đem lại là người dân, HTX trong vùng dự án tuân thủ tốt các biện pháp kỹ thuật nên giảm thiểu đáng kể việc đốt rơm rạ trên đồng giúp giảm ô nhiễm do khói bụi trong không khí; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 2 - 3 lần/vụ, tiết kiệm 1 triệu - 1,5 triệu đồng/ha, đã giảm thải ra môi trường các hóa chất độc hại. Giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa như: CO2 (do đốt rơm rạ), khí CH4 (nhờ áp dụng phương pháp quản lý nước “ướt, khô xen kẽ”)… và theo đánh giá của Viện Nghiên cứu môi trường nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự án đã góp phần giảm được 181.600 tấn CO2/năm, thông qua áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác trên diện tích 20.051ha, đạt 136% so với tiêu chí dự án đề ra.

Thực tiễn hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường mà dự án đem lại thông qua các hoạt động sản xuất lúa gạo bền vững đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của bà con nông dân về kinh tế hợp tác với những cơ hội mới về chính sách đầu tư, chiến lược phát triển nông nghiệp của Nhà nước cùng những thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và đời sống…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: