• Văn hóa - Thể thao

Vui mùa Sene Đôn Ta, nhớ về ngôi làng vẽ tranh trên kiếng Phú Tân

18/09/2022 05:39 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 18/09/2022 | 05:39

STO - Mùa thu tháng 9 bầu trời trong xanh, thỉnh thoảng đổ nguồn nước ngọt mát lành cho những chú chim quê đang hót vang trên cánh đồng lúa chín vàng mổ từng giọt no say chào ngày mới. Cơn gió khẽ lay báo hiệu mùa Sene Đôn Ta - Lễ cúng ông bà của đồng bào Khmer đã tới. Tôi là người Kinh, nhưng mỗi lần cảm nhận không khí ấy, trong tôi lại háo hức vì trong ký ức tuổi thơ thường được bà ngoại dẫn đến nhà sui gia của bà chơi, nói đúng hơn là đến phụ bà sui gói bánh tét.

Một gia đình truyền thống làm nghề vẽ tranh kiếng ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: NGỌC NHÂN

Điều thu hút tôi nhất khi đó là được xem mọi người trong xóm vẽ tranh. Những bức tranh mà họ vẽ hao hao giống bức tranh thờ tổ tiên nhà nội tôi. Địa điểm mà tôi nhắc đến là xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Giờ đây đoạn đường đến đó không còn xa nữa vì giồng cát ngày nào, nay được tráng bêtông phẳng lì, tôi không còn kêu xích lô đi cùng ngoại nữa, mà cỡi xe máy chạy cái vèo là đến nơi.

Nhưng quang cảnh xưa nay còn đâu, tìm mãi mới thấy lác đác vài tranh kiếng để trong nhà các nghệ nhân Khmer. Quay ngược thời gian trở về mấy chục năm trước, tại đây rất nhộn nhịp, trong làng có cả trăm gia đình sinh sống bằng nghề này. Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ có một số vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng của người Kinh, Hoa như: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), chợ Lớn (Sài Gòn), chợ Mới (An Giang)... và làng nghề vẽ tranh trên kiếng xã Phú Tân cũng nằm trong dòng chảy lịch sử đó. Trong quá trình lao động, sản xuất, người dân Khmer Phú Tân sáng tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần đáp ứng nhu cầu đời sống sinh hoạt. Từ các sản phẩm ấy đã hình thành nên những xóm nghề, làng nghề truyền thống độc đáo, vẽ tranh kiếng.

Tuy nhiên, đồng bào Khmer chỉ kế thừa kỹ thuật chứ không sử dụng tranh kiếng theo nội dung tín ngưỡng của người Hoa và người Kinh. Cho nên nội dung tranh kiếng của người Khmer thể hiện sắc thái văn hóa truyền thống của riêng mình. Nếu người Kinh, Hoa thường dùng biểu tượng để vẽ là Phật A Di Đà, Quan Âm Bồ tát, cửu huyền thất tổ, tứ linh, câu đối Hán Nôm hay vẽ tuồng tích, phong cảnh làng quê, truyện: Tấm Cám, Vân Tiên - Nguyệt Nga… thì tranh kiếng của người Khmer sẽ vẽ theo Phật thoại, phong cảnh, tuồng tích chùa chiền Nam Tông như: Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều đề tài khác nhau dựa vào các kỳ tích từ tiền kiếp đến khi Đức Phật đản sinh, tu tập đắc đạo, hoằng pháp, phổ biến là tranh Phật đi khất thực, Phật hóa độ chúng sanh… và treo trang trọng ở gian chính của ngôi nhà. Riêng tranh để thờ ông bà, cha mẹ thì các nghệ nhân thường vẽ sẵn trên kiếng hình ảnh phụ nữ hoặc nam giới mặc y phục truyền thống Khmer, có đầu nhưng không có mặt, khi có ai yêu cầu, mới vẽ thêm khuôn mặt vô. Ngoài ra người Khmer còn trấn yểm tà ma bằng tranh kiếng với hình ảnh chằn wisàwon.

Vẽ tranh kiếng rất khó, đòi hỏi nghệ nhân phải thật sự khéo tay, cần mẫn, trầm tĩnh và có óc thẩm mỹ cao. Nguyên tắc vẽ tranh kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kiếng, chi tiết sau cùng thì phải vẽ trước tiên. Vẽ xong lật lại và bề đó là bề mặt của tranh. Chính đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo của nghệ thuật tranh kiếng.

Treo tranh trong nhà đã trở thành nét văn hóa của người Khmer Phú Tân hơn nửa thế kỷ qua. Bản thân bức tranh cũng hội đủ giá trị chân - thiện - mỹ khi chứa trong đó là cái đẹp, cái tâm và tài hoa của các nghệ nhân. Ngày trước, thông qua việc treo tranh, người ta cũng đánh giá được sự khá giả, học thức và truyền thống của một gia đình nào đó. Việc treo tranh kiếng trong nhà có nhiều ý nghĩa như: thể hiện tính thẩm mỹ, sự tôn kính; cầu chúc và ước vọng giàu sang; giáo dục sự hiếu - nghĩa, truyền thống gia đình; ca ngợi quê hương đất nước thanh bình, cuộc sống sinh hoạt của người dân.   

Ngày nay, điều kiện sinh hoạt, kiến trúc nhà ở và nhu cầu của nguời dân Khmer Nam Bộ nói chung và nguời dân Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng thay đổi nên làng nghề tranh kiếng ở Phú Tân cũng rơi vào thăng trầm. Một số cơ sở sản xuất đã đầu tư kỹ thuật in lụa trên kiếng, góp phần tăng năng suất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tranh kiếng kéo lụa, dán đề can đã phần nào làm mất đi nét đẹp tài hoa của người thợ, làm mất đi cái hồn trong tranh. Cái hiện đại đã và đang lấn dần cái truyền thống, khi nhu cầu sản xuất hàng loạt, nhanh nhạy, rẻ tiền đang là xu thế. Tuy nhiên, một số hộ vẫn bám trụ với nghề theo hình thức thủ công truyền thống. Một phần vì họ yêu nghề, một phần như muốn lưu giữ lại những hoài niệm về một thời hưng thịnh của làng nghề và cũng gìn giữ những tài hoa, kết tinh thành giá trị của các bậc tiền nhân, để cho thế hệ con cháu mai sau còn biết về làng nghề tranh kiếng từng nổi danh khắp xứ Vũng Thơm.

NGỌC NHÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: