• Thi đua - Khen thưởng

"Duyên nợ" với tre

23/10/2023 04:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 23/10/2023 | 04:30

STO - Sinh ra và lớn lên ở huyện Phước Long (Bạc Liêu) nhưng chị Trương Thị Bạch Thủy, sinh năm 1984 lại chọn Sóc Trăng để thực hiện ước mơ còn dang dở với cây tre. Trải qua không ít khó khăn, thách thức, hiện tại chị đã gặt hái được nhiều “quả ngọt”. Chị hiện là Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Hợp tác xã này có nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm không chỉ trong nước mà còn sang một số nước trên thế giới. Niềm vui liên tục được nối tiếp, khi mới đây (ngày 14/10), chị Bạch Thủy đã đạt giải nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

Từ cô bé bán rổ tre...

Chị Bạch Thủy cho biết, gia đình chị gốc là người dân tộc Khmer ở Bạc Liêu có nghề truyền thống đan đát. Vì vậy mà nghề đan đát đã ngấm vào người từ khi chị còn rất bé. Hằng ngày, sau giờ học, Bạch Thủy cặm cụi đan rổ tre để cuối tuần mang ra chợ bán. Do sản phẩm tốt, được ưa chuộng nên rất nhiều người mua. Tích cóp dần, chị mua được chiếc xe đạp chở các sản phẩm mây tre ra chợ bán. Rồi từ chợ xã, đến chợ huyện và ra chợ tỉnh, nhiều người tiêu dùng đã ưa thích các sản phẩm do Bạch Thủy làm vì chất lượng đẹp và độ bền cao.

Chị Trương Thị Bạch Thủy (người đứng) - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết, ấp Phước Quới, xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đến các lớp hướng dẫn đan đát cho phụ nữ. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Học đếp cấp 3, Bạch Thủy xin gia đình đi học thêm nghề thủ công mỹ nghệ ở các nghệ nhân, rồi dự các lớp thiết kế, mỹ thuật do hội liên hiệp phụ nữ tổ chức. Với sự thông minh lại cần cù, Bạch Thủy được nhiều người biết đến với nghề kinh doanh các sản phẩm tre, mây mỹ nghệ. Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường, các sản phẩm đan đát ở các làng nghề thủ công đã không trụ được với sự cạnh tranh từ các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa. Bạch Thủy đã phải rời làng nghề và kinh doanh nhiều thứ khác. Tuy cuộc sống ổn định, nhưng có lẽ vẫn chưa hết duyên nợ với cây tre nên lúc nào chị cũng đau đáu với nghề đan đát truyền thống của gia đình. Vậy là từ năm 2014, chị quay lại với nghề đan đát mây tre. Và sau đó chị đã chọn quê nội ở Phú Tân - nơi có làng nghề truyền thống từ mây tre để thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết.

Với bản tính năng động, Bạch Thủy luôn tìm hiểu thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng và liên tục sản xuất những sản phẩm đan đát là vật dụng gia đình cho đến các mặt hàng mỹ nghệ mây tre dùng để trang trí, rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Để khắc phục nhược điểm của tre, các sản phẩm dùng để đựng thức ăn, Bạch Thủy nghiên cứu xử lý bằng các hóa phẩm hữu cơ tự nhiên, nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chống mối mọt.

Khi khách đặt hàng mẫu mới, Bạch Thủy nghiên cứu thật kỹ, rồi tự tay làm ra sản phẩm mẫu, sau đó mang xuống các làng nghề hướng dẫn lại cho chị em, sao cho sản phẩm được ưng ý nhất. Mỗi làng nghề chị chọn đặt hàng các sản phẩm khác nhau để nâng cao tay nghề cho chị em. Công việc ổn định, phát triển, mỗi hộ gia đình bình quân có thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng từ nghề đan đát nên mọi người gắn bó với hợp tác xã.

... đến việc phát huy tài nguyên bản địa

Hiện tại, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết có hơn 600 mặt hàng các loại. Từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… Với lượng hàng hóa cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước, cơ sở của chị đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động từ bà con trong làng nghề cho đến lao động tại cơ sở, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội địa phương. Cùng với lợi thế có nhiều thợ giỏi, hợp tác xã còn phát triển và ứng dụng cây tre vào xây dựng các công trình kiến trúc nhằm phát huy giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bạch Thủy cho biết, để tận dụng tối đa tiềm năng của dự án cần đầu tư vào công nghệ và quy trình sản xuất hiện đại. Điều này có thể là một thách thức đối với các cộng đồng địa phương và hợp tác xã khi không có sẵn nguồn lực và kiến thức cần thiết. Đồng thời, hợp tác xã cũng chưa đủ năng lực triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá sản phẩm, chưa có kênh phân phối và đối tác thương mại rộng rãi. Chính những thách thức này đã thôi thúc chị tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” khi được sự động viên, hỗ trợ từ các cấp hội liên hiệp phụ nữ của tỉnh Sóc Trăng. Vì bên cạnh việc nâng cao năng lực và quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình và xã hội, đề án này còn góp phần bảo vệ môi trường sống; gìn giữ và phát triển nguồn tài nguyên bản địa, cụ thể là khuyến khích trồng và bảo tồn mây, tre; phát triển làng nghề và kết hợp thu hút khách du lịch. Kết quả, chị đã đạt giải nhất cuộc thi này.

Chị Trương Thị Bạch Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết (đứng giữa) nhận giải nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Ảnh: NVCC

Đồng chí Châu Hồng Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, nhận thấy mô hình sản xuất của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết có rất nhiều tiềm năng nên hội đã mạnh dạn giới thiệu, viết ý tưởng hỗ trợ chị Trương Thị Bạch Thủy tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa”. Kết quả này là nguồn động viên rất lớn không chỉ riêng bản thân chị Thủy mà còn là tiền đề tạo sức lan tỏa cho hội viên, phụ nữ trong tỉnh. Khi chị em có mô hình, dự án mang tính khả thi hãy mạnh dạn phát huy, thử sức để thực hiện thành công ước mơ khởi nghiệp.

Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” với mục đích tìm kiếm, lựa chọn, trao giải và hỗ trợ ươm tạo, nâng cao năng lực cho phụ nữ, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp mới thành lập do phụ nữ làm chủ, tham gia quản lý có các ý tưởng, nhằm gìn giữ, phát triển và nâng cao giá trị tài nguyên bản địa, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030. Cuộc thi năm nay đã nhận 2.024 dự án tham gia. Qua các vòng thi bán kết, chung kết cấp vùng Bắc, Trung, Nam, đã có 33 dự án xuất sắc được chọn vào vòng chung kết toàn quốc.

XUÂN HƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: