• Nông nghiệp

Để nông sản không... “sáng tươi - chiều héo”

27/02/2024 10:39 GMT +7
  • Nguồn: Báo Hànộimới
  • Thứ Ba, 27/02/2024 | 10:39

Sơ chế, chế biến sâu góp phần nâng cao giá trị, tăng tính cạnh tranh cho nông sản. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đầu tư dây chuyền chế biến sâu nông sản, thực phẩm vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nên vẫn còn xảy ra tình trạng nông sản “được mùa - mất giá”, “sáng tươi - chiều héo”...

Do đó, cần có giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực này nhằm hạn chế dồn ứ nông sản khi vào chính vụ.

Sơ chế cần tây tại nhà máy của Công TNHH Thiết bị HP Việt Nam (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Hương Giang

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Đông Cao (xã Tráng Việt, huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua cho biết, xã Tráng Việt có hơn 200ha trồng rau, trong đó, khoảng 80ha trồng củ cải, sản lượng 12.800-17.500 tấn/năm.

“Có những thời điểm củ cải vào thu hoạch chính vụ, sản lượng lớn, nông dân chỉ bán tươi nên khâu tiêu thụ rất khó. Trong khi đó, hợp tác xã chưa có vốn xây dựng nhà xưởng chế biến củ cải khô và việc tìm kiếm thị trường vẫn gặp khó khăn”, ông Đua nói.

Về vấn đề đầu tư chế biến nông sản, thực phẩm, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện đã có hàng nghìn doanh nghiệp tham gia sơ chế, chế biến nông sản. Tuy nhiên, đa số quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế, xuất bán nguyên liệu thô sau thu hoạch nên giá trị sản phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp xây dựng nhà máy với công nghệ chế biến hiện đại, song do không gắn với vùng nguyên liệu và định hướng tiêu thụ, xuất khẩu nên chỉ hoạt động một thời gian là bị thua lỗ.

Đơn cử, năm 2010, Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (huyện Đan Phượng) đầu tư hơn 30 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền giết mổ lợn (công suất 600 con lợn/ngày. Sau vài năm hoạt động, do thị trường đầu ra không ổn định nên phải đóng cửa. Một số doanh nghiệp khác đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến song đến nay cũng chỉ hoạt động 15-30% công suất thiết kế do chưa có thị trường, như: Nhà máy giết mổ gia súc của Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín); Nhà máy giết mổ, sơ chế của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hiền (huyện Thanh Oai)...

Thực tế, chế biến sâu là “chìa khóa” mở ra cánh cửa mới cho việc nâng cao giá trị nông sản. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Hà Nội thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17-4-2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn thành phố chưa có doanh nghiệp nào được hưởng quy định này. Nguyên nhân chính do chưa có chính sách về quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng chế biến gắn với vùng sản xuất; khả năng tiếp cận vốn ngân hàng khó do vướng về thế chấp, chứng minh tài chính, hỗ trợ sau đầu tư… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, Hà Nội khó xây dựng vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến sâu; việc xây dựng kênh phân phối sản phẩm cũng hạn chế nên đầu ra bấp bênh...

Đầu tư cho khâu chế biến

Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc song Hà Nội cũng đã có những mô hình chế biến sâu đạt hiệu quả.

Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị HP Việt Nam (quận Hà Đông) Lê Thị Thanh Thủy cho biết, để nâng cao giá trị nông sản, đơn vị áp dụng công nghệ sấy thăng hoa, giúp bảo quản, chế biến nông sản mà vẫn giữ nguyên chất lượng vốn có. Nhờ vậy, các sản phẩm bột cần tây, tía tô... được bán với giá cao gấp 5-7 lần sản phẩm tươi và đạt yêu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản, Nga…

Trong khi đó, Giám đốc Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì) Lê Hoàng Vinh chia sẻ, để thu mua sữa tươi cho nông dân địa phương khi có sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ chậm, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, chế biến sữa tươi thành sản phẩm sữa chua, bánh sữa... Song, muốn thành công rất cần gắn với vùng nguyên liệu, thiết lập được thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực quảng bá trên mạng xã hội…

Có thể thấy, chế biến sâu đang góp phần giảm tình trạng “được mùa - mất giá”, “sáng tươi - chiều héo” của nông sản và là đòi hỏi tất yếu đối với sản xuất nông nghiệp bền vững.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội sẽ lựa chọn sản phẩm thế mạnh, có vùng sản xuất lớn để đầu tư chế biến sâu. Theo đó, đối với nhóm cây ăn quả tập trung vào sản phẩm chuối sấy khô; cam, bưởi ép nước; đối với cây rau, tập trung vào nhóm gia vị chế biến hương liệu, sản phẩm thực dưỡng; với chăn nuôi, tập trung chế biến các loại sản phẩm từ thịt lợn...

Cùng với giải pháp nêu trên, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội, trong đó có chính sách khuyến khích xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến; hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số… Thực hiện chính sách này, ngành Nông nghiệp Thủ đô đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời nắm bắt vướng mắc khi triển khai nghị quyết để kịp thời kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị về thủ tục, nguồn vốn…

Ngọc Quỳnh/Báo Hànộimới

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: