• Sức khỏe và Đời sống

Quyết liệt phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết và tay - chân - miệng

06/08/2023 04:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 06/08/2023 | 04:50

STO - Hiện tại, do mưa nhiều nên dễ phát sinh các loại dịch bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, trong đó, sốt xuất huyết và tay - chân - miệng là 2 loại dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Riêng tại thành phố Sóc Trăng, số ca sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tăng hàng ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trước tình hình đó, thành phố Sóc Trăng đang siết chặt các biện pháp phòng, chống và khống chế không để dịch lớn xảy ra, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.

Phun hóa chất, khống chế ổ dịch sốt xuất huyết. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sóc Trăng, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue năm 2023 trên địa bàn thành phố Sóc Trăng tăng gấp nhiều lần so cùng kỳ năm 2022. Tính đến ngày 28/7/2023, số ca sốt xuất huyết Dengue ghi nhận trên địa bàn thành phố là 454 ca, với hơn 100 ổ dịch. Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố ghi nhận 190 ca tay - chân - miệng, với hơn 10 ổ dịch.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phạm Phú Hậu - Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS (Trung tâm Y tế thành phố Sóc Trăng) cho biết, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng vẫn đang diễn biến phức tạp với số ca mắc, ca bệnh nặng và số ổ dịch vẫn đang tăng cao mỗi ngày và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Từ môi trường thuận lợi (thời tiết mùa mưa, hiện tượng El Nino...) tạo điều kiện cho sự phát triển của véc tơ truyền bệnh. Dự báo với sự thay đổi thời tiết mưa nắng thất thường, nhiệt độ, độ ẩm thay đổi đột ngột… khả năng bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng tiếp tục gia tăng. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng được Trung tâm Y tế thành phố và các phường quyết liệt triển khai thực hiện.

Theo đó, các địa phương trên địa bàn thành phố đã tăng cường giám sát và xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch, khống chế không để dịch sốt xuất huyết lây lan diện rộng trong cộng đồng. Đồng thời tăng cường thực hiện công tác truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, truyền thông tại hộ gia đình về công tác phòng, chống dịch bệnh. Ngành Y tế thành phố phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên truyền giáo dục; tiến hành khử khuẩn bằng cloramin B các ổ dịch, điều tra dịch tễ nếu có ca tay - chân - miệng xảy ra tại các trường học, nhà trẻ.

Ngành y tế tổ chức thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Lê Kim Loan - Phó trưởng Trạm Y tế phường 4 (thành phố Sóc Trăng) thông tin: “Trạm y tế các phường tham mưu lãnh đạo UBND phường tổ chức thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng; đề cao những giải pháp bền vững như thu gom các vật phế thải, vỏ dừa không để chứa nước làm tăng phát sinh côn trùng khi mưa xuống, thả cá bảy màu ăn lăng quăng vào các dụng cụ chứa nước... Trạm y tế tuyên truyền người dân luôn rửa tay trước khi cho trẻ ăn, ăn uống hợp vệ sinh, ăn chín uống chín, khử khuẩn, lau chùi bề mặt thường xuyên… để phòng, chống bệnh tay - chân - miệng”.

Riêng Đội chống dịch của Trung tâm Y tế thành phố, các phường xử lý triệt để các ca bệnh sốt xuất huyết tản phát và ổ dịch trong phạm vi bán kính 200m và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun hóa chất diệt bớt trung gian truyền bệnh, nhằm tránh mầm bệnh phát tán.

Bác sĩ Chuyên khoa 1 Phạm Phú Hậu cho biết thêm: “Ngành Y tế thành phố chuẩn bị đầy đủ cơ số hóa chất, máy phun, vật tư… duy trì, phát triển mô hình nuôi cá bảy màu tại trạm y tế 10 phường, sẵn sàng đáp ứng phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue, tay - chân - miệng, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành Y tế cập nhật kịp thời chẩn đoán và thay đổi chẩn đoán ca bệnh cũng như kết quả xử lý dịch qua phần mềm báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT, ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm”.

Với các biện pháp nêu trên đã góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong phòng dịch bệnh. Chị Nguyễn Thị Nữ, ngụ phường 6 tâm tình: “Lúc này, cán bộ trạm y tế phường, cộng tác viên y tế các khóm thường hay đến gia đình hộ dân để hướng dẫn bà con diệt lăng quăng, diệt muỗi, tránh muỗi đốt, tránh bị sốt xuất huyết. Năm nay, sốt xuất huyết và tay - chân - miệng nhiều quá, bà con ở đây đều tích cực ủng hộ hoạt động phòng, chống dịch; phối hợp tốt với nhân viên y tế khi đến địa phương phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường”.

Để hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay - chân - miệng hiệu quả, mỗi người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong phòng, chống dịch. Trước hết, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín tất cả các dụng cụ, vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; diệt lăng quăng bằng cách thả cá lia thia, cá bảy màu vào dụng cụ, vật dụng chứa nước lớn; cọ, rửa dụng cụ, vật dụng chứa nước… Hàng tuần, người dân cũng cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ mùng, mặc quần dài, áo dài tay phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đặc biệt, khi bị sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị; không tự ý điều trị tại nhà. Các bà mẹ nên thực hiện rửa tay thường xuyên cho trẻ bằng xà phòng, rửa tay trước khi cho trẻ ăn để phòng, chống tay - chân - miệng; khi có các dấu hiệu sốt, nổi mụn nước bàn tay, bàn chân, miệng phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

HOÀNG PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: