• Huyện Long Phú

Chủ động trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất trong mùa hạn, mặn

11/03/2024 04:26 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 11/03/2024 | 04:26

STO - Long Phú (Sóc Trăng) là huyện sản xuất nông nghiệp nên dự báo khi mùa khô đến, nước mặn xâm nhập mạnh vào nội đồng, người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất. Để khắc phục tình trạng này, người dân trên địa bàn huyện chủ động đào ao, nạo vét kênh, mương vườn tích trữ nước ngọt sinh hoạt, chăn nuôi cũng như sản xuất, nhằm hạn chế thấp nhất khả năng bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các huyện gần biển trên địa bàn tỉnh (trong đó có huyện Long Phú) tiếp tục diễn biến phức tạp, làm nhiều diện tích lúa, cây ăn trái và rau màu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để thích ứng với tình trạng này, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều giải pháp, từ việc khuyến cáo người dân sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi đến việc vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp, trữ nước ngọt ở các ao, mương vườn để phục vụ sản xuất đã và đang mang lại hiệu quả.

Những năm trước, khi vào thời điểm mùa khô như thế này, gia đình ông Lê Văn Đức, ngụ ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh luôn phập phồng lo lắng vì sợ thiếu nguồn nước ngọt để sản xuất. Thế nhưng năm nay, gia đình anh Đức đầu tư nạo vét ao khoảng 1.000m2 để trữ nước ngọt phục vụ cho việc trồng màu của gia đình. Để tiết kiệm tối đa nguồn nước, rẫy dưa leo hơn 1ha của gia đình ông Đức được đầu tư hệ thống tưới nước phun mưa bằng hệ thống ống nhựa dẻo được kéo dọc theo từng liếp dưa. Hôm chúng tôi ghé thăm, ông Đức đang làm cỏ và tưới nước cho rẫy dưa leo đang cho trái. Ruộng dưa leo của ông Đức gần 50 ngày tuổi, rất tươi tốt do đủ nước ngọt để tưới.

                                             Ông Lê Văn Đức, ấp Cái Xe, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm. Ảnh: KIM NGỌC

Ông Đức chia sẻ: “Những năm gần đây, đến mùa khô nước mặn lấn sâu vào nội đồng, có khi nước dưới kênh trước nhà mặn vượt trên 1‰ và nhiều nơi trong ấp có độ mặn cao hơn nên không thể bơm lên ruộng lúa cũng như tưới cho cây màu. Chính vì vậy, những người trồng rau màu như tôi luôn lo lắng mỗi khi mùa khô đến. Hiểu được những khó khăn của người nông dân, ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân trồng cây ăn trái, rau màu phải nạo vét ao, mương vườn để trữ nước ngọt trong mùa hạn, mặn. Trước đây, hơn 1ha dưa leo của gia đình, khi còn tưới nước thủ công bằng máy thì mất rất nhiều thời gian và sức lực. Nhưng khi chuyển sang mô hình tưới nước tiết kiệm, chỉ cần bật cầu dao điện là vận hành và canh tưới khi nào đủ lượng nước cho cây dưa leo thì đến tắt mô tơ. Việc chuyển đổi mô hình tưới này tiết kiệm được lượng nước ngọt trong ao khá lớn và giảm được chi phí, công lao động”.

Trước khi đến thời điểm hạn, mặn, ông Tiền Văn Ngoan, ấp Cái Đường, xã Tân Thạnh tận dụng mương vườn có sẵn, nạo vét sạch bùn giữ nước ngọt tưới cho vườn chanh dây leo ngọt hơn 1ha. Theo ông Ngoan, thấy mương vườn bị sình bồi lắng nhiều, gia đình thuê máy nạo vét sình đưa lên mặt liếp làm mát cho cây, làm cho lòng mương được sâu hơn, từ đó tích trữ được nhiều nước hơn. Khi nước mặn chưa xâm nhập, tranh thủ lấy nước đầy mương, rồi bí bọng lại để đủ lượng nước tưới cho vườn cây trong mùa khô năm nay. Gia đình cũng đang đầu tư lắp hệ thống tưới tiết kiệm để đủ lượng nước ngọt tưới cho vườn chanh đến khi mưa xuống.

Ông Tiền Văn Ngoan, ấp Cái Đường, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) trao đổi với cán bộ ngành Nông nghiệp huyện Long Phú việc trữ nước ngọt tưới cho vườn chanh dây leo ngọt của gia đình. Ảnh: KIM NGỌC

Hiện nay, có nhiều hộ dân ở huyện Long Phú đã biết trữ nước ngọt trong ao, mương vườn và áp dụng hình thức tưới nước tiết kiệm. Giải pháp này đã mang lại kết quả là giảm nhiều chi phí, thời gian lao động, nhất là giải quyết được tình trạng thiếu hụt nguồn nước ngọt trong mùa hạn, mặn. Để có được kết quả này, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực tìm ra giải pháp thích nghi với hạn, mặn, giúp nông dân thuận lợi trong việc sản xuất, tăng thu nhập.

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú cho biết, theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn khu vực đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Chính vì vậy, ngày từ đầu năm, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo về tình hình diễn biến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để người dân biết và chủ động các biện pháp ứng phó. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo người dân không nên sản xuất lúa vụ 3, đồng thời chuyển đổi cơ cấu sản xuất cho phù hợp, hướng dẫn người dân tích trữ nước, sử dụng hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp, để hạn chế thấp nhất khả năng bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

KIM NGỌC 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: