• Pháp luật - Bạn đọc

Vay “online” 30 triệu, bị lừa mất 150 triệu

19/11/2021 11:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Sáu, 19/11/2021 | 11:51

Ngày 19/11, Công an thành phố Hà Nội cho biết, do tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, nhiều người dân có nhu cầu vay tiền để phục vụ cuộc sống, nên xuất hiện các đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng tải thông tin hỗ trợ vay vốn, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Lợi dụng dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn đã xuất hiện các đối tượng lừa đảo bằng hình thức vay tiền “online”. (Ảnh minh họa)

Mới đây, Công an thị xã Sơn Tây (Hà Nội) phối hợp các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đó, vào ngày 14/11, Công an thị xã Sơn Tây tiếp nhận đơn trình báo của anh T (sinh năm 1983, trú tại thị xã Sơn Tây) về việc có đăng ký vay tiền online với số tiền 30 triệu đồng. 

Sau đó, một đối tượng liên hệ với anh và yêu cầu chuyển tiền làm bảo hiểm khoản vay. Đối tượng thông báo anh T thực hiện sai lỗi phải chuyển tiền qua ngân hàng để xác thực. Anh T đã chuyển 154 triệu đồng nhưng không được hoàn lại số tiền. Lúc này anh T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Một vụ việc khác, Công an phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) tiếp nhận tin trình báo của anh H (sinh năm 1993, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), về việc bị lừa đảo chiếm đoạt 250 triệu đồng. 

Theo đó, vào 11 giờ cùng ngày, anh H nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là Công an thành phố Đà Nẵng thông báo anh H đứng tên thuê xe ô-tô gây tai nạn giao thông chết người trong Đà Nẵng và yêu cầu anh cung cấp tài khoản ngân hàng và mật khẩu để phong tỏa. Sau khi cung cấp toàn bộ thông tin, anh H phát hiện tài khoản ngân hàng bị mất 250 triệu đồng. Lúc này anh H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo, người dân cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo nêu trên, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. 

Để làm việc với người dân, cơ quan Công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua Công an địa phương và không yêu cầu người dân cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP và chuyển tiền cho các đối tượng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất. 

Đặc biệt, cần cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay vốn với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo hiểm để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. 

Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

LÊ TÚ/Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: