• Thi đua - Khen thưởng

Khi người nông dân quyết tâm làm giàu

22/07/2023 05:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 22/07/2023 | 05:19

STO - Nhiều hội viên, nông dân trên địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) dám nghĩ, dám làm; thi đua lao động sản xuất; ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh đã tạo ra hiệu quả. Qua đó, không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn giúp các hộ ở địa phương vươn lên thoát nghèo...

Làm giàu từ mô hình nuôi cua đinh

Một ngày trung tuần tháng 7, tôi có dịp tháp tùng cùng đoàn công tác của Hội Nông dân xã Thạnh Trị trong chuyến khảo sát các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn. Điểm đến đầu tiên là gia đình anh Nguyễn Văn Diệm, tại ấp Tà Lọt A, xã Thạnh Trị với mô hình nuôi cua đinh mang lại thu nhập cao và ổn định.

Anh Nguyễn Văn Diệm, ấp Tà Lọt A, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) (bên phải) giới thiệu cách nuôi cua đinh. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Trong ngôi nhà khang trang còn nguyên màu sơn mới, anh Diệm hồ hởi giới thiệu mô hình nuôi cua đinh, trong lúc những thành viên khác của gia đình chuẩn bị thức ăn cho cua đinh. Ông Diệm bộc bạch: “Năm 2019, gia đình tôi đầu tư xây 6 hồ nuôi cua đinh sinh sản, 4 hồ nuôi cua đinh thịt, với giá cua đinh giống khoảng 400.000 đồng/con; giá cua đinh thương phẩm là 450.000 đồng/kg. Cứ 3 tháng tôi bán 30 - 40 con cua đinh giống; cua đinh thương phẩm thì bán lai rai. Hiện tại, thương lái đã đến đặt hàng mua hết cua đinh thịt khi thu hoạch”.

Trước đó, anh Nguyễn Văn Diệm cũng khá thành công với mô hình nuôi ba ba. Sau đó, anh kết hợp nuôi cua đinh. “Nuôi ba ba cũng được, nhưng thấy hiệu quả kinh tế không cao nên tôi đã tìm hiểu và biết nuôi cua đinh giá trị kinh tế cao hơn, mà cách nuôi, chăm sóc cũng tương tự nhau nên dần chuyển sang đầu tư nuôi cua đinh” - anh Diệm tiếp lời.

Đầu tiên, tìm cua đinh giống để nuôi rất khó khăn, anh Diệm chỉ chọn và ưng ý được một vài cặp bố mẹ rồi tự cho sinh sản để tạo giống nuôi thương phẩm. Tuy nhiên, năm đầu tiên, cua đinh giống không đủ cung ứng cho thị trường nên anh chỉ nuôi cua đinh sinh sản, sau đó mới bắt đầu nuôi cua đinh thương phẩm. Theo anh Diệm cua đinh không khó nuôi, mỗi ngày chỉ cho ăn một lần, thức ăn chủ yếu là cá tạp, tép, ốc… Cua đinh nuôi khoảng 2 năm, đạt trọng lượng 3 - 4kg là có thể bán ra thị trường. Tính ra, gia đình anh Nguyễn Văn Diệm có tổng thu nhập từ các nguồn hàng trăm triệu đồng mỗi năm sau khi trừ hết chi phí.

Có được thành công này, anh Diệm luôn tìm tòi phương pháp sản xuất chất lượng tốt với chi phí tối ưu, nhất là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh còn tận tâm hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ nuôi khác. Với những đóng góp của mình, anh được công nhận nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, được nhận nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh… “Muốn thành công thì phải quyết tâm, chịu khó, đam mê với công việc, tìm tòi, học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm, cách làm hay. Quan trọng là mình muốn thành công thì phải chấp nhận được thất bại” - anh Diệm cho hay.

Phát triển kinh tế gia đình từ nông nghiệp truyền thống

Khác hơn đôi chút so với anh Nguyễn Văn Diệm, anh Trần Văn Luyến, ở ấp Tà Niền, xã Thạnh Trị thì quyết chí làm giàu bằng nông nghiệp truyền thống, tận dụng những thứ có sẵn. Từ đó, anh phát triển mô hình trồng lúa kết hợp nuôi cá đồng, trồng năn, nuôi bò sinh sản. Trên diện tích hơn 1ha đất trồng lúa 2 vụ/năm kết hợp nuôi cá đồng, hơn 1 công đất trồng năn kết hợp trồng cỏ nuôi bò sinh sản, hàng năm thu nhập của gia đình anh Trần Văn Luyến hàng trăm triệu đồng.

 Anh Trần Văn Luyến, ấp Tà Niền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) với mô hình trồng năn. Ảnh: HOÀNG PHÚC 

Được biết, thời gian trước, hộ anh Trần Văn Luyến được các cấp hội nông dân tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay để nuôi hơn chục con bò sinh sản; hỗ trợ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, anh đã bán 8 con bò sinh sản, trả hết vốn vay và đang tiếp tục phát triển mô hình nuôi bò sinh sản, trồng lúa, trồng năn; kết hợp nuôi cá đồng dưới ruộng. Với những thành quả đạt được trong quá trình sản xuất, anh Luyến được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã.

“Lúc nào có thời gian rảnh là tôi xem sách, báo, lên mạng tìm tòi, học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; tham khảo các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả; nghiên cứu cách làm hay và suy nghĩ, tính toán để áp dụng thực tế. Tôi còn học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất với anh em ở địa phương để tích lũy thêm kiến thức; cũng như giúp những hộ gia đình khác vươn lên trong cuộc sống” - anh Luyến chia sẻ.

Mỗi ngày, hai vợ chồng Trần Văn Luyến bận rộn từ sáng đến tối. Theo đó, buổi sáng là nhổ năn giao cho thương lái, sau đó, chăm sóc đàn bò sinh sản, chăm sóc hơn 1ha lúa; đến chiều lại cắt cỏ cho bò ăn. “Mỗi ngày, hai vợ chồng tôi làm từ sáng đến tối, cực nhưng vui vì tạo thu nhập để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Phải siêng năng mới kiếm được đồng tiền, cuộc sống ngày càng phát triển” - anh Luyến bộc bạch.

Phải dám nghĩ, dám làm mới thành công

Điểm đến tiếp theo là hộ anh Bành Hữu Phước tại ấp Tà Niền, xã Thạnh Trị, anh chính là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, với thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời vài trăm triệu đồng. Hộ anh Bành Hữu Phước còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương. “Nhớ lại thời điểm mới khởi nghiệp, hai vợ chồng mới cưới chỉ có đôi bàn tay trắng vì gia đình hai bên cũng khó khăn nên cũng không hỗ trợ được gì. Nhưng chúng tôi quyết vượt lên cái nghèo, suy nghĩ đủ cách và bắt đầu thực hiện, không ngại khó, ngại khổ” - anh Phước tâm tình.

Anh Bành Hữu Phước, ấp Tà Niền, xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) kinh doanh vật tư nông nghiệp thu lợi nhuận vài trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Thế là, hai vợ chồng anh Bành Hữu Phước bắt tay vào lao động, sản xuất với quyết tâm vươn lên khá giàu. Đầu tiên, gia đình nuôi heo, trồng rẫy, làm thuê, làm mướn. Sau đó, có được nguồn vốn, anh chuyển sang nuôi trâu, sử dụng trâu để cày thuê cho bà con ở địa phương. Dần dần tích lũy được vốn, anh lại mua đất để làm lúa. Khi đã có trong tay diện tích đất trồng lúa hơn 6ha, anh Phước lại đầu tư lò sấy lúa, mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp. Anh Phước tâm sự: “Khi đã có được kha khá đất trồng lúa, mỗi vụ lúa phải mua phân bón, thuốc trừ sâu khá nhiều, bà con ở đây cũng vậy; điều kiện phơi lúa cũng khó khăn. Điều đó làm tôi nảy ra suy nghĩ phải làm lò sấy để vừa sấy lúa cho gia đình, vừa sấy gia công cho bà con; đầu tư cửa hàng bán vật tư nông nghiệp để hỗ trợ cho bà con ở địa phương. Lò sấy và cửa hàng vật tư nông nghiệp được bà con ủng hộ nhiệt tình nên cũng ăn nên làm ra”.

Bên cạnh đó, anh Phước luôn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Hiện tại, anh còn phát triển thêm mô hình nuôi gà, cũng đang cho thu nhập khá tốt. Không chỉ làm giàu cho riêng mình, anh còn tích cực hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo bằng cách đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu cho hộ sản xuất lúa, hỗ trợ kỹ thuật… Và với diện tích đất trồng lúa hơn 6ha, mỗi vụ anh thuê hàng chục nhân công để chăm sóc, thu hoạch, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động nhàn rỗi ở địa phương. Anh luôn suy nghĩ phải cố gắng phấn đấu vươn lên, phải chăm chỉ, dám nghĩ dám làm thì mới thành công.

Đồng chí Nguyễn Quang Hưng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Trị cho biết: “Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Thạnh Trị phát động hội viên, nông dân đăng ký thực hiện phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Hội nông dân các cấp tạo điều kiện để hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật để người nông dân vươn lên từ mảnh đất quê hương bằng bàn tay, khối óc của mình. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, các nông dân này còn phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức. Đây là những gương sáng trong công tác hội và phong trào nông dân, góp phần xây dựng tổ chức hội phát triển, vững mạnh”.

Những điển hình nêu trên nằm trong số nhiều gương nông dân tiêu biểu thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi... trên địa bàn xã Thạnh Trị. Mỗi người một ý tưởng, một sáng kiến, một đam mê, làm giàu từ chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, đang tiếp thêm sức cho đông đảo nông dân ở địa phương có thêm hy vọng về việc làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.

HOÀNG PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: