• Nông nghiệp

Sóc Trăng tăng cường công tác ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn

05/03/2024 04:38 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 05/03/2024 | 04:38

STO - Theo thông tin từ ngành chuyên môn, từ ngày 9 - 20/2/2024, tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng diễn biến phức tạp và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023. Độ mặn đo được lớn nhất tại các điểm ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,3 - 7,2‰. Có thời điểm độ mặn lên cao nhất trên sông Hậu tại huyện Trần Đề là 22,4‰; thị trấn Long Phú 18,4‰ và thị trấn Đại Ngãi (Long Phú) 7,7‰... Dự báo trong thời gian tới, tình hình mặn xâm nhập trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Độ mặn ở các điểm đo ở ven sông Hậu và trên sông Mỹ Thanh có thể sẽ cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 từ 0,1 - 5‰.

Nông dân từng bước thích ứng với hạn, mặn

Trước dự báo tình trạng hạn, mặn có chiều hướng gia tăng thời gian tới, nông dân đã chủ động tích trữ nguồn nước ngọt trong sản xuất. Ông Trần Văn Chính, ấp Phụng An, xã An Mỹ (huyện Kế Sách) nhớ lại: "Vào năm 2016, nhà vườn ở huyện Kế Sách phải đối mặt với tình trạng nước mặn tràn về, thâm nhập sâu vào nội đồng, gây thiệt hại nhiều diện tích cây ăn trái của hộ dân, trong đó vườn cây ăn trái của gia đình tôi bị thiệt hại 30 gốc vú sữa, mít Thái. Kể từ đợt hạn, mặn năm 2016, tôi đã tiến hành cải tạo lại bờ bao quanh vườn. Đặc biệt vào thời điểm các tháng mùa khô, tôi cập nhật thông tin thường xuyên từ các ngành chuyên môn và trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết diễn biến độ mặn trên các sông, kênh, rạch".

Ông Trần Văn Chính, ấp Phụng An, xã An Mỹ, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) có hệ thống mương tích trữ đầy nước ngọt tưới cho cây ăn trái. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng theo ông Chính, trong những tháng mùa khô năm 2023 - 2024, ông thấy nắng nóng gay gắt hơn so với nhiều năm trước, độ mặn lên cao kéo dài từ ngày 30 tết Nguyên đán 2024 đến hết ngày mùng 6 Tết mới giảm xuống. Vì thế nên ông chủ động công tác ứng phó mặn bằng cách tích trữ nước ngọt nên vườn cây ăn trái của gia đình tôi vẫn luôn đảm bảo nguồn nước tưới trong suốt thời điểm trên sông có nước mặn. "Theo tôi, ngoài làm đê bao tránh nước mặn tràn vào vườn thì nhà vườn cần phải làm 2 bọng (bọng là nơi lấy nước vào và xả nước ra bên ngoài sông, kênh, rạch…) nối tiếp nhau trong vườn, sẽ đảm bảo tuyệt đối nước mặn không thể thâm nhập được vào vườn cây ăn trái", ông Chính chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Lê Minh Tâm, ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng (huyện Long Phú) chia sẻ: “Trong vụ lúa Đông - Xuân muộn (lúa vụ 3) năm 2023 - 2024, địa phương và ngành chuyên môn khuyến cáo không nên xuống giống, vì nguy cơ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Do giá lúa cao và qua theo dõi nguồn nước trong cùng kỳ của năm 2023 không nhiễm mặn nên tôi đã xuống giống lúa Đông - Xuân muộn 1ha. Đến nay, lúa đã hơn 40 ngày tuổi, đang trong giai đoạn phát triển. Những ngày qua, nguồn nước trên sông bị nhiễm mặn, độ mặn cao nên ngành chuyên môn tiến hành đóng cống để tránh mặn. Tôi đã tiến hành tích trữ nước ngọt trong ao vườn để tưới cho vườn cây ăn trái và bơm lên ruộng lúa, trong những ngày nước mặn lên cao không thể lấy nước vào ruộng. Hiện tại, tôi vẫn đang lo lắng cho vụ lúa Đông - Xuân muộn, vì cây lúa còn nhỏ trong khi mùa khô vẫn còn dài, chắc chắn mặn tiếp tục xảy ra, sẽ gây khó khăn cho vụ lúa".

Chủ động ứng phó nguy cơ xâm nhập mặn

Để kịp thời trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các đoàn công tác đến từng địa phương khảo sát việc sản xuất nông nghiệp của nông dân. Ảnh: THÚY LIỄU

Đồng chí Huỳnh Ngọc Nhã - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: "Theo dự báo của ngành chuyên môn, mặn sẽ xảy ra đỉnh điểm là trong tháng 3 tới và độ mặn rất cao sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo an toàn cho sản xuất, ngành Nông nghiệp tỉnh thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình; chủ động và thường xuyên cập nhật diễn biến mặn trên sông để thông tin đến nông dân về việc lấy nước, tích trữ nước; hướng dẫn hộ dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, hiệu quả, phân công đơn vị chuyên môn trực cống 24/24 giờ để kịp thời đóng và mở cống lấy nước khi có nguồn nước ngọt. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước trước khi lấy nước vào bơm, tưới trong sản xuất nông nghiệp. Lưu ý trong thời gian diễn ra xâm nhập mặn, nông dân cần tuân thủ theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn thực hiện việc tích trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt".

Theo kế hoạch phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, để ứng phó thiếu nước, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình xâm nhập mặn, thường xuyên cập nhật thông tin về số liệu do mặn trên các sông, kênh, rạch đến các cấp chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó và có kế hoạch trữ nước vào thời điểm độ mặn ở mức cho phép; thực hiện nhắn tin số liệu đo độ mặn hằng ngày, trong thời gian xảy ra hạn, mặn. Thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong công trình thủy lợi, tăng cường trữ nước vào công trình thủy lợi khi độ mặn ở mức cho phép. Thông báo lịch đóng mở cống để nhân dân biết, chủ động phòng tránh và có ý thức sử dụng nước tiết kiệm.

Theo đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn; các thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh để tổ chức ứng phó cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vận hành có hiệu quả các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình xâm nhập mặn. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn từng hộ gia đình, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn biết chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn…

THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: