Nạn nhân da cam - nỗi đau còn đó

11/08/2022 06:23 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 11/08/2022 | 06:23

STO - Nỗi đau da cam không chỉ là nỗi đau riêng của bao nhiêu nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đang hứng chịu mà còn là nỗi lo lớn của toàn xã hội. Bởi những tổn hại về thể xác cũng như cuộc sống nghèo khó cứ vây quanh những số phận rất đáng thương. Thời gian qua, bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa, các cấp hội NNCĐDC/dioxin trong tỉnh Sóc Trăng cũng như các sở, ban ngành, đoàn thể và cả cộng đồng chung tay thực hiện nhằm xoa dịu nỗi đau da cam.

Nỗi đau không của riêng ai

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hóa học/dioxin, nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng. Ngày 10/8/1961 là ngày đầu tiên Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Chỉ trong 10 năm (từ năm 1961 đến năm 1971), quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa 366kg dioxin xuống 26.000 thôn, bản, với diện tích 3,06 triệu ha, bằng gần 1/4 tổng diện tích miền Nam Việt Nam; 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần... Thảm họa da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Trong bối cảnh đó, ngày 10/8 hàng năm đã được lấy làm ngày Thảm họa da cam Việt Nam.

Đối với Sóc Trăng, toàn tỉnh đã có 25 tổ chức hội NNCĐDC/dioxin và 2 câu lạc bộ trực thuộc Tỉnh hội (bao gồm tỉnh hội, 11/11 hội cấp huyện, 13/109 hội cấp xã và Câu lạc bộ Người khuyết tật, Câu lạc bộ Thành Tâm, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ NNCĐDC, 57 chi hội và tương đương, 39 ban vận động thành lập hội cấp xã với tổng số hơn 7.600 hội viên). Hiện nay, toàn tỉnh có 3.098 nạn nhân được hưởng chế độ (trong đó 2.532 người hoạt động kháng chiến và 556 nạn nhân thế hệ con, cháu).

Di chứng chất độc da cam để lại hậu quả nặng nề cho nhiều thế hệ. Ảnh: T.T

Hơn 60 năm qua, bao nhiêu thế hệ phải gánh chịu thảm họa da cam ở Việt Nam. Ai trong chúng ta cũng phải trăn trở và biến nỗi đau thành hành động một cách tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất thể hiện rõ nét đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin tỉnh cho biết: Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NNCĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam, chính sách người có công với cách mạng; đồng thời, tập trung vận động nguồn lực, thăm hỏi, tặng quà chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam, nhất là sau thời gian dài do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, kỷ niệm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8) hàng năm là dịp để chúng ta nhận thức đúng nỗi đau của những NNCĐDC/dioxin. Từ đó, có hành động tự giác, thiết thực nhất trong việc tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất lẫn tinh thần, giúp xoa dịu nỗi đau da cam”.

Chung sức vì nạn nhân da cam

Theo ông Nguyễn Hùng, từ đầu năm 2022 đến nay, các cấp hội trong tỉnh, câu lạc bộ trực thuộc Tỉnh hội phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức từ thiện thường xuyên vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ giúp đỡ NNCĐDC dưới nhiều hình thức như: chăm sóc sức khỏe nạn nhân tại cộng đồng và gia đình, vận động hỗ trợ khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; hỗ trợ tiền xây nhà mới, hỗ trợ vốn phát triển sản xuất (lãi suất bằng không); cấp học bổng, hỗ trợ khó khăn, thăm hỏi, tặng quà với tổng trị giá hơn 4,6 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ tiền mặt trên 900 triệu đồng; xây mới 9 căn nhà; hỗ trợ điều trị bệnh cho 16 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo; 37 chiếc xe lăn; trên 8.300 phần quà...

Các cơ quan, đơn vị vận động hỗ trợ nhà ở cho nạn nhân da cam. Ảnh: T.T

Có chứng kiến, tìm hiểu những hoàn cảnh hội viên hội NNCĐDC/dioxin mới cảm nhận được hết những mất mát, thiệt thòi mà họ đang gánh chịu. Từ đó, mới thấy cần rất nhiều những tấm lòng chia sẻ, giúp sức để họ vượt qua cuộc sống hết sức khó khăn. Những ngày đầu tháng 8 này, theo chân cùng đơn vị tài trợ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ chị Trần Thị Mỹ Vân, ngụ ấp Mỹ Tân, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) thật vô cùng xúc động. Chị thuộc diện khó khăn, bức xúc về nhà ở, lại có con gái bị ảnh hưởng chất độc da cam/dioxin, khuyết tật bẩm sinh nặng, không tự đi lại được. Bản thân chị Vân cũng bị tai biến nhẹ, cụp xương sống nhưng hàng ngày phải mò cua bắt ốc kiếm sống nuôi con.

Chia sẻ tại lễ bàn giao nhà, chị cứ nghẹn ngào: “Trước đây, tôi và người chị ở chung trong căn nhà dột nát, con thì bệnh tật nặng luôn phải có người chăm sóc, nay được các đơn vị tài trợ cùng các cấp, ngành quan tâm cất được căn nhà tường cao ráo, ấm cúng nên mừng lắm. Từ nay, tôi không còn phải lo mỗi khi trời mưa, nắng trong nhà cũng như ngoài sân như trước đây nữa...”.

Huyện Trần Đề là một trong những đơn vị nhiều năm qua làm khá tốt việc kêu gọi chung tay giúp đỡ nạn nhân da cam và người khuyết tật. Bà Nguyễn Thị Tuyết Trinh - Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin huyện Trần Đề cho biết: Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau của những hy sinh, mất mát vẫn còn dai dẳng, trong đó có những người phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ di chứng chất độc da cam. Vì vậy, hàng năm ngoài các chế độ, chính sách, chúng tôi luôn kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp tiếp sức cho NNCĐDC, người khuyết tật, đối tượng yếu thế. Riêng từ đầu năm 2022 đến nay, số tiền vận động cũng được gần 540 triệu đồng, trong đó, chủ yếu cấp quà Tết, cấp gạo, học bổng… Ngoài ra, hội còn giới thiệu cho một số hộ vay vốn chăn nuôi, sản xuất (từ 5 - 10 triệu đồng/hộ), bước đầu cũng được nhiều thuận lợi. Hy vọng thời gian tới sẽ có nhiều tấm lòng cùng chung tay chia sẻ vì nạn nhân da cam.

Có lẽ, mong muốn đó không chỉ riêng của những cán bộ làm công tác hội NNCĐDC/dioxin mà còn là mong muốn chung của tất cả những ai quan tâm đến những số phận đáng thương. Vì vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho NNCĐDC rất cần những tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ nạn nhân da cam, người khuyết tật vượt qua hoàn cảnh.

MAI KHÔI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: