• Thông tin đối ngoại

Đoàn kết, chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu

22/05/2023 14:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Hai, 22/05/2023 | 14:35

Theo Đoàn công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản, chúng tôi tới thành phố Hiroshima nằm ở phía nam Nhật Bản - nơi đầu tiên trên thế giới chịu thảm họa của bom nguyên tử hồi tháng 8/1945.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tham dự phiên thảo luận đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. (ẢNH: TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và trưởng đoàn Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng tham dự phiên thảo luận đối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu. (ẢNH: TTXVN)

Tỉnh Hiroshima, quê nhà của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, có quan hệ hữu nghị và hợp tác chặt chẽ, thân thiết, gắn bó với Việt Nam.

Đây là lần thứ ba, Việt Nam được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng trong 7 năm trở lại đây, phản ánh sự ghi nhận, đánh giá tích cực của các nước G7 và cộng đồng quốc tế đối với vị thế, uy tín cũng như những nỗ lực và đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào thúc đẩy hợp tác quốc tế trong giải quyết các thách thức toàn cầu trong thời gian qua.

Đây cũng là lần thứ hai Nhật Bản trên cương vị Chủ nhà của G7 mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi Việt Nam dự Hội nghị này đúng vào dịp hai nước cùng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; là một minh chứng sinh động cho sự tin cậy chính trị cao giữa hai nước cũng như sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản.

Như lời ông Tatsuo Akagi, lãnh đạo Hội Hòa bình và Hữu nghị Hiroshima-Việt Nam tự hào nói trong buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính rằng: Hai nước có nhân duyên với nhau và trong khu vực châu Á, Việt Nam và Nhật Bản hợp tác gắn bó chặt chẽ, mật thiết nhất; hiếm có tỉnh, thành phố nào của Nhật Bản như Hiroshima khi có tới 3 Hội hữu nghị với Việt Nam, hoạt động tích cực, thúc đẩy giao lưu nhiều mặt giữa hai nước, cho thấy Việt Nam có vị trí, vai trò hết sức quan trọng đối với Hiroshima nói riêng và Nhật Bản nói chung.

Tại diễn đàn quan trọng và được quan tâm nhất thế giới này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại các phiên của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng: “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.

Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp yêu cầu cấp thiết là thúc đẩy và tạo ra những động lực mới cho phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế toàn cầu theo hướng xanh hơn, sạch hơn, bền vững hơn; thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, nhấn mạnh đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức phức tạp hiện nay.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định Việt Nam đánh giá cao Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu; đề nghị G7 và đối tác đẩy mạnh mở cửa thị trường nông sản, thúc đẩy hợp tác nông nghiệp xanh, tăng cường tham gia và hỗ trợ triển khai các cơ chế hợp tác Nam-Nam và ba bên trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Nhà lãnh đạo Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, tự lực, tự cường của mỗi quốc gia và hợp tác quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng nêu quan điểm về bảo đảm công bằng, hợp lý, tính tới điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước; bảo đảm cân bằng chiến lược giữa chuyển đổi năng lượng sạch và an ninh năng lượng toàn cầu...

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam đề cao cách tiếp cận tổng thể về các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển; hòa bình là nền tảng, đoàn kết, hợp tác là động lực, phát triển bền vững là mục tiêu.

Thông điệp quan trọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được các nhà lãnh đạo hết sức ủng hộ, đánh giá cao.

Nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác quốc tế trong ứng phó các thách thức toàn cầu, nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt về tài chính trong thích ứng biến đổi khí hậu.

Các nhà lãnh đạo hết sức ủng hộ quan điểm của Việt Nam về việc cân bằng giữa thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 với bảo đảm an ninh năng lượng. Nhiều nước nhấn mạnh quá trình chuyển đổi năng lượng có thể được thực hiện với nhiều lộ trình khác nhau, phù hợp hoàn cảnh và điều kiện của từng nước…

Tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng là dịp để Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xúc, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, nguyên thủ các nước để tăng cường, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt là tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á.

Đánh giá về mối quan hệ Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định mạnh mẽ rằng, chưa bao giờ, quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước lại tốt đẹp như ngày nay.

Sau khi tham dự thành công Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, trước khi lên đường về nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm quan trọng và thành công với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, đạt nhiều kết quả thực chất trên nhiều lĩnh vực.

Điểm nổi bật của hội đàm lần này là hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc 2 bên hoàn thành thủ tục cam kết vốn chương trình ODA thế hệ mới cho phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên phối hợp thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng, nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh cho Việt Nam để tham gia sâu, rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu…

Với lịch trình bận rộn, dày đặc các chương trình nghị sự, tiếp xúc song phương, tuy nhiên Thủ tướng đã dành thời gian tiếp các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức của Nhật Bản và tỉnh Hiroshima, cũng như một số tổ chức quốc tế lớn như IMF, WTO, OECD.

Tại các cuộc tiếp này, lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản đều đánh giá cao, cảm ơn sự nỗ lực, quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho họ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam; bày tỏ tin tưởng triển vọng kinh tế của Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, làm ăn tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại Tọa đàm Kinh doanh Việt Nam-Nhật Bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Cộng đồng doanh nghiệp hai nước rất mong chờ sự kiện này và đánh giá, đây là dịp để hai bên tiếp tục thúc đẩy cơ chế đối thoại, phân tích kỹ thời cơ, vận hội cũng như khó khăn, thử thách mới; chia sẻ bài học kinh nghiệm quý báu để từ đó đề ra giải pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng phát triển bền vững ở mỗi nước, đồng thời thúc đẩy nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản lên đối tác chiến lược toàn diện, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả.

Các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; coi Việt Nam là điểm hấp dẫn trong đầu tư; nêu rõ, phát triển kinh tế của Việt Nam kéo theo nhu cầu gia tăng về năng lượng; việc trung hòa các-bon có vai trò quan trọng trên thế giới, trong đó Nhật Bản có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, mong được chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam; đồng thời kiến nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, cấp phép kinh doanh…; thúc đẩy nguồn năng lượng xanh và cung cấp điện ổn định; kiểm soát chặt chẽ giá đất…

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta đến với nhau chân thành, tình cảm, chia sẻ, vì mục tiêu hòa bình, hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới; khẳng định, Việt Nam luôn luôn lắng nghe ý kiến từ các doanh nghiệp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết các vấn đề thực tế đặt ra phù hợp, hiệu quả.

Việt Nam đang tập trung cho đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học-công nghệ, do đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cần tập trung đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hai bên cùng nhau đóng góp cho mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản ngày càng đơm hoa kết trái.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã thành công tốt đẹp, trong đó có sự đóng góp tích cực, chủ động và sáng tạo của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam; qua đó tiếp tục khẳng định Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế; góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

HÀ THANH GIANG/BÁO NHÂN DÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: