• Sức khỏe và Đời sống

“Chạy đua với thời gian” trong xử lý đột quỵ

04/04/2024 11:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân
  • Thứ Năm, 04/04/2024 | 11:36

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quỵ cao nhất, với khoảng 200 nghìn người mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam và trong số người sống sau đột quỵ, có 70% bị khuyết tật.

Kiểm tra, đánh giá người bệnh đột quỵ phục hồi sau điều trị tại Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Trung bình mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 50 đến 55 trường hợp bị đột quỵ nhập viện. Không chỉ tăng về số lượng, người bị đột quỵ ngày càng trẻ hóa (chiếm khoảng 8%). Trước đây, thi thoảng mới có một, hai trường hợp người trẻ (dưới 45 tuổi) bị đột quỵ thì hiện nay, các trường hợp này là khá thường xuyên, có ngày tiếp nhận tới sáu trường hợp. Nhiều trường hợp mới trên dưới 30 tuổi, thậm chí có người mới 20 tuổi đã bị đột quỵ.

Các dấu hiệu đột quỵ đã được Hội Đột quỵ thế giới đưa ra là: Méo miệng (đột ngột méo miệng một bên); tay chân đột nhiên yếu liệt, không lên được; người bệnh nói không tròn tiếng, nói khó, nói ngọng.

Các dấu hiệu đột quỵ đã được Hội Đột quỵ thế giới đưa ra là: Méo miệng (đột ngột méo miệng một bên); tay chân đột nhiên yếu liệt, không lên được; người bệnh nói không tròn tiếng, nói khó, nói ngọng. 

Khi đột ngột xuất hiện các triệu chứng đó, người bệnh cần được người nhà đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ đưa ra chiến lược điều trị tái tưới máu (những trường hợp thiếu máu não) sớm nhất có thể. Sau khi điều trị tái tưới máu tốt, bệnh nhân sẽ được đánh giá, xét nghiệm xác định cơ chế bệnh sinh đưa ra chiến lược điều trị dự phòng tái phát. 

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có 95% số người bệnh đột quỵ gặp cả ba hoặc một, hai dấu hiệu điển hình nêu trên. Chỉ có 5% số bệnh nhân không gặp triệu chứng điển hình đó, nhưng cũng có một số biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dai dẳng kèm theo có thể là thoáng qua ba dấu hiệu đó.

Khi bị đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể, vì mỗi giây, mỗi phút trôi qua, hàng triệu nơ-ron thần kinh mất đi không hồi phục. Do vậy phải chạy đua với thời gian để người bệnh được đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ.

PGS, TS Mai Duy Tôn

PGS, TS Mai Duy Tôn khuyến cáo, khi bị đột quỵ, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể, vì mỗi giây, mỗi phút trôi qua, hàng triệu nơ-ron thần kinh mất đi không hồi phục. Do vậy phải chạy đua với thời gian để người bệnh được đưa tới bệnh viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ; tuyệt đối không chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo “phương pháp dân gian truyền miệng”. Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4,5 giờ từ khi khởi phát; cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 6 giờ đầu (chỉ một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ). Nếu càng đến sớm bao nhiêu thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu. Do vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta cần đưa người bệnh vào bệnh viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.   

“Thời gian vàng” trong đột quỵ não hay “thời gian là não” là cụm từ để nhấn mạnh rằng, càng trì hoãn trong xử lý các trường hợp đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32 nghìn tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết; cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót). 

Điều quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến bệnh viện trong giờ vàng. Khi phát hiện người bị đột quỵ cần lập tức gọi xe cứu thương. Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất.

PGS, TS Mai Duy Tôn

Theo PGS, TS Mai Duy Tôn, điều quan trọng khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến bệnh viện trong giờ vàng. Khi phát hiện người bị đột quỵ cần lập tức gọi xe cứu thương. Gọi 115 là lựa chọn thông minh nhất, bởi xe cứu thương 115 sẽ đưa người bị đột quỵ đến địa điểm có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn nhất và nhanh nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não. Khi bạn gọi 115 và yêu cầu trợ giúp, hãy thông báo cho người điều hành rằng, bạn nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ não. Nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân. 

Trong khi chờ xe cứu thương đến, hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt.

 Trong khi chờ xe cứu thương đến, hãy hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: Thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử... 

Nếu người bệnh đang ngồi hoặc đứng, hãy khuyến khích họ nằm nghiêng với tư thế đầu cao; nới lỏng quần áo... để giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Một số trường hợp có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não, nên cần đánh giá tình trạng hô hấp, xem họ có còn thở không, nếu không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi... Cố gắng giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.

ĐỖ HOÀNG/ Báo Nhân Dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: