• Nông nghiệp

Sản xuất phân bón, thức ăn chăn nuôi từ phụ, phế phẩm nông nghiệp

22/11/2023 04:24 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Xuân Nguyên
  • Thứ Tư, 22/11/2023 | 04:24

STO - Tận dụng nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp, nhiều nông dân ở Sóc Trăng đã sản xuất ra phân bón hữu cơ, thức ăn cho gia súc, gia cầm, góp phần giảm thiểu tác động của con người đến môi trường, giảm chi phí sản xuất, thu hoạch được nông sản sạch.

Đầu tháng 9 vừa qua, 30 hộ nông dân ở khóm 6, phường 7, thành phố Sóc Trăng được Hội Nông dân phường 7 và Viện Cây ăn quả Miền Nam hướng dẫn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp. Sau khi được tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ, các hộ dân biết được cách chọn lựa nguồn nguyên liệu ủ phân, cách trộn phế phẩm với nguyên liệu ủ, cách pha chế, liều lượng chế phẩm vi sinh, phương pháp ủ phân cơ bản, cách bảo quản… Ông Lâm Quan Vân - thành viên Tổ hợp tác Trồng ngò gai hữu cơ phường 7 chia sẻ: “Được hướng dẫn cụ thể quy trình sản xuất phân hữu cơ từ phế, phụ phẩm nông nghiệp, tôi đã biết cách ủ phân để bón cho rau màu, cây trồng. Nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đa dạng như rơm rạ, mùn cưa, phân gia súc, gia cầm… Kết hợp nguyên liệu đó với chế phẩm sinh học rồi phủ kín bạt ủ khoảng 30 ngày sẽ cho ra thành phẩm phân bón hữu cơ vi sinh. Ngoài nguồn dinh dưỡng cung cấp cho rau màu, phân hữu cơ vi sinh còn có tác dụng cải tạo đất, tăng lượng mùn trong đất làm đất tơi xốp, đất không bị bạc màu. Được biết, loại phân bón này rất thân thiện với môi trường, ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Với mô hình này, chúng tôi có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên, giảm chi phí sản xuất, hạn chế phân bón hóa học”.

Nông dân ở phường 7, thành phố Sóc Trăng (Sóc Trăng) thực hiện ủ rơm rạ, phân chuồng làm phân bón hữu cơ. Ảnh: XUÂN THANH

Theo Hội Nông dân phường 7, với nguồn phế phẩm có sẵn của địa phương, Viện Cây ăn quả Miền Nam cũng đã hỗ trợ cho 8 hộ trong Tổ hợp tác Trồng ngò gai của phường 7 gần 5 tấn nguyên liệu để trộn phân hữu cơ thực hiện trên diện tích 2ha. Trong gần 2 tháng qua, các hộ nông dân trồng ngò gai tích cực ứng dụng kỹ thuật ủ phân hữu cơ theo đúng quy trình, sản xuất thành công phân bón hữu cơ bón cho ngò gai, giúp cho loại rau màu này phát triển tốt. Việc ứng dụng mô hình ủ phân hữu cơ theo định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp sẽ góp phần tăng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác, đồng thời tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp sẵn có tại địa phương như rơm rạ, tàn dư thực vật, phân chuồng… hạn chế ô nhiễm môi trường. Mô hình này rất thích hợp vào mùa khô, vì phân hữu cơ giữ được độ ẩm trong đất, giúp ngò gai phát triển tốt, tăng năng suất.

Theo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Sóc Trăng, các phụ, phế phẩm nông nghiệp ngoài việc được dùng sản xuất phân bón hữu cơ còn có thể sản xuất thức ăn cho gia cầm, gia súc. Vừa qua, đơn vị đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạnh Trị hướng dẫn người dân triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học ủ chua thân cây bắp, cỏ làm thức ăn cho bò tại ấp Trà Do, xã Lâm Kiết. Sau 1 tháng thực nghiệm, thành phẩm thức ăn cho bò được tạo từ phụ phẩm nông nghiệp có lượng dinh dưỡng cao, kích thích đàn bò ăn khỏe, tiêu hóa tốt. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được nhân rộng tại địa phương, góp phần giúp cho người dân đa dạng nguồn thức ăn trong chăn nuôi, tiết kiệm được chi phí.

Có thể thấy, mô hình canh tác tạo ra sản phẩm sạch, an toàn đang là xu hướng phát triển mạnh trong nền nông nghiệp hữu cơ trong thời gian gần đây. Trong đó, nguồn phụ, phế phẩm nông nghiệp có tiềm năng lớn trong việc sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn trong chăn nuôi. Nếu biết tận dụng khai thác hợp lý không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân, mà còn góp phần giảm thiểu rác thải sinh hoạt ra môi trường ở các vùng nông thôn, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Hướng đến sản xuất nông sản sạch, an toàn, bền vững, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng đã triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, đề án được triển khai thực hiện tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với đối tượng sản xuất là cây trồng, vật nuôi và thủy sản  tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sản xuất hữu cơ. Định hướng đến năm 2025 xây dựng 32 điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ có chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế, diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt khoảng trên 210ha; định hướng đến năm 2030 diện tích đất sản xuất hữu cơ đạt trên 400ha, trong đó, diện tích sản xuất hữu cơ được chứng nhận hữu cơ khoảng 370ha, giá trị sản phẩm trên 1ha đất trồng trọt hữu cơ có chứng nhận cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ, 100% sản phẩm sản xuất hữu cơ được quảng bá, bao tiêu… Mục đích của đề án còn nhằm góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức của người dân về nông nghiệp hữu cơ, hướng đến nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

XUÂN THANH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: