• Biển đảo quê hương

Chuyến hải trình khó quên

26/06/2023 04:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 26/06/2023 | 04:47

STO - Cuối năm 2022, Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã phối hợp với 33 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cử 56 phóng viên, biên tập viên tham gia chuyến công tác thăm và chúc Tết các nhà giàn DK1, Trạm 590, tàu trực và cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhân dịp xuân Quý Mão 2023. Kết thúc hải trình 15 ngày trên biển, có hàng trăm tác phẩm báo chí với nhiều thể loại khác nhau phản ánh đậm nét về chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ hải quân; tuyên truyền về công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Kỳ 3: Trách nhiệm với nghề

Mỗi chuyến công tác thực tế đều giúp mỗi cá nhân tích lũy được những kinh nghiệm. Bản thân tôi nhận thấy, chuyến thăm và chúc Tết các nhà giàn DK1, Trạm 590, tàu trực và cơ quan dân chính đảng huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhân dịp xuân Quý Mão 2023 là một trải nghiệm quý giá, thêm sự hiểu biết và càng thêm yêu biển, đảo quê hương, đặc biệt là yêu quý hơn nghề mình đã chọn - nghề báo. Tôi rất tâm đắc về những chia sẻ của Nhà báo Phạm Hữu Hoàn - Phó Tổng Biên tập Báo Đồng Tháp, làm nhà báo là phải đi, không ngồi một chỗ mà có tác phẩm được. Đi càng nhiều để có nguồn vốn, tích lũy kinh nghiệm và càng thêm trách nhiệm thể hiện sự nghiêm túc với nghề, luôn năng lượng để truyền những thông tin đến độc giả.

Xung phong tham gia chuyến công tác trên biển

Công tác nhiều năm tại Đài Phát thanh và Truyền hình Sóc Trăng, Nhà báo Nguyễn Thị Bích Phượng rất muốn có nhiều chuyến đi thực tế, nhất là những chuyến công tác ra vùng biển, đảo. Khi nghe lãnh đạo đài thông báo cử phóng viên theo đoàn chúc Tết các nhà giàn DK1 và Côn Đảo, không chút do dự, Bích Phượng xung phong đi liền. “Cận Tết, công việc của em rất nhiều. Thêm gia đình em có con nhỏ, em cũng chưa đi công tác lâu ngày. Nhưng đây là cơ hội để được tham gia hải trình đầy ý nghĩa, em cố gắng thu xếp mọi công việc lên đường. Trước khi đi, em cũng đã dự tính sẽ viết rất nhiều tác phẩm, ngoài đưa tin về chuyến đi, em còn làm ký sự. Chuyến đi cho em nhiều cảm xúc và đến nay khi nhắc đến Nhà giàn DK1, em lại nhớ về hành trình trên biển 2 tuần liền của mình” - Bích Phượng chia sẻ.

Nữ phóng viên luôn đầy năng lượng khi tác nghiệp. Ảnh: THẾ BẰNG

Trong chuyến thăm, chúc Tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ trên biển và quân dân huyện Côn Đảo có 56 phóng viên, biên tập viên tham gia nhưng lực lượng nữ phóng viên, biên tập viên chưa đến 10 người. Tuy số lượng không nhiều, nhưng mỗi nữ nhà báo luôn tràn đầy năng lượng, lăn xả để có hình ảnh đẹp, thông tin đa dạng với nhiều cách tiếp cận, góc nhìn khác nhau. Nhà báo Cù Thị Thuận (Báo Đồng Nai), gần 30 năm với nghề báo, đã có nhiều chuyến công tác ra biển, nhưng mỗi lần đi chị đều có kỷ niệm riêng. Chị chia sẻ, với chuyến đi chúc Tết cán bộ, chiến sĩ công tác trên biển dịp cuối năm 2022, chị và đồng nghiệp đón Tết Dương lịch trên tàu Trường Sa 21. Và không quên hình ảnh vài đồng nghiệp khóc ngon lành khi chúc Tết qua loa phóng thanh các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn vì đến gần nhà giàn mà không được lên, phải “lỗi hẹn” với anh em nhà giàn.

Và có một số nhà báo “có tuổi” đã khăn gói theo tiếng gọi của biển, đảo lên tàu, vượt hàng trăm hải lý để đến các nhà giàn DK1. Tôi thấy ở Nhà báo Phạm Văn Thanh (Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai) luôn xông xáo lên nhà giàn tác nghiệp. Trong chuyến đi, anh đã đặt chân lên 2 nhà giàn. Khi lên đến nơi, dù rất mệt nhưng tay anh vẫn chắc điện thoại quay nhiều góc khác nhau, phỏng vấn cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Theo anh, không phải nhà báo nào cũng may mắn tham gia chuyến đi này nên khi đi phải “gặt hái” thật nhiều hình ảnh, nội dung.

Trách nhiệm với nghề

Mỗi người có sự lựa chọn ngành nghề riêng, và khi gắn bó với nghề thì cần có trách nhiệm, niềm đam mê không từ bỏ, kể cả gặp khó khăn, thử thách. Nhà báo Nông Thị Vui (Báo Bắc Kạn) đã vượt hành trình trên 1.800km để có mặt ở Vùng 2 Hải quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) tham gia chuyến chúc Tết các nhà giàn DK1 và Côn Đảo. Chị chia sẻ, chị đã đăng ký viết một bài báo xuân về hành trình vượt sóng mang xuân ra Nhà giàn DK1. Tuy nhiên, để chuyển bài viết và hình ảnh về tòa soạn kịp thời gian xuất bản báo xuân với chị đó là vấn đề “khó nuốt”.

Chị Vui kể: “Bản thân không lường được là bị mất kết nối mạng khi ra biển nên rất khó chuyển nội dung và hình ảnh về tòa soạn. Lên tàu đi tầm vài tiếng đồng hồ là điện thoại mất sóng. Khi đến nhà giàn thì sóng điện thoại được phục hồi. Nghe các anh nói ở đây chỉ có 2G nên muốn gửi ảnh được rất là khó. Nghe vậy, tôi giảm dung lượng ảnh và phải nhờ thành viên đoàn công tác Vùng 2 Hải quân chuyển ảnh dùm. Bức ảnh cũng mất mấy tiếng đồng hồ mới đến địa chỉ tòa soạn. Còn bài viết thì tôi chép từng đoạn gửi bằng tin nhắn SMS”. Trong quá trình tác nghiệp, không phải nhà báo nào nhiều kinh nghiệm cũng suôn sẻ vượt qua, mà cần sự linh động, bằng nhiều cách khác nhau để có sản phẩm gửi về tòa soạn.

“Tôi nghĩ khi làm báo không được đổ khó cái này, nhọc cái kia, để lãnh đạo cảm thông cho qua. Mình đã đăng ký làm thì giá nào cũng phải thực hiện cho bằng được” - chị Vui nêu quan điểm. Trong lúc tác nghiệp bị té ngã bị thương ở phần lưng, chị nén cơn đau không nói ra với thành viên trong đoàn vì không muốn mình làm ảnh hưởng đến mọi người. Kết thúc hành trình, chị đã thực hiện hàng chục bài viết ghi nhận trong chuyến đi.

Ra biển, ngồi viết, gửi bài, hình ảnh về tòa soạn gặp không ít khó khăn. Ảnh: THẾ BẰNG

Nêu cảm nhận về chuyến đi, Nhà báo Phạm Hữu Hoàn cho biết: “Qua báo cáo, tiếp cận bằng những trao đổi và tận mắt nhìn, tôi thấy trách nhiệm của người làm báo cần phải thông tin nhiều và đầy đủ hơn nữa về nhiệm vụ của người lính vì biển, đảo quê hương, vì biên cương Tổ quốc, ngày đêm chắc tay súng nơi “cột mốc” trên biển. Những điều tiếp cận được, tôi vô cùng ngưỡng mộ và xúc động về sự hy sinh của các anh em, gác lại hạnh phúc cá nhân để làm tròn nhiệm vụ. Sắp tới, nếu có dịp, tôi sẽ tham gia những chuyến đi như thế này. Khi trở về, tôi có nhiều tác phẩm báo chí viết về biển, đảo quê hương”.

Những tích góp trong chuyến hành trình cho tôi thấy được rằng sống với nghề phải có đam mê, yêu thích. Từ tình yêu đó thì mình thấy được trách nhiệm với nhiệm vụ mình được giao. Mỗi tin, bài viết phải đảm bảo chất lượng, bản thân mỗi nhà báo cần nghiêm túc khi làm việc, không hời hợt, qua loa khi tác nghiệp cũng như trong bài viết. Và cứ yêu nghề, nghề sẽ không phụ mình.

THẾ BẰNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: