• Pháp luật - Bạn đọc

Xưa ở nhờ - nay tranh chấp

29/09/2022 04:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 29/09/2022 | 04:05

STO - Các thế hệ ông cha khá hào sảng, sẵn sàng dang tay giúp đỡ, bảo bọc, cưu mang những hoàn cảnh khó khăn; thậm chí cho mượn cả nhà lẫn đất để những người lân cận ổn định cuộc sống. Nhưng một số người thuộc thế hệ hôm nay lại mâu thuẫn gay gắt khi tranh chấp những tài sản trên mà quên đi nghĩa cử cao đẹp, ân nghĩa của đời trước.

Lượng án tranh chấp đất ở, nhà ở và quyền sử dụng đất phát sinh từ việc cho mượn, ở nhờ khá phổ biến hiện nay. Đa phần việc tranh chấp xuất phát từ thế hệ hậu bối và hầu như họ chẳng quan tâm vấn đề nguồn gốc sâu xa mà cứ khư khư “sống chết” giữ tài sản. Câu chuyện về tranh chấp nhà ở, đất ở của bà H.K.C ngụ khóm 2, phường 6, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) khiến các ngành chức năng phải "đau đầu", tìm mọi phương tháo gỡ. Vốn trước đây, bà H cất nhà cho thuê và sau đó, đã cho cha mẹ bà H.K.C (chị em cô cậu) ở nhờ. Khi đó, cha mẹ bà H.K.C có làm cam kết, khi nào cần sẽ giao lại. Vậy mà khi cha mẹ qua đời, bà H.K.C không muốn trả lại tài sản; bị đòi thì nói ngang, cho rằng từ nhỏ mình đã ở trong căn nhà này và đây là tài sản cha mẹ mất để lại, chẳng ai có quyền lấy. Tức giận đứa cháu ngang ngược, bà H khởi kiện và pháp luật khá nhân văn, tòa án đã xem xét để gia đình bà H.K.C tiếp tục sử dụng phần đất nhưng phải có trách nhiệm thanh toán lại giá trị đất. Bởi gia đình bà đã sinh sống ổn định, nếu di dời căn nhà ra khỏi phần đất sẽ không có chỗ ở khác.

Vẫn kiên quyết không chấp hành, cơ quan thi hành án phải kê biên phần nhà, đất đó để đảm bảo thi hành nội dung bản án. Khi có người trúng giá, bà H.K.C vẫn giữ chặt tài sản, bỏ mặc sự khuyên can của chính quyền địa phương và các ngành chức năng. Bản án có hiệu lực phải thi hành nhưng xét ở một góc độ nào đó, hoàn cảnh của bà cũng thật đáng thương. Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền đã cố gắng tạo mọi điều kiện để gia đình bà H.K.C ổn định cuộc sống sau khi thi hành án. Chỉ cần bà H.K.C tự nguyện thi hành án, UBND thành phố Sóc Trăng xem xét hỗ trợ một căn nhà ở xã hội (khang trang hơn cả căn nhà bà đang ở). Đồng thời, UBND phường 6 sẽ xem xét hỗ trợ từ 5 triệu - 10 triệu đồng, gạo; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Sóc Trăng xem xét tìm chế độ hỗ trợ gia đình bà. Ngay cả người trúng giá cũng hứa sẽ hỗ trợ 10 triệu đồng nếu bà tự nguyện thi hành án... Nhưng tất cả đều hoài công, bà H.K.C kiên quyết bám trụ đến cùng với suy nghĩ tài sản cha mẹ mất để lại, không quan tâm nguồn gốc trước đó từ đâu có.

Nhiều trường hợp cho ở nhờ, thế hệ con cháu quyết giữ lấy tài sản và không đồng ý trả lại phía người cho mượn. Ảnh: Minh họa

Nhưng đó không phải là trường hợp hi hữu, các thế hệ hậu bối cương quyết kéo nhau ra tòa hiện khá phổ biến. Trường hợp ông L (ngụ thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú (Sóc Trăng)) thừa kế phần tài sản của cha mẹ để lại nhưng khi đo đạc thì phát hiện bị hàng xóm lấn trên 80m2 (so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Thế là, ông L qua nói chuyện phải trái và yêu cầu hàng xóm trả lại phần đất đã lấn chiếm. Kết quả, hai bên xảy ra mâu thuẫn gay gắt, hàng xóm nói rằng phần đất đó là cha mẹ ông L đã cho cha mẹ hàng xóm xây cất, mở rộng nhà (nói miệng) nên không có việc trả hay chiếm đất ở đây. Bản thân ông L là thế hệ hậu bối, chưa từng nghe cha mẹ nói về việc tặng cho hàng xóm phần đất và thực chất không biết có việc tặng cho này? Nhưng trong cuộc sống, làm gì có đạo lý người nhận ơn lại có thái độ hơn thua, thách thức đối với “ân nhân” và ông L đã nhờ pháp luật giải quyết. Tòa án đã tuyên phía hàng xóm phải trả lại phần diện tích đất trên 80m2 và phía ông L phải hỗ trợ phần tiền đối với các công trình mà hàng xóm đã xây cất.

Còn trường hợp ở địa bàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), con cái người ở nhờ cho rằng tài sản cha mẹ mất để lại nên hợp thức bán luôn căn nhà của người khác. Khi người mua tiến hành xây cất thì mới phát hiện được sự tình... Mỗi một vụ việc là những câu chuyện đáng suy ngẫm về cách ứng xử, suy lối sống của một số người. Có lẽ, đất đai ngày càng có giá trị đã khiến một số người quên đi lý lẽ, đạo lý ở đời và đánh mất sự lắng nghe, thấu hiểu.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua các vụ việc, vụ án tranh chấp đất ở, nhà ở, quyền sử dụng đất liên quan đến cho hoặc ở nhờ thì phần lớn phát sinh ở giai đoạn trước năm 1990 và việc tranh chấp xảy ra ở thế hệ con, cháu. Mỗi giai đoạn, quy định pháp luật về quản lý đất đai có sự thay đổi khác nhau và thời điểm trước năm 1990, đất đai không có giá trị cao như hiện nay. Việc cho mượn hoặc tặng cho không được thực hiện bằng giấy tờ, chỉ nói miệng; đa phần phía được cho, mượn tài sản đều có hoàn cảnh khó khăn. Hiện các quyết định của tòa án phần nhiều là buộc phía người mượn tài sản có trách nhiệm hoàn trả lại giá trị tài sản (nếu chứng minh được) và giao quyền sử dụng đất để người dân ổn định cuộc sống (vì đã cất nhà).

Nhưng qua từng vụ án và xét ở góc độ tình người, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Hoàng Lâm cho biết, đối với đất đai, nhà cửa cho mượn hoặc ở nhờ trong thời gian dài thì phía “chịu ơn” vẫn có công chăm sóc, giữ gìn tài sản cần phải được nhìn nhận; còn phía “ban ơn” đã quá hào phóng làm sao có thể lãng quên, phủ bỏ... Tại sao những thế hệ hậu bối của hai bên không ngồi lại trao đổi, thấu hiểu và tìm đến sự thống nhất thay vì mâu thuẫn gay gắt đánh mất nghĩa tình, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự địa phương.

Vấn đề tranh chấp phát sinh trong nhân dân, cần lắm vai trò tuyên truyền của cơ quan chức năng, đoàn thể và công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, cần nhất vẫn là sự nhận thức của mỗi gia đình, cá nhân và lối sống, cách hành xử nhân văn, đừng để giá trị vật chất làm tha hóa bản thân, quên đi nghĩa tình.

SỚM MAI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: