• Văn hóa - Thể thao

Một thời mê chớp bóng!

01/07/2022 03:33 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 01/07/2022 | 03:33

STO - Năm 1965, tôi được 10 tuổi. Vào Chủ Nhật mỗi tuần, tôi được phép của cha mẹ cùng 2 em của tôi đi xem chớp bóng. Bạn đừng cười vì hồi đó phần đông đều gọi là chớp bóng thay vì chiếu bóng. Trung tâm tỉnh lỵ thuở ấy còn nhỏ và ít xe cộ (lại không thấy có vụ mẹ mìn) nên trẻ em mới được gia đình nới lỏng một chút. Lúc ấy, Sóc Trăng có 4 rạp chớp bóng: Nhị Trưng, Nguyễn Văn Kiển, Hòa An và Thuận Hóa. Ở đô thị nhỏ, số lượng rạp như vậy là phù hợp với số dân, dù khán giả được xem phim hay rất trễ so với các thành phố lớn. Các rạp hát đều chiếu từng suất, không chiếu thường trực như ở đô thành Sài Gòn.

Rạp Nhị Trưng (tên cũ là rạp Dân Ta) nằm trên con đường Hai Bà Trưng, dân địa phương hay gọi là đường giữa. Rạp này chuyên chiếu phim Âu Mỹ. Rạp giới thiệu phim đang chiếu với khán giả trong nội ô bằng xe ba gác! Nhờ xe thô sơ nên ngõ ngách nào cũng đi tới. Bọn nhóc tụi tôi nghe tiếng trống đánh thùng thùng chạy đến xin tờ chương trình. Các chú câm rất hào hứng phát cho các em, em nào cũng được một tờ chương trình coi thỏa thích.

Vé trẻ em xem phim lúc đó tôi còn nhớ chỉ có 5 đồng. Ở rạp Nhị Trưng, 3 anh em tụi tôi vô chung một vé. Các chú câm dễ tính, rất thương con nít. Nhị Trưng là rạp nhỏ nhất trong các rạp. Bọn nhóc là khán giả trung thành vì rạp hay chiếu phim có cưỡi ngựa, bắn súng. Thời ấy phim có phụ đề tiếng Việt không có thuyết minh như sau này, có khi phụ đề chiếu nhanh quá coi không kịp nên nhiều khi không nắm hết nội dung phim!

Rạp Nguyễn Văn Kiển, nằm trên đường Lý Thường Kiệt, gần cầu Quay. Rạp chuyên chiếu phim Ấn Độ. Thời đó, điện ảnh Ấn Độ rất phát triển, thuộc hàng đầu ở châu Á. Phim nhập về được lồng tiếng Việt nên rất đông khán giả. Cốt truyện của phim Ấn Độ luôn theo phương châm thiện luôn thắng ác nên phù hợp với giới khán giả bình dân ở nước ta!

Rạp Hòa An nằm bên kia sông cầu Quay, đây là rạp lớn nhất Sóc Trăng với màn ảnh đại vĩ tuyến, đồng thời là một trong những rạp lớn ở miền Tây thời đó. Rạp Hòa An chuyên chiếu phim chưởng, phim võ hiệp kỳ tình. Mỗi lần có phim hay là khán giả chen chân không lọt. Vé trẻ em họ chỉ cho 2 bé vào, còn 1 nhóc phải đưa thêm 2 đồng họ mới chịu, có khi mấy ông nổi hứng không chịu lấy tiền bắt mua thêm 1 vé nữa. Mấy ông soát vé ở đây mặt lạnh như tiền, khó đăm đăm không tình cảm lai láng như mấy chú câm bên Nhị Trưng. Bởi vậy, khi nào muốn xem ở Hòa An, mẹ tôi phải cho thêm tiền.

Rạp Hòa An là rạp lớn nên có nhiều đoàn cải lương thường về đây diễn. Tuy vậy chỉ có những đại ban như Thanh Minh - Thanh Nga, các đoàn Kim Chung từ đoàn 1 đến đoàn 6, Kim Chưởng, Hương Mùa Thu… mới dám về diễn vì chi phí khá cao. Các gánh trung ban đành chọn Nguyễn Văn Kiển. Còn các đoàn bồ tèo phải liệu cơm gắp mắm, dạt về Thuận Hóa vì tiền mướn rạp nhẹ hơn. Rạp Thuận Hóa bị sự cố ngoài ý muốn nên thời gian hoạt động của rạp không thường xuyên và không dài, dù rằng đây cũng là một rạp hát khá lớn.

Nói chung, dân tỉnh lẻ thời đó phần nhiều chỉ thích coi phim võ hiệp hay phim tình cảm xã hội. Các phim kinh điển của thế giới như “Những kẻ khốn nạn”, “Giờ thứ 25”, “Papillon người tù khổ sai”… được rạp đem về chiếu rất vắng khán giả. Bởi vậy, không chỉ riêng Sóc Trăng, dân ở tỉnh ít được xem phim hay là vậy. Chuyện này, vì lợi nhuận, không thể trách chủ rạp được. 

Sau năm 1975, theo thời gian có nhiều loại hình giải trí dần dần phổ biến đến với mọi gia đình. Một số rạp hát ngưng hoạt động, nhiều rạp được sử dụng vào mục đích khác. Những thằng nhóc năm nào như tôi rất ghiền chớp bóng cũng phải từ giã nơi chốn quen thuộc của thời mặc quần xà lỏn hào hứng mua vé xem phim. Nay tuổi tác ngày càng cao; tôi đã là ông già râu, thích uống trà quạu, lâu lâu nhớ chút chuyện cũ, kể cho em cháu nghe mà ngậm ngùi thương cho cảnh vật đổi sao dời!

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: