• Nông nghiệp

“Quả ngọt” từ dự án phát triển cây ăn trái đặc sản

10/07/2023 04:55 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 10/07/2023 | 04:55

STO - Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021 được triển khai thực hiện tại 7 huyện, thị xã gồm: Kế Sách, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Tú, Châu Thành, thị xã Vĩnh Châu và thị xã Ngã Năm. Kết thúc dự án đã xây dựng 82 mô hình trồng cây ăn trái; thành lập mới được 18 hợp tác xã trong lĩnh vực cây ăn trái. Ngoài ra, xây dựng 6 chuỗi giá trị trên vú sữa, bưởi, xoài và nhãn; xây dựng được 75 mã vùng trồng. Và còn kêu gọi được 2 doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sơ chế và đóng gói trái cây tại huyện Kế Sách với sản lượng thu mua, sơ chế, chế biến trên 300 tấn bưởi, vú sữa/năm.

Khi triển khai Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, bởi ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tục. Tuy nhiên, với nỗ lực và quyết tâm của Ban Quản lý dự án cùng sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp tỉnh và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, nhiều hoạt động của dự án đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Theo đó, dự án triển khai thực hiện 6 mô hình sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn VietGAP trên cây vú sữa, xoài, bưởi với diện tích hơn 205ha/188 hộ tại 2 huyện Kế Sách, Cù Lao Dung. Tổ chức 83 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình canh tác cây ăn trái và cấp phát trên 2.000 tài liệu hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây ăn trái cho 2.284 lượt nông dân. Tổ chức 3 cuộc tọa đàm với chủ đề: khuyến cáo các biện pháp phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây nhãn xuồng Vĩnh Châu; khuyến cáo các biện pháp canh tác, cải tạo vườn cây có múi và phòng trừ sâu bệnh gây hại trên cây trồng theo hướng hữu cơ, an toàn vệ sinh thực phẩm; kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm trái vú sữa, với 300 đại biểu và nông dân tham dự. Thực hiện 12 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trên cây bưởi, nhãn, vú sữa, mãng cầu (quy mô 3 - 5ha/mô hình), với diện tích gần 42ha/43 hộ tại các hợp tác xã trên địa bàn các huyện, thị xã trong vùng dự án. Dự án còn hỗ trợ hàng ngàn cây giống ăn trái đến hộ dân, nhằm giúp địa phương cơ cấu cây trồng, góp phần giúp hộ dân nâng cao thu nhập thông qua việc làm vườn.

Bên cạnh việc xây dựng mô hình cây ăn trái “sạch” tại các địa phương trong vùng dự án, Ban Quản lý Dự án còn nâng cấp Trại sản xuất giống của tỉnh bằng cách hỗ trợ xây dựng nhà lưới, lắp đặt lưới chống côn trùng gây hại và hệ thống tưới phun sương tự động; kệ trữ cây giống; trạm bơm; bồn trữ nước. Hệ thống tưới phun cho vườn cây đầu dòng. Hệ thống camera giám sát giúp cho việc theo dõi, giám sát trại được thuận tiện hơn.

Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021 đã góp phần chuyển đổi và nâng cao chất lượng giống cây trồng tại các địa phương vùng dự án. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Trần Văn Toàn - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Kế Sách cho biết: “Trên địa bàn huyện, dự án đã hỗ trợ tổ chức 28 lớp bồi dưỡng, tập huấn về quy trình canh tác, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trên vườn cây ăn trái cho 965 lượt người; thành lập mới thêm 6 hợp tác xã cây ăn trái đặc sản; thực hiện 2 nhà lưới sản xuất cây giống tại 2 hợp tác xã. Dự án góp phần tăng diện tích trồng cây vú sữa lên 364ha (so với năm 2018); xây dựng các vùng sản xuất đáp ứng theo yêu cầu của thị trường (sản xuất theo quy trình VietGAP, đăng ký mã số vùng trồng, bao trái...), đăng ký nhãn hiệu, tem truy xuất nguồn gốc”.

Là hộ dân được dự án hỗ trợ về giống cây trồng, ông Huỳnh Ngân Thiện, xã Kế Thành, huyện Kế Sách bộc bạch: “Tôi nhận 400 cây bưởi da xanh trồng trong vườn nhà, với diện tích 1ha. Ngoài hỗ trợ giống cây, dự án còn hỗ trợ kỹ thuật canh tác, phân bón, thuốc sinh học bổ sung cho cây. Hiện tại, vườn bưởi đã cho đợt trái đầu tiên, ước năng suất tầm 3 tấn/1ha. Tôi thấy dự án đã góp phần cải tạo giống cây trồng có giá trị kinh tế cao cho nhà vườn, giúp nhà vườn am hiểu tường tận kỹ thuật chăm sóc cây cho năng suất tốt nhất. Tôi mong muốn dự án sẽ triển khai giai đoạn tiếp theo, để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nhà vườn về cây giống, vốn vay, thiết bị tưới phun tự động…”.

Đối với hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ trái cây, dự án đã kết nối tiêu thụ được trên 3.000 tấn trái cây, giúp cho nông sản tỉnh nhà mở rộng tiêu thụ thị trường trong nước, trên thế giới biết đến. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trên 500 tấn vú sữa, sang thị trường châu Âu 60 tấn bưởi và 13 tấn xoài, 8 tấn thanh nhãn, còn lại trên 2.000 tấn bưởi, vú sữa được tiêu thụ tại các siêu thị cao cấp trong nước. Hiện nay, có hơn 20 sản phẩm trái cây và sản phẩm chế biến từ trái cây của các hợp tác xã vùng dự án đạt từ 3 - 4 sao OCOP như: bưởi da xanh, rượu cam xoàn, mứt vỏ cam xoàn sấy dẻo, trà mãng cầu, vú sữa tím, nhãn xuồng…

Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021 đã góp phần trong việc hướng nhà vườn sản xuất trái cây đặc sản theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, nhiều loại trái cây đạt các sao OCOP. Ảnh: THÚY LIỄU

“Dự án góp phần tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho người dân trong vùng thông qua các cơ sở sơ chế, đóng gói đặt tại địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế việc di dân đi tìm việc làm ở các nơi khác. Các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật như: tập huấn, tọa đàm gắn với thực tế sản xuất giúp bà con dễ dàng tiếp cận và ứng dụng vào sản xuất. Việc xây dựng các vùng trồng được cấp mã số đã mở ra hướng đi mới cho vùng trồng cây ăn trái của tỉnh, đưa các sản phẩm trái cây của Sóc Trăng tham gia vào thị trường cao cấp và vươn ra thế giới. Các mô hình canh tác theo hướng GAP, hữu cơ giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, an toàn… Từ những thành quả Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2018 - 2021 đem lại, ngành Nông nghiệp tỉnh đã xây dựng hoàn thiện Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025, đang chờ tỉnh phê duyệt thông qua” - đồng chí Trần Tấn Phương - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh cho biết.

Mục tiêu của Dự án Phát triển cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 là cải tạo 370ha, mở mới 280ha các loại cây ăn trái đặc sản nhằm hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; củng cố, phát triển 10 - 15 hợp tác xã trồng cây ăn trái đặc sản; thực hiện 15 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, 15 mô hình rải vụ. Xây dựng 50 mã số vùng trồng, 5 nhãn hiệu và tem truy xuất nguồn gốc các loại cây ăn trái đặc sản tỉnh Sóc Trăng; xây dựng 2 cơ sở thu gom sơ chế, đóng gói sản phẩm cây ăn trái được cấp mã số; xây dựng 5 chuỗi liên kết tiêu thụ cây ăn trái bền vững. Giảm chi phí sản xuất từ 5 - 10% và lợi nhuận kinh tế mang lại, cho các mô hình tăng từ 20 - 30% so với bên ngoài.

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: