Dọc đường tác nghiệp

21/06/2022 05:17 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 21/06/2022 | 05:17

STO - Nghề báo ngoài đời thực không hào nhoáng, bóng bẩy như là phim ảnh, không nhiều khoảnh khắc hồi hộp từ các cuộc săn đuổi khi đi tìm các thông tin đưa ra ánh sáng các vấn đề độc giả quan tâm thông qua bài viết như truyện trinh thám... Sau tất cả, nghề báo cũng là một nghề như bao nghề khác, nhà báo cũng là người bình thường như mọi người nên mọi thứ thuộc về nhà báo cũng rất đổi bình thường; từ đó, xảy ra những chuyện dở khóc dở cười. Tuy nhiên, đó lại là những kỷ niệm và cả những kinh nghiệm trang bị đắc lực dọc đường tác nghiệp của nhà báo.

Nhà báo tác nghiệp. Ảnh: KGT

Bị từ chối phối hợp

Công thức chung khi thực hiện các tin, bài của nhà báo là dự các sự kiện, thu thập thông tin, sau đó cho ra sản phẩm trên mặt báo. Với phương pháp tiếp cận nguồn tin như thế này, tác giả sẽ có nhiều thuận lợi trong khi thực hiện tác phẩm, tư liệu có sẵn, đầy đủ từ các báo cáo hoặc thông cáo báo chí. Sau khi tác phẩm ra mắt bạn đọc sẽ ít gặp tai nạn nghề nghiệp bởi vì tính chính xác nguồn tin gần như tuyệt đối... Nhưng tác phẩm đôi khi kém hấp dẫn do không đủ lượng thông tin người đọc cần.

Một cách khác chính là khai thác thông tin từ những chuyến đi thực tế ở cơ sở. Bởi vì muốn có tư liệu đầy đủ để thực hiện bài viết mang hơi thở cuộc sống, sinh động, có giá trị thông tin thì không có cách nào khác ngoài việc tích cực thâm nhập thực tế, tích cực đi công tác nhiều để thu thập thông tin. Nhà báo Võ Thanh Xuân - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sóc Trăng luôn nhắc nhở cánh phóng viên chúng tôi một câu nói mà ý nghĩa còn mãi với thời gian, giờ nghĩ lại thấy quý hơn vàng. Đại ý như thế này: “Đã là nhà báo, đã chọn nghề báo phải sống hết mình với nghề, đừng làm nhà báo quý tộc hay phóng viên salon (ngồi tại bàn làm việc rồi tán hươu tán vượn, viết bài từ những xấp báo cáo…), phải đi và đi mới viết hay được.

Quả đúng vậy thật, chỉ có đi và đi thì mới có nguồn tư liệu phong phú, chân thực và chỉ có như vậy mới mang những trải nghiệm vô cùng quý giá cho công việc làm báo của bản thân. Chính từ những chuyến tác nghiệp như thế, tôi đã gặp vô vàn tình huống để nảy sinh không biết bao nhiêu cách giải quyết, để rồi tự đúc kết thành những kinh nghiệm cho bản thân.

Còn nhớ, cách đây khoảng vài năm khi thực hiện bài viết về lĩnh vực văn hóa, cụ thể là viết về ẩm thực tại một thị trấn nhỏ. Trước khi đến thị trấn này để thực hiện bài viết, tôi đã liên hệ trước và nói rõ chủ đề, nội dung của cuộc gặp gỡ; địa phương cũng đã cử một cán bộ để trao đổi, phối hợp với phóng viên Báo Sóc Trăng - là tôi; người được cử tiếp nhà báo là một phó chủ tịch UBND thị trấn phụ trách văn hóa - xã hội.

Đó là cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ, để lại ấn tượng khó phai. Khi tôi bước vào phòng làm việc, anh ta còn không thèm ngước lên nhìn, chỉ tiện thể buông ra một câu: “Nhà báo hả, anh định làm gì, có giấy tờ gì không; có gì đâu mà viết”. Tôi vội vàng “tiếp thị bản thân”, trình bày mục đích cuộc gặp gỡ và xuất trình thẻ nhà báo cho đúng nguyên tắc. Cầm thẻ nhà báo trên tay, chưa xem qua, anh bốc điện thoại gọi cho thuộc cấp: “Ông lại đây dẫn mấy thằng nhà báo đi xuống ấp dùm tôi”. Sau đó xem xét thẻ nhà báo một cách chiếu lệ, rồi vội ném trả thẻ nhà báo của tôi xuống bàn làm việc.

Đến đây thì tôi không còn chịu được nữa rồi, định "bật lại" nhưng nghĩ đến bài viết chưa hoàn thành, mục đích tôi đến đây là khai thác thông tin viết bài nên mọi thứ vụt qua rất nhanh. Vấn đề ở đây là tôi cần hoàn thành sản phẩm của mình, mọi thứ khác là thứ yếu, bao gồm cả thái độ hợp tác. Nhưng cũng còn may là vị ấy không ném thẻ xuống đất nên tôi khỏi phải “cúi người” xuống lượm thẻ lên, mà dẫu có cúi người xuống thì cũng chẳng sao, làm báo là phải linh động ứng phó với mọi tình huống, miễn sao mục đích đề ra được hoàn thành, tính cá nhân không còn quan trọng. Tôi cũng không quên gửi lời cảm ơn chân thành cho cuộc gặp gỡ và trao đổi này.

Tiếp đến, tôi trao đổi mấy vấn đề về lĩnh vực văn hóa - xã hội của địa bàn thị trấn nhưng xem chừng anh không nắm vững và trả lời phỏng vấn không liên quan gì đến câu hỏi. Thế nhưng cán bộ thuộc cấp của anh ta nắm vững hơn và thực tế nơi tôi đến, các nhân vật cũng phối hợp tốt nên chuyến đi ấy xem như đạt yêu cầu, bài viết về ẩm thực cũng được ra mắt bạn đọc.

Sau chuyến gặp gỡ, tôi luôn có một câu hỏi không biết hỏi ai và chưa bao giờ có được câu trả lời thỏa đáng: “Khi phối hợp với người của cơ quan thông tấn, báo chí còn khó khăn như thế, vậy thì khi giải quyết các công việc cho người dân không biết sẽ ra sao”.

Một lần khác, tôi được phân công dự sự kiện lớn của địa phương, đưa tin tại một xã vùng sâu, vùng xa và còn nhiều khó khăn. Đang hăng hái, phấn khởi chạy xe gắn máy xuống địa phương tác nghiệp, đến nơi vừa mang máy ảnh ra định chụp vài kiểu thì bị tạt ngay một thau nước lạnh. Anh phó chủ tịch UBND xã lại buông một câu tôi vẫn luôn nhớ mãi đến bây giờ: “Anh đi nơi khác đi, xã tôi không cần anh đưa tin gì hết”. Nhưng anh quên rằng, với trách nhiệm của mình, tôi có nhiệm vụ thông tin các hoạt động, sự kiện xảy ra tại địa phương đến người đọc, dù anh cần hay không. Cho nên, dù có chuyện gì, nhà báo vẫn phải hoàn thành trách nhiệm được giao; phải có sản phẩm khi được phân công tác nghiệp. Và sau đó, dù gặp nhiều khó khăn, cản trở, tôi vẫn có tin gửi về tòa soạn kịp thời.

Và những chuyện vui

Nghề báo có chuyện buồn, chuyện vui thì nhà báo mới sống được với nghề, những chuyện vui cũng muôn hình vạn trạng. Đó là chuyến đi về xã Gia Hòa 1, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) để thực hiện bài viết về sự đổi thay của vùng nông thôn. Đến nơi đây mới thấy đời sống bà con thực sự thay đổi theo hướng đi lên. Đa số đều có điều kiện kinh tế, đời sống nâng lên nhiều mặt; điều kiện sống và sinh hoạt tương đối tốt. Từ đó, làm cho phóng viên cũng phấn khởi theo. Phấn khởi nhất chính là việc được bà con mời bữa cơm bình dị ở vùng quê Gia Hòa 1, với những thứ có sẵn tại nhà.

Hay một chuyến đi khác về xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) viết về điển hình đoàn viên, thanh niên làm kinh tế giỏi đã được anh tặng cho chục trứng gà do nhà nuôi được. Trước tấm lòng hiếu khách và chân thành của đôi vợ chồng trẻ, nhà báo không thể không nhận chục trứng gà mới đẻ, với nhiều niềm vui và động lực cho hành trình làm báo.

Và còn nhiều lắm những chuyện buồn vui dọc đường tác nghiệp của nghề báo. Đó chính là hành trang cho nhà báo tiếp tục con đường phía trước.

KGT

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: