• Sức khỏe và Đời sống

Nỗ lực đưa Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về điều trị PrEP

15/01/2024 15:32 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân Điện tử
  • Thứ Hai, 15/01/2024 | 15:32

Việt Nam đã trải qua 33 năm ứng phó với đại dịch HIV, ngăn ngừa gần 1,2 triệu người nhiễm HIV và 320.000 người tử vong do AIDS nhờ một loạt biện pháp quan trọng mà ngành y tế đã triển khai. Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP), góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm HIV.

Bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng PrEP cho đối tượng nguy cơ.

Bác sĩ tư vấn điều trị dự phòng PrEP cho đối tượng nguy cơ.

Kiểm soát được 98% người sử dụng PrEP tránh nguy cơ lây nhiễm HIV

Kể từ ca nhiễm đầu tiên được phát hiện năm 1990 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính hiện nay có khoảng 250.000 người đang sống chung với HIV. Tính tới tháng 9 năm 2023, đã có 100% số tỉnh, thành phố; 701/705 quận/huyện có người nhiễm HIV (chiếm 99,43%) và trên 96% số xã/phường báo cáo có người nhiễm HIV/AIDS.

9 tháng đầu năm 2023, cả nước ghi nhận 10.219 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.126 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV có 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (47,3%) và 30-39 (28,2%), đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (75,1%). Đối tượng chủ yếu là nam quan hệ tình dục đồng giới (49,2%) và đối tượng khác (31,2%).

Trong năm 2023, Bộ Y tế đã hoàn thiện xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật có ý nghĩa trong việc tiếp cận thông tin người nhiễm HIV, mở rộng cấp phát Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện, hướng dẫn quy trình, phương pháp giám sát dịch tễ học HIV/AIDS và giám sát các bệnh lây truyền qua đường tình dục…

Xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện tại hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 230 phòng xét nghiệm khẳng định. Xét nghiệm khẳng định HIV được mở rộng xuống tuyến huyện. Hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng đang được triển khai thí điểm sử dụng 3 test nhanh tại các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa. Xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Tính đến 30/9/2023, chương trình Methadone đã được triển khai tại 382 cơ sở điều trị của 63 tỉnh/thành phố, điều trị cho 50.851 bệnh nhân, tính đến 20/10/2023 có 2.291 bệnh nhân được cấp phát thuốc MMT mang về nhà.

Một trong những dấu ấn của công tác phòng, chống HIV năm 2023 chính là với con số gần 100.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP.

Tính đến 30/9/2023, đã có 219 cơ sở PrEP triển khai cung cấp dịch vụ PrEP (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố. Số khách hàng được tiếp cận với dịch vụ PrEP ít nhất 1 lần trong kỳ báo cáo là 60.020 khách hàng (đạt 109% so với chỉ tiêu 55.000 khách hàng vào năm 2023); số khách hàng duy trì trị điều trị PrEP trên 3 tháng liên tiếp đạt 76,5%; 80,6% số khách hàng PrEP là MSM.

Về điều trị HIV/AIDS, hiện có 534 cơ sở điều trị, trong đó 506 cơ sở đang điều trị thuốc ARV BHYT. Tính đến 14/9/2023, cả nước có 177.009 bệnh nhân đang điều trị ARV, trong đó 2.748 bệnh nhân trẻ em, 174.261 bệnh nhân người lớn. Mở rộng điều trị ARV qua Bảo hiểm y tế, phấn đấu tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus HIV dưới ngưỡng ức chế đạt 95% trở lên.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong trại giam, trại tạm giam: triển khai dịch vụ tại 31 trại giam và 35 trại tạm giam, trong 6 tháng đầu năm 2023, xét nghiệm được cho khoảng 21.678 lượt can, phạm nhân tại trại giam và 6.202 lượt can, phạm nhận tại trại tạm giam (trong đó có 2,2% dương tính). Điều trị ARV cho 3.435 can, phạm nhân.

Triển khai Điều trị viêm gan C cho bệnh nhân HIV và bệnh nhân điều trị Methadone. Đến 30/9/2022 số bệnh nhân nhiễm HIV và bệnh nhân điều trị methadone mắc Viêm gan C (VGC) được điều trị tại 38 tỉnh/thành phố là 16.052 bệnh nhân (trong đó có 4324 bệnh nhân methadone). Tỷ lệ khỏi bệnh trong số bệnh nhân được làm SVR12 đạt 96,3%. Tiếp tục kế hoạch điều trị trong năm 2023, dự án Quỹ Toàn cầu đã hỗ trợ và phân bổ thuốc cho hơn 4.000 bệnh nhân cho 32 tỉnh thuộc dự án.

Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/mL máu).

Khi tải lượng virus dưới 200 bản sao/mL máu, người nhiễm HIV sẽ không có khả năng lây truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục (còn gọi là Không phát hiện = Không lây truyền hay K=K). Việc mở rộng tiếp cận PrEP và K=K đã góp phần kiểm soát nguy cơ lây nhiễm HIV ở Việt Nam.

Những điểm mới trong tiếp cận xét nghiệm HIV

Mô hình dịch nước ta hiện nay là dịch tập trung, nghĩa là tập trung vào một số nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như nhóm người nghiện chích ma túy, bán dâm và đặc biệt là nam quan hệ tình dục với nam (MSM), khoảng 84,5 % người nhiễm HIV là Nam giới, trẻ tuổi (16-29 tuổi) chiếm 47, 3 %, lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có nhiều yếu tố nguy cơ kép như vừa sử dụng ma túy, vừa bán dâm hoặc có nhiều bạn tình (số liệu 9 tháng đầu năm 2023).

Do đó, chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã chỉ rõ hướng đi mới trong tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV, cụ thể: “Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm;”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, cục đã nỗ lực phối hợp với các dự án, tổ chức quốc tế, các nhóm dựa vào cộng đồng mở rộng tối đa các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng: bên cạnh việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại hơn 1.300 cơ sở y tế còn cung cấp sinh phẩm tự xét nghiệm HIV thông qua các nhóm dựa vào cộng đồng và thông qua trang web trực tuyến: tuxetnghiem.vn cho 28 tỉnh/thành phố trọng điểm, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 35 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Nỗ lực đưa Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á-Thái Bình Dương về điều trị PrEP ảnh 1

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS.

Cục cũng kêu gọi sự tham gia tích cực của cộng đồng trong công tác tìm ca nhiễm HIV, huy động sự tham gia của người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đặc biệt là công tác tư vấn xét nghiệm HIV… việc này giúp tiếp cận được nhiều hơn với những người có hành vi nguy cơ cao do dịch vụ được cung cấp bởi những người có cùng hoàn cảnh sẽ giảm rất nhiều rào cản về kỳ thị và tự kỳ thị của những người trong cộng đồng.

Ngoài việc huy động sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng, hệ thống phòng xét nghiệm khẳng định HIV cũng liên tục được mở rộng với 230 phòng xét nghiệm, trong đó có 122 phòng xét nghiệm tuyến huyện để những người có kết quả xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng khi có nhu cầu có thể tiếp cận sớm nhất với dịch vụ xét nghiệm khẳng định HIV mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển và chờ đợi kết quả.

Mở rộng điều trị dự phòng PrEP

Thuốc điều trị dự phòng PrEP được triển khai tại Việt Nam từ năm 2017 và mở rộng dịch vụ nhanh chóng. Hiện nay, toàn quốc có 219 cơ sở điều trị PrEP (49 cơ sở tư nhân và 170 cơ sở công lập) tại 28 tỉnh, thành phố. Dịch vụ PrEP tại Việt Nam được hỗ trợ bởi 02 nhà tài trợ chính là dự án Quỹ Toàn cầu và PEPFAR.

Tính từ tháng 1-9/2023, toàn quốc có 62.373 khách hàng PrEP sử dụng dịch vụ ít nhất 1 lần (PrEP_uptake), 40.491 khách hàng đang sử dụng PrEP (PrEP_on). Tỷ lệ duy trì 3 tháng là 77%. Trong tổng số khách hàng PrEP, có khoảng 80% số khách hàng là MSM và ở độ tuổi rất trẻ, khoảng 18 đến dưới 40 tuổi.

Dự kiến trong năm 2024, ngành y tế sẽ tiếp tục mở rộng độ bao phủ và mở mới các cơ sở PrEP thông qua các mô hình, sáng kiến mới, tập trung vào nhóm dân số trẻ (vị thành niên, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp…), mô hình cấp thuốc PrEP cho các tỉnh không có dự án viện trợ.

Về chiều sâu, Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ tăng cường chất lượng dịch vụ PrEP. Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, đa dạng giới … đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng PrEP; mở rộng triển khai mô hình OSS (Cung cấp theo gói dịch vụ toàn diện); nghiên cứu triển khai CAB-LA về PrEP và hướng dẫn triển khai CAB-LA.

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng sinh phẩm xét nghiệm thế hệ mới, thuốc dạng uống, thuốc tiêm, thuốc đặt… đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng; tăng cường các can thiệp duy trì điều trị PrEP tại cơ sở, phát huy vai trò và hỗ trợ từ các nhóm cộng đồng; tiếp cận khách hàng và kết nối chuyển gửi vào điều trị PrEP.

THIÊN LAM/BÁO NHÂN DÂN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: