• Sức khỏe và Đời sống

Không tự ý điều trị bệnh đau mắt đỏ để tránh biến chứng nặng

02/10/2023 04:29 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 02/10/2023 | 04:29

STO - Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân đến khám mắt tại các cơ sở y tế tăng nhiều, báo hiệu tình hình bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang diễn biến phức tạp. Để có thể hiểu rõ hơn về những nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Quyển - Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 tỉnh Sóc Trăng.

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Quyển - Phó Giám đốc Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 tỉnh Sóc Trăng. nh: HOÀNG PHÚC

Phóng viên: Bác sĩ cho biết về tình hình bệnh nhân đến điều trị bệnh đau mắt đỏ tại Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 tỉnh Sóc Trăng (bệnh viện chuyên khoa về mắt) trong những ngày qua ra sao?

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Quyển: Bệnh đau mắt đỏ, hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp, đây là tình trạng viêm cấp tính của kết mạc mắt, thường xảy ra quanh năm, xuất hiện nhiều ở những thời điểm giao mùa và có thể lan truyền thành dịch.

Năm nay, tại Sóc Trăng, số lượng bệnh đau mắt đỏ xuất hiện từ đầu tháng 9 và tăng số lượng ở thời điểm giữa tháng 9. Từ ngày 1/9 đến nay, Bệnh viện Chuyên khoa 27 tháng 2 đã tiếp nhận và điều trị cho 198 bệnh nhân, trong đó người lớn 102 trường hợp, học sinh 77 trường hợp và trẻ em dưới 6 tuổi là 19 trường hợp. Tất cả các trường hợp trên đều được điều trị khỏi, không xảy ra biến chứng. Gần đây, mỗi ngày có khoảng 10 bệnh nhân đau mắt đỏ đến bệnh viện khám và điều trị, số lượng giảm hơn so với tuần trước khoảng 14 ca/ngày.

Phóng viên: Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đau mắt đỏ và những dấu hiệu dễ nhận biết về bệnh?

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh Quyển: đau mắt đỏ do virus, trong đó hay gặp là Adenovirus; một số ít tác nhân gây dị ứng ở mắt như: phấn, phấn hoa, hóa chất.

Các dấu hiệu thường gặp ở bệnh đau mắt đỏ như sau: tại mắt: cảm giác cộm, xốn như có bụi trong mắt; mi mắt sưng; đỏ mắt: lúc đầu ở một bên mắt, sau 1 - 2 ngày lan sang mắt kia; nhiều ghèn trắng dính mi. Toàn thân: có thể có triệu chứng giống như cảm cúm: nhức đầu nhẹ, đau mỏi người, hắc hơi, sốt nhẹ…; hạch trước tai.

Phóng viên: Khi có những dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ thì người bệnh sẽ phải xử lý như thế nào? Nếu trong gia đình có người thân bị đau mắt đỏ thì chúng ta phải làm gì thưa bác sĩ?

Bác sĩ Chuyên khoa 2 Bùi Thanh QuyểnCông tác phòng bệnh chung: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch rửa tay; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng. Không dùng chung lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang… Vệ sinh mắt, mũi, họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường để sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh. Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh đau mắt đỏ.

Đối với người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các dung dịch rửa tay thông thường, hằng ngày vệ sinh các đồ dùng, vật dụng người bệnh đã sử dụng. Đeo kính râm, mang khẩu trang để hạn chế lây bệnh cho người khác.

Người có các dấu hiệu đau mắt đỏ cần đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn bác sĩ!

HOÀNG PHÚC (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: