• Huyện Long Phú

Hội Nông dân xã Châu Khánh:

Phủ xanh chân ruộng với các loại hoa màu

06/08/2023 04:31 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 06/08/2023 | 04:31

STO - Châu Khánh là xã có thế mạnh về nông nghiệp của huyện Long Phú (Sóc Trăng). Toàn xã có 1.038ha đất sản xuất nông nghiệp. Để phát huy tiềm năng đó, Hội Nông dân xã Châu Khánh đã tuyên truyền, vận động hội viên xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Theo đó, mô hình trồng màu dưới chân ruộng mang lại kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân.

Nhận thấy hiệu quả từ việc trồng các loại hoa màu, hội đã vận động hội viên, nông dân chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại này. Mô hình giúp đa dạng hóa cây trồng, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, đó cũng là nội dung trong thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đối với các hộ có diện tích đất ít thì lựa chọn các loại hoa màu thích hợp để phát triển kinh tế là phù hợp. 

Đưa cây ớt, bầu, dưa leo trồng dưới chân ruộng của ông Trần Văn Bá, ấp Tư, xã Châu Khánh là mô hình tiêu biểu được nhiều nông dân ở địa phương áp dụng rộng rãi. Sau khi tìm hiểu về các giống hoa màu trồng dưới chân ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương, ông Bá đã mạnh dạn chuyển hơn 2.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa leo (4 vụ/năm). Nhờ giá cả ổn định, ông thu về khoảng 25 triệu đồng/vụ (chưa trừ chi phí). Ông Bá tính toán: “Trên cùng diện tích đất, nếu sản xuất 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thì không còn lời bao nhiêu, coi như lấy công làm lời. Nhưng khi chuyển sang trồng các loại hoa màu thì lợi nhuận cao hơn hẳn. Nếu chăm sóc tốt, đạt năng suất và bán được giá, có thể thu về cả trăm triệu đồng/năm”.

Nông dân Trần Văn Bá, ấp Tư, xã Châu Khánh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) thành công với mô hình đưa hoa màu xuống chân ruộng. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Chỉ có 1.000m2 đất canh tác lúa, ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp Nhất, xã Châu Khánh, tuy làm việc cật lực nhưng thu nhập bấp bênh. Vài năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng cây màu thay cho cây lúa, dần cho thu nhập ổn định, giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Cùng ngụ ấp Nhất, ông Tô Văn Liêm cũng là một trong những hội viên nông dân tiên phong trong mô hình đưa hoa màu xuống chân ruộng. Được biết, ban đầu ông trồng thử nghiệm cây ớt, dưa leo, với diện tích 4.000m2, sau khi đạt hiệu quả ông đã nâng diện tích trồng cây màu lên 1ha. Với mô hình này đã giúp gia đình ông thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.

Khi chuyển đổi sang trồng màu, các hội viên còn được Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nên nông dân rất an tâm sản xuất. Hiện toàn xã có trên 40 hộ là hội viên nông dân có mô hình trồng màu, với diện tích trên 68ha; hội còn thành lập được 1 tổ hợp tác trồng màu với 17 thành viên, nhằm giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất và liên kết đầu ra sản phẩm.

Ngoài lợi ích về tăng thu nhập, chuyển đổi cây màu trên đất lúa kém hiệu quả còn cắt giảm nguồn bệnh tồn lưu trong ruộng lúa và cải tạo độ phì nhiêu của đất. Trồng cây màu, thời gian thu hoạch ngắn, năng suất ổn định, đồng vốn quay nhanh, chủ động được mùa vụ, nguồn nước, phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện thời tiết… Tuy nhiên, nông dân nên chú ý sản xuất phải đảm bảo theo kế hoạch của địa phương, không chạy theo phong trào, vì có thể dẫn đến rủi ro về dịch bệnh, thị trường tiêu thụ.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Châu Khánh Nguyễn Hồng Phiêm cho biết: “Được sự quan tâm chỉ đạo của Hội Nông dân huyện, của Đảng ủy, UBND xã, từ đó phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả phấn khởi. Trong đó, mô hình trồng màu dưới chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho hội viên và thu hút được nhiều nông dân tham gia vào hội, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh”.

Hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng, nhiều hội viên, nông dân được cải thiện đời sống, kinh tế ổn định. Thời gian tới, Ban Chấp hành Hội Nông dân xã Châu Khánh tiếp tục xây dựng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, giúp nông dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và thực hiện có hiệu quả công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng cây trồng, vật nuôi phù hợp.

HUỲNH NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: