• Thương mại - Dịch vụ

Đi "chợ online"

16/08/2021 16:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 16/08/2021 | 16:01

STO - Hiện tại, trên địa bàn TP. Sóc Trăng được phân loại có mức độ nguy cơ cao dịch Covid-19 (vùng cam). Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, người dân trên địa bàn thành phố đã tự giác phòng, chống dịch bệnh bằng cách hạn chế đi chợ truyền thống, nhưng vẫn muốn mua các loại hàng hóa thiết yếu ngay tại nhà. Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng, các sàn thương mại điện tử trực tuyến, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở sản xuất, tổ, nhóm, cá nhân mở trang facebook, zalo để bán các loại hàng hóa từ nông sản, thủy sản, nhu yếu phẩm cần thiết, phục vụ người tiêu dùng.

Tiện lợi khi đi "chợ online"

Bước sang giai đoạn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mới, nhiều người tiêu dùng đã hình thành thói quen đó là hạn chế tối đa việc ra đường khi không thật sự cần thiết và việc mua hàng hóa của người dân cũng đã chuyển hướng. Nếu như trước đây nhiều người thường đi đến mua hàng trực tiếp tại các siêu thị, chợ truyền thống thì hiện tại, họ đã chuyển sang mua hàng bằng hình thức online, bởi các mặt hàng trên “chợ online” rất đa dạng, người bán rất nhiệt tình, chu đáo và có trách nhiệm với món hàng họ bán.

Rau củ quả tươi xanh được nhiều người ưa chuộng mua trên “chợ online” (ảnh chụp màn hình một trang bán hàng zalo). Ảnh: TL

Chị Ngọc Anh, Khu dân cư 586, Phường 2 (TP. Sóc Trăng) bộc bạch: “Trong thời điểm hiện tại, tôi rất ngại đi siêu thị, đi chợ, mặc dù có phiếu đi chợ được địa phương phát tận nhà nhưng bản thân tôi nhận thấy, việc hạn chế ra đường trong giai đoạn này là cần thiết nhằm phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nếu như trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tôi vẫn chọn đi chợ truyền thống thì giờ tôi chỉ ở nhà lướt điện thoại mua thịt, cá, hải sản, rau củ quả các loại, cho đến các loại trái cây. Thực tế, giá các mặt hàng trên cao hơn thời điểm bình thường, nhưng tính ra chênh lệch không nhiều so với việc tính công đi chợ trực tiếp. Theo tôi, mua sản phẩm trên "chợ online" thoải mái lựa chọn món đồ cần mua, giá niêm yết sẵn theo từng món, chỉ việc nhắn tin người bán là tầm vài chục phút đã có đủ loại hàng hóa mình cần, rất tươi ngon, nhất là thịt, cá, rau, trái cây…”.

Anh Thanh Kha, ngụ Phường 3 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Tôi có thói quen đi siêu thị mua nhu yếu phẩm về dùng trong gia đình khoảng 1 tuần, hết vào siêu thị mua cho tuần tiếp theo. Tuy nhiên, trong thời điểm này tôi đã chuyển sang mua hàng trên zalo của siêu thị mở bán, bởi không khác gì tự bản thân mình đi mua, do siêu thị cập nhật thường xuyên các loại hàng hóa người tiêu dùng cần, giá niêm yết trên kệ hàng, cần mua loại nào, nhắn với siêu thị, họ sẽ lấy từng món hàng mình mua, tiến hành cân đầy đủ, ra bill chụp lại số tiền trên bill, người mua chuyển khoản hoặc trả tiền trực tiếp khi phía siêu thị ship đến tận nhà, rất tiện lợi, đỡ phải tốn công đi vào siêu thị…”.

Mua, bán hàng “chợ online” cần sự chân thật

Ngoài mặt tích cực của việc bán và mua sắm hàng hóa thiết yếu trên các trang mạng xã hội, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, thông qua một số sàn thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tổ, nhóm, cá nhân… luôn đảm bảo sự uy tín, khi bán hàng đúng chất lượng, đúng giá thì đâu đó vẫn còn một số trang zalo được “thành lập mới”, kết nạp người bán hàng họ có, người mua hàng họ cần và người mua các nhu yếu phẩm vào trang zalo. Tại trang zalo đó, ngoài các cá nhân bán hàng uy tín, vẫn còn ít cá nhân đăng bán sản phẩm trong “chợ online” về hình thức, chất lượng không thực với ảnh đăng bán.

Chị Minh Anh, đường Trần Hưng Đạo, Phường 2 (TP. Sóc Trăng) chia sẻ: “Mới đây, tôi đã gọi một phần bánh ướt của một người bán trong trang zalo, vì thấy đĩa bánh nào thịt, nào nem rất bắt mắt, ngon lành nhưng khi phần ăn được ship đến, chỉ lèo tèo vài miếng chả lụa mỏng và phần ăn dở tệ. Vì vậy, tôi nghĩ nếu không có tay nghề nấu ăn, nhưng cần tiền trang trải trong thời gian dịch bệnh khó khăn thì người bán nên đăng ảnh chân thật về phần ăn mình bán, để người mua không phải hụt hẫng khi mua”.

Trong thời điểm hiện nay, người dân hạn chế ra đường là điều rất đáng hoan nghênh. Theo đó, nhu cầu về nguồn thực phẩm của mọi người là vấn đề bức thiết. Do đó, các sàn thương mại điện tử, trang facebook, zalo, hội, nhóm, cá nhân… mở ra kinh doanh hàng hóa tạo điều kiện thuận lợi để mọi người mua sắm, tạo nên thị trường “chợ online” rất sôi động, đặc biệt là chợ theo hình thức bán buôn này rất tiện lợi, chỉ cần người dùng lướt điện thoại vài phút đã lựa chọn được sản phẩm. Để giữ chân khách hàng, với cá nhân bán buôn, trong nhóm facebook, zalo nên bán sản phẩm đúng chất lượng, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, đối với người bán cần lưu ý, bảo vệ bản thân và người xung quanh là khi đi giao hàng, cần chú ý khoảng cách trên 2 mét với khách hàng. Còn người mua, có thể tránh tiếp xúc người bán bằng cách để sẵn dụng cụ chứa hàng hóa, kèm luôn số tiền trả cho món hàng trước cửa nhà để người bán bỏ vào, hay có thể chuyển khoản tiền cho người bán…  

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: