• Nông nghiệp

Ngành Nông nghiệp chủ động ứng phó hạn, mặn

08/02/2024 04:52 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 08/02/2024 | 04:52

STO - Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023 - 2024, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có mức cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020 - 2021, trong thời kỳ cao điểm khoảng tháng 2 đến tháng 4/2024, có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông. Trước tình hình trên, ngành Nông nghiệp Sóc Trăng cùng các địa phương có nguy cơ xảy ra xâm nhập mặn đã triển khai các giải pháp ứng phó nhằm bảo vệ và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn.

Hộ dân cần chủ động nguồn nước bằng cách đào các hệ thống chứa nước bên trong ruộng lúa. Ảnh: THÚY LIỄU

Năm 2016, huyện Long Phú có hàng ngàn hécta lúa bị thiệt hại bởi hạn hán, xâm nhập mặn. Do đó huyện rất quan tâm đến việc cơ cấu mùa vụ sản xuất lúa theo từng năm để lúa phát triển tốt. Theo đó, trong vụ lúa Đông - Xuân năm 2023 - 2024, toàn huyện đã xuống giống hơn 16.015ha, các giống lúa gieo sạ chủ yếu là: Đài thơm 8, OM 18, OM 34... Hiện tại, lúa trong giai đoạn đòng 115ha, trổ 372ha, chín hơn 5.520ha và diện tích đã thu hoạch hơn 10.007ha, ước năng suất 6,75 tấn/ha.

Đồng chí Lâm Văn Vũ - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Phú chia sẻ, mặc dù huyện khuyến cáo không sản xuất lúa Đông - Xuân muộn nhằm hạn chế rủi ro do ảnh hưởng xâm nhập mặn, nhưng nông dân đã tự phát xuống giống với diện tích hơn 3.299ha. Để bảo vệ diện tích lúa nêu trên, huyện thường xuyên cập nhật các bản tin cảnh báo, dự báo về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, thông tin kịp thời cho địa phương, người dân biết để chủ động ứng phó. Tổ chức kiểm tra các cống nhằm kịp thời đề xuất gia cố, sửa chữa các cống xung yếu; theo dõi chặt chẽ nguồn nước, vận hành các cống hợp lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, không xuống giống lúa Đông - Xuân muộn, năm 2023 - 2024, thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại rau, màu ngắn ngày, ít sử dụng nước tưới nhằm đảm bảo sản xuất an toàn, tạo thu nhập cho nông dân.

Theo thông tin từ ngành chức năng, diện tích lúa Đông - Xuân muộn, năm 2023 - 2024 tỉnh Sóc Trăng đã xuống giống được 31.045ha, trong đó giai đoạn mạ 17.599ha, đẻ nhánh 12,411ha, đòng 1.035ha tập trung tại các huyện Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Châu Thành, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thành phố Sóc Trăng. Dự kiến diện tích xuống giống thời gian tới trên 10.000ha ở các huyện: Thạnh Trị, Kế Sách, Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú và thành phố Sóc Trăng; các giống chủ yếu gồm Đài thơm 8, OM 18, OM 5451... Để chủ động sản xuất, giảm nhẹ thiệt hại do hạn, mặn gây ra, trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng khuyến cáo nông dân canh tác lúa cần thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn qua một số app như: Nguồn nước Cửu Long; Mekong Rynan…; đảm bảo thời gian cách ly xuống giống giữa 2 vụ; sử dụng nấm Trichoderma giúp phân hủy nhanh rơm rạ; bón lót phân hữu cơ, chế phẩm humic để giúp bộ rễ lúa phát triển mạnh. Đo độ mặn trước khi lấy nước, có thể sử dụng nước có độ mặn dưới 2‰ ở giai đoạn lúa đẻ nhánh để bơm tưới, tránh cho mặt ruộng bị khô nứt, nhưng không được giữ lâu trong ruộng, khi có nguồn nước ngọt phải cho nước mới vào thay thế. Bổ sung một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng khả năng chống chịu mặn, tuyệt đối không sử dụng nước nhiễm mặn pha với phân, thuốc phun trực tiếp qua lá. Nông dân không được xuống giống nếu trên các kênh rạch nội đồng mực nước ngọt thấp, khả năng không đủ phục vụ cho cả 1 vụ lúa…

Nhằm chủ động trong sản xuất lúa vụ Đông - Xuân muộn, giảm nhẹ thiệt hại do hạn, mặn gây ra, đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình hình xâm nhập mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động các giải pháp để phòng ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn, hạn hán, xâm nhập mặn để triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp tình hình địa phương. Rà soát các khu vực có khả năng ảnh hưởng của xâm nhập mặn để khuyến cáo, hướng dẫn người dân về thời vụ gieo trồng, cơ cấu giống lúa và triển khai các biện pháp, kỹ thuật phòng chống hạn, mặn cho các vùng trồng cây ăn trái, đảm bảo giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: