• Huyện Trần Đề

Trợ lực cho đồng bào Khmer phát triển

30/11/2023 04:54 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 30/11/2023 | 04:54

STO - Chăm lo, hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là đồng bào Khmer có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy đảng, chính quyền huyện Trần Đề (Sóc Trăng) luôn quan tâm thực hiện.

Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trợ lực cho đồng bào Khmer tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển. Trong các mô hình sản xuất, nuôi bò sinh sản đã đem lại hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, đối với nhiều hộ, để có vốn mua con giống lại vượt quá khả năng của gia đình. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, xã Đại Ân 2 đã hỗ trợ bò sinh sản cho 21 hộ dân. Đây là mô hình góp phần tạo sinh kế cho hộ dân từng bước cải thiện thu nhập, hướng đến giảm nghèo bền vững.

Được hỗ trợ 2 con bò sinh sản, ông Mai Phal, ở ấp Chợ, xã Đại Ân 2 coi đây là cơ hội để phát triển chăn nuôi. Ông Mai Phal chia sẻ: “Gia đình tôi không có đất sản xuất nên khi được Nhà nước hỗ trợ bò, tôi rất vui vì đây là điều kiện để tôi vươn lên, cải thiện kinh tế gia đình. Tôi sẽ chăm sóc bò cẩn thận theo đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn để duy trì và nhân lên số lượng đàn bò của gia đình”.

Nuôi bò sinh sản giúp nhiều hộ thoát nghèo. Ảnh: THIỆN HẢI

Xã Đại Ân 2 là địa phương có trên 53% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đồng chí Trần Luôn - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 2 cho biết, từ nguồn vốn của các chương trình, trong năm 2023, trên địa bàn xã có 21 hộ dân được hỗ trợ bò giống để phát triển mô hình chăn nuôi. Ngoài ra, còn có 13 hộ được hỗ trợ nhà ở, 4 hộ được hỗ trợ đất ở và 12 hộ được hỗ trợ nước sinh hoạt. Từ đó, các hộ dân rất phấn khởi, nỗ lực lao động để vươn lên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Toàn huyện Trần Đề có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thông qua việc triển khai các chương trình, dự án, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS được triển khai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào Khmer trên địa bàn huyện.

Trong năm 2022 và năm 2023, huyện Trần Đề được đầu tư trên 54 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS. Trên cơ sở đó, huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 243 hộ, 36 hộ có đất ở, chuyển đổi nghề cho 222 hộ và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 221 hộ. Huyện cũng hỗ trợ phát triển sản xuất với 16 dự án chăn nuôi dê và bò cái sinh sản cho 204 hộ dân. Ngoài ra, huyện còn được đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, đào tạo nghề cho khoảng 2.268 người, tạo việc làm, tăng thu nhập cho khoảng 3.000 người thuộc hộ ĐBDTTS và hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã, ấp, khóm đặc biệt khó khăn.

Theo đồng chí Trịnh Văn Bé - Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, có thể nói chỉ sau 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS trên địa bàn huyện, diện mạo nông thôn đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng ĐBDTTS đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách hỗ trợ từ chương trình được triển khai kịp thời và đúng đối tượng đã góp phần tiếp tục hun đúc niềm tin của ĐBDTTS vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tạo “đòn bẩy” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Có nhà ở ổn định, nhiều hộ dân an tâm sản xuất. Ảnh: THIỆN HẢI

Quan tâm, chăm lo cho đời sống ĐBDTTS là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Chủ trương này đã được Huyện ủy, UBND huyện Trần Đề chỉ đạo thực hiện tốt trong những năm qua. Theo đồng chí Trịnh Văn Bé, trong thời gian tới, huyện Trần Đề tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo trong vùng ĐBDTTS. Các chính sách ưu đãi trong tín dụng, tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số, các tổ chức, cá nhân có liên quan được tiếp cận các nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả chương trình đào tạo nghề gắn kết với giải quyết việc làm và nhu cầu lao động nhằm nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trong ĐBDTTS, hạn chế tình trạng lao động bỏ địa phương đi làm ăn xa. Đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nhất là đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng trong giảm nghèo bền vững.

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền huyện Trần Đề trong công tác chăm lo cho đời sống ĐBDTTS đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer trên địa bàn huyện. Từ đó, khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

THIỆN HẢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: