• Pháp luật - Bạn đọc

Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ xâm hại tình dục

15/08/2022 04:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 15/08/2022 | 04:07

STO - Xâm hại tình dục trẻ em luôn là vấn nạn nhức nhối đối với toàn xã hội. Bởi hậu quả ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng, cả về thể chất lẫn tinh thần. Và thực tế số vụ án liên quan đến xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Lắng nghe và xoa dịu nỗi đau con trẻ

Theo bước đoàn công tác của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng (kết hợp với Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc tại TP. Hồ Chí Minh) đến thăm, động viên các trẻ em bị xâm hại tình dục, chúng tôi không khỏi nhói lòng trước những số phận, nỗi đau. Bé K.Y có gia cảnh khó khăn, cha mẹ đều là công nhân phải tối mặt cùng công việc để hai chị em ở cùng bà ngoại. Khổ nỗi, bà ngoại lảng tai lại nhiều bệnh tật nên bé K.Y chỉ mới học lớp 4 mà sau giờ học phải lo chăm em, chăm bà và lo cả việc nhà. Thiếu sự quan tâm chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, một ngày mượn được điện thoại của mẹ đã kết bạn được người thanh niên xứ xa và nhận được những lời “rót mật vào tai” khiến cô bé như quên hết sự đời.

Một ngày nọ, người thanh niên ấy xuống tận nơi, tặng bánh, tặng quà khiến cô bé chẳng phòng bị và thế là em đã trở thành nạn nhân của tên “yêu râu xanh”. Lời thì thầm của bé K.Y nghe mà xót xa: “Con muốn được đi đâu đó thật xa để không ai biết việc này. Nhưng nếu con đi rồi, ai sẽ lo cho bà, cho em và lo việc nhà. Mà từ khi xảy ra chuyện, mẹ không cho con đi đâu hết…”.

Định hướng, tiếp bước trẻ em bị xâm hại vượt qua "cú sốc". Ảnh: S.M

Gia cảnh cô bé N.T cũng không hơn gì, thậm chí em còn không được đến trường, chỉ quanh quẩn trong nhà chăm em. Cô bé không thường xuyên tiếp xúc với người ngoài mà cũng chẳng được an toàn. Một hôm, cô qua nhà nội chơi thì bị dượng rể dùng vũ lực cưỡng bức, mặc cho cô bé khóc lóc van xin. Từ đó, em hoảng loạn, co rúm bản thân, sợ tiếp xúc với mọi người và đi đâu cũng phải có cha, mẹ đi cùng. Còn bé T.T thì bị người bạn chơi chung nhóm xâm hại, khiến tâm lý bất an, lo sợ dẫn đến việc học hành sa sút…

Thực tế, hiện tượng xâm hại tình dục ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi nơi, mọi lúc; họ hay dụ dỗ, lợi dụng sự thiếu hiểu biết, ngây thơ, khả năng tự vệ yếu của nạn nhân để thực hiện hành vi đồi bại. Theo bà Nguyễn Yên Thảo - Chi hội trưởng Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp cầu hạnh phúc (OBV Việt Nam), khi con trẻ bị xâm hại tình dục, tâm lý thường hay bất ổn, cha mẹ cần quan tâm, gần gũi, an ủi, động viên, chia sẻ; tránh việc chì chiết, la mắng hay đánh đập và nếu được hãy cho con trẻ một môi trường sống mới thật an lành. Để tương lai của con được tiếp bước, bà hy vọng các trẻ thiếu may mắn sẽ đến với ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc. Đây là ngôi nhà dành cho trẻ em đang hay có nguy cơ bị khai thác tình dục. Đến đây, các trẻ sẽ được chăm sóc về tinh thần, thể chất và hiện nơi đây đã nuôi dưỡng, chăm sóc được 23 trẻ. Quan trọng, gia đình các trẻ sẽ không phải tốn bất cứ một chi phí nào khi đến với ngôi nhà Nhịp cầu hạnh phúc, kể cả chi phí đến thăm ngôi nhà cũng sẽ được hỗ trợ. Ngoài ra, Nhịp cầu hạnh phúc còn thực hiện hỗ trợ tại gia đối với những trẻ bị xâm hại tình dục thuộc diện gia đình có kinh tế khó khăn (hỗ trợ học phí, bảo hiểm y tế học đường, khám, chữa bệnh và hỗ trợ tâm lý do di chứng của việc khai thác tình dục).

Chung tay bảo vệ con trẻ

Trẻ em là tương lai của đất nước, vì vậy các em cần được lớn lên và trưởng thành trong môi trường xã hội an toàn, được pháp luật bảo vệ. Việc bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại - vấn đề này là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người và toàn xã hội. Bà Tăng Thị Thúy Nga - Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên thuộc Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, hai cấp đã thụ lý 37 vụ liên quan đến việc xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em (Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý 10 vụ) và tòa án quan tâm thực hiện bảo vệ trẻ em ngay từ các phiên tòa. Khi đó, tòa đã khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, đáp ứng yêu cầu chính trị của địa phương. Đối với những vụ án mà bị cáo hoặc bị hại thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý, tòa án đã thực hiện nghiêm túc để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Trong xét xử, cân nhắc kỹ lưỡng, đảm bảo vừa làm rõ các tình tiết của vụ án và đảm bảo cả thuần phong mỹ tục, các yếu tố văn hóa; bảo vệ danh dự, phẩm giá của con người và không gây tác động tiêu cực đến tâm lý của bị hại, đặc biệt là các trẻ em. Bên cạnh việc xét hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xác định sự thật, hội đồng xét xử còn chú trọng công tác giáo dục pháp luật thông qua việc giải thích, phân tích cho các bị cáo và những người tham dự phiên tòa hiểu rõ về hậu quả cũng như những hệ lụy phát sinh từ hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đối với hình phạt về tội phạm này, cơ bản đảm bảo nghiêm minh, đúng quy định, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, cuối tháng 7/2022, Tòa án nhân dân tỉnh vừa triển khai và thực hiện chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, giai đoạn 2021 - 2025”.

Từ thực tế, trẻ em bị xâm hại tình dục thường rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thiếu sự quan tâm, chăm sóc. Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thị Diện cho rằng, để tránh những sự việc đau lòng do tội phạm xâm hại tình dục gây nên, gia đình cần quản lý con cái chặt chẽ hơn, nhất là vai trò và tầm quan trọng của người mẹ sẽ tạo ra hàng rào bảo vệ các con từ các cạm bẫy xã hội. Chính vì vậy, Tỉnh hội đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, kỹ năng cho hội viên phụ nữ; phối hợp với các điểm trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức về kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; hướng dẫn sử dụng mạng xã hội hiệu quả, an toàn. Trong những tháng đầu năm, Tỉnh hội chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như: nói chuyện chuyên đề, diễn tiểu phẩm, chiếu video phóng sự, diễn đàn “Lắng nghe trẻ em nói” về nguyên nhân, hậu quả trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại và cách phòng ngừa. Quan tâm tổ chức đối thoại chính sách giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ban ngành với hội viên phụ nữ về các chính sách hỗ trợ, can thiệp trẻ em khi bị xâm hại, bị bạo lực. Trong tháng 7/2022, Tỉnh hội đã thực hiện nhiệm vụ giám sát về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, nhất là xâm hại tình dục. Đồng thời, ra mắt tổ phụ nữ phản ứng nhanh phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội…

Bản thân trẻ em có nhiều hạn chế nhất định từ thể chất đến tinh thần nên thường hay bị kẻ xấu lợi dụng, xâm hại. Do vậy, cần phải có sự định hướng kịp thời từ người lớn và sự chung tay bảo vệ của toàn xã hội để cho thế hệ tương lai của đất nước được trưởng thành trong một môi trường an toàn, tốt đẹp nhất.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: