• Nông nghiệp

Mô hình tôm - lúa thích ứng biến đổi khí hậu

09/08/2023 05:12 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 09/08/2023 | 05:12

STO - Sản xuất “thuận thiên”, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển “kinh tế tuần hoàn” theo hướng “tăng trưởng xanh”, trong đó có mô hình tôm - lúa được xem là tiêu biểu và điển hình. Để rõ hơn nữa về vị trí, vai trò, giá trị và phát huy thế mạnh của mô hình này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng.

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng. Ảnh: THÚY LIỄU

Phóng viên: Đồng chí thông tin chung về mô hình tôm - lúa tại tỉnh Sóc Trăng? 

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Mô hình tôm - lúa  hình thành từ những năm 1995, khởi đầu là mô hình nuôi quảng canh truyền thống, sau đó là mô hình nuôi quảng canh cải tiến trên đối tượng là tôm sú, dần chuyển qua luân canh tôm thẻ, tôm càng xanh - lúa và trồng màu trên bờ bao. Mô hình chủ yếu tập trung ở huyện Mỹ Xuyên, trồng lại lúa trên nền đất nuôi tôm (tôm - lúa) khoảng 7.000 - 10.000ha trên diện tích 17.700ha nuôi tôm nước lợ.

Để nâng cao hiệu quả của mô hình tôm - lúa, trong thời gian qua, các ngành chuyên môn cũng đã ban hành sổ tay kỹ thuật, hướng dẫn người nuôi sản xuất đạt hiệu quả cao về con tôm lẫn cây lúa. Ban hành lịch thời vụ luân canh con tôm và cây lúa hàng năm, nhằm đảm bảo diện tích thả tôm và cả diện tích xuống giống lúa. Nghiên cứu tìm ra các giống lúa có sức chống chịu biến đổi khí hậu, chịu mặn cao thích ứng cho mô hình tôm - lúa. Cụ thể gạo ST24 và gạo ST25 đã được trồng trên vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên, góp phần nâng cao thương hiệu gạo ngon, cũng như nâng cao giá trị của mô hình tôm - lúa tại nơi đây.

Phóng viên: Những thách thức, khó khăn nào trong thực hiện triển khai mô hình tôm - lúa mà ngành Nông nghiệp gặp phải, thưa đồng chí?

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Mô hình này đã được xác định là mô hình sinh kế bền vững; tái tạo môi trường đất và nước, hệ vi sinh vật có lợi cho môi trường; cân bằng hệ sinh thái, giúp cho việc nuôi tôm ở vụ kế tiếp được thành công hơn và giảm thiểu rủi ro; đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ. Tuy nhiên trong những năm gần đây, mô hình này ngày càng bị mai một. Địa phương chưa có cơ chế, chính sách cụ thể để thực thi, hỗ trợ đối với chuỗi giá trị tôm - lúa từ đầu vào cho đến đầu ra và xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, gắn kết với thị trường tiêu thụ. Sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến khó lường; dịch bệnh tiềm ẩn, phức tạp; chi phí đầu vào tăng trong khi giá đầu ra còn chưa ổn định, tình trạng “được mùa, mất giá" xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng sản xuất của người dân. Quy mô mô hình còn nhỏ lẻ, rời rạc, không liền kề mà xen kẽ với các ao nuôi chuyên tôm; thiếu sự liên kết, hợp tác, khả năng cạnh tranh chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất như: thủy lợi, giao thông nông thôn… chưa đồng bộ...

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ thêm về những giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa mô hình tôm - lúa của ngành Nông nghiệp tỉnh trong thời gian tới? 

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã: Để phát huy mô hình tôm - lúa, thì không những nâng cao giá trị con tôm mà cũng phải đồng thời nâng cao giá trị hạt lúa (điển hình là chuỗi giá trị). Cần phát huy và mở rộng chuỗi giá trị trên một quy mô lớn và tạo ra một lượng sản phẩm chất lượng lớn gắn với tiêu thụ đầu ra. Từ đó, có nhiều cơ hội để xây dựng uy tín và khẳng định thương hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đặc trưng của vùng tôm - lúa Mỹ Xuyên để nâng cao giá trị gia tăng. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ lợi ích của mô hình tôm - lúa (lợi ích về mặt môi trường, nâng cao thu nhập cho hộ dân).

Rà soát quy hoạch, trong đó chú trọng xác định rõ vùng nuôi tôm nước lợ thâm canh, bán thâm canh, vùng luân canh tôm - lúa để tránh tình trạng tự phát không theo quy hoạch, khó kiểm soát. Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống điện, thủy lợi, giao thông để phục vụ phát triển sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, cơ giới hóa từng khâu trong sản xuất mô hình tôm - lúa. Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tôm - lúa, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế cho vùng nuôi theo yêu cầu của nhà nhập khẩu như tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP, tôm hữu cơ... để nâng cao giá trị mô hình tôm - lúa.

THÚY LIỄU (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: