• Thi đua - Khen thưởng

Chào mừng Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng lần thứ X, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi - Những nhân tố tạo sức lan tỏa

08/09/2023 08:47 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 08/09/2023 | 08:47

STO - Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là 1 trong 3 phong trào trọng tâm do Hội Nông dân Việt Nam phát động từ năm 1989. Qua 34 năm, phong trào đã phát triển trở thành phong trào quần chúng sâu rộng trong cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng. Từ đây xuất hiện nhiều gương sáng nông dân đã và đang đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực đời sống, xây dựng hình ảnh đẹp của người nông dân trong thời kỳ hội nhập.

Toàn tỉnh hiện có trên 138.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Bằng trí tuệ và sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi chính là nhân tố tích cực góp phần tạo nên sự chuyển dịch trong tư duy và cách thức sản xuất của nông dân trong toàn tỉnh. Qua đó, thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới và thực hiện ngày càng hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Nông dân tích cực phát triển kinh tế, tham gia công tác xã hội

Nông dân Lâm Văn Phấn, ở ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020. Hiện ông Phấn có tổng cộng 7ha đất, một phần trồng cây hẹ, còn lại là trồng lúa. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình ông thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Theo ông Phấn, cây hẹ dễ trồng, ít bệnh, chỉ cần làm đất giồng cao, có khoảng cách 4 hàng hơn 1,1m, sau 2,5 tháng là có thể thu hoạch dần, sau đó thu hoạch liên tiếp đến 24 tháng sau. Hẹ vừa bán được lá vừa bán được bông, nên người nông dân trồng hẹ cũng có thu nhập ổn định quanh năm.

Nông dân Lâm Văn Phấn, ấp Tắc Gồng, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Tiền lời kiếm được, ngoài chi tiêu trong gia đình, ông Phấn để dành một phần ủng hộ cho các hoạt động xã hội từ thiện ở địa phương. Nhiều năm qua, ông Phấn thường xuyên vận động nhân dân quyên góp tiền, nhu yếu phẩm giúp đỡ cho những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Tính ra, ông đã vận động trợ giúp thường xuyên cho 25 trường hợp, mỗi trường hợp 30kg gạo/tháng; ông còn đóng góp xây mới và sửa chữa 4 cây cầu nông thôn và thường xuyên tặng quà cho bà con nghèo trong xã nhân các dịp lễ, Tết. Là người có uy tín trong đồng bào Khmer, ông Phấn tích cực tham gia cùng các ngành, đoàn thể hỗ trợ, giúp đỡ về nguồn vốn phát triển sản xuất cho hộ khó khăn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi cho nông dân trên địa bàn xã.

Nâng chất nông sản địa phương

Sử dụng nông sản địa phương, ông Trang Minh Trí - chủ cơ sở bún khô - mì nui Thanh Đại, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã làm ra sản phẩm mì nui đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để sản xuất ra sợi bún, mì nui ngon, bảo quản được lâu thì nguyên liệu (gạo) là yếu tố quyết định. Nhưng không phải loại gạo nào cũng có thể cho ra sợi bún, mì nui đạt tiêu chuẩn. Sau khi thử nghiệm nhiều loại gạo, ông Trí chọn loại gạo 504 cũ sản xuất tại Sóc Trăng làm nguyên liệu chính cho các sản phẩm bún khô và mì nui. Ông còn cho biết, ngoài yếu tố nguyên liệu, để sản phẩm đạt chuẩn thì khâu sấy và nhiệt độ cũng rất quan trọng. Vì nếu sấy không đủ thời gian, nhiệt độ thì không bảo quản được lâu, còn sấy quá nhiệt độ thì sợi bún sẽ bị giòn, dễ gãy, hao hụt…

Ông Trang Minh Trí, chủ cơ sở bún khô - mì nui Thanh Đại, ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Để làm nên thương hiệu sản phẩm địa phương cũng như vinh dự được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022 là cả một quá trình dài đầy khó khăn, thử thách. Theo ông Trang Minh Trí, năm 1995, ông lên nhà người chú tại Thành phố Hồ Chí Minh ở nhờ để đi học. Nhà chú của ông làm nghề sản xuất bún khô, mì nui, nên sau giờ học ông phụ chú một số công việc tại cơ sở. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông vì không có điều kiện học lên tiếp, nên ông lấy bún khô, mì nui từ cơ sở của chú về các tỉnh miền Tây bán kiếm thêm thu nhập và nghề sản xuất bún khô, mì nui cũng “bén duyên” với ông từ đó.

Với chất lượng sản phẩm được người tiêu dùng công nhận, hiện nay sản phẩm bún khô, mì nui của cơ sở ông Trí đã có mặt khắp các tỉnh, thành phố trong khu vực. Bình quân mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 20 tấn thành phẩm bún khô, mì nui. Doanh thu mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ sở của ông Trí đã giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Thầy giáo làm kinh tế giỏi

Cũng như nhiều hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong tỉnh, ông Phan Văn Thế, ở ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã và đang góp sức mình cho sự phát triển của địa phương. Không chỉ đổi mới tư duy, nắm bắt kinh tế thị trường, làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Dù công việc giảng dạy của một giáo viên đã chiếm phần lớn thời gian, nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, ông Thế luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng. Không chỉ là một giáo viên tâm huyết với nghề, ông còn là hội viên nông dân tích cực trong các phong trào thi đua của các cấp hội. Với mô hình trồng vú sữa tím xuất khẩu xen măng cụt, cây lê ki ma, dừa xiêm đã mang về thu nhập cho gia đình ông hơn 1 tỷ đồng/năm.

Ông Phan Văn Thế, ấp 3, xã Trinh Phú, huyện Kế Sách (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

“Tôi nhận thấy rằng, muốn đạt được hiệu quả kinh tế cao, ngoài việc siêng năng chí thú làm ăn còn phải biết cách nắm bắt thị trường. Để sản phẩm đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn của doanh nghiệp, thương lái, tôi luôn tuân thủ đúng theo hướng dẫn quy trình VietGAP, áp dụng kỹ thuật canh tác mới vào sản xuất nhằm nâng cao mẫu mã, chất lượng, tạo ra sản phẩm an toàn. Cải tiến về kỹ thuật canh tác, thông qua việc tiếp cận chuyển giao khoa học kỹ thuật từ các nhà khoa học, kinh nghiệm nhà vườn; nâng cao chất lượng, sản xuất ra sản phẩm sạch chính là yếu tố quan trọng, quyết định hàng đầu, làm nên thương hiệu vú sữa tím Trinh Phú”, ông Thế cho biết.

Ngoài làm giàu cho bản thân, ông Thế còn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nhiều nông dân ở địa phương và tạo việc làm cho nhiều lao động, cũng như giúp đỡ cho nhiều hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật...

Trở thành nông dân sản xuất giỏi từ mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ sinh học

Ông Trần Quang Cần, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) được nhiều người biết đến là một điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, cấp Trung ương. Hiện nay, ông đang là chủ sở hữu của 15ha ao nuôi tôm thẻ và tôm sú, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm.

Ngoài nuôi tôm, gia đình ông còn mua bán tôm thương phẩm và kinh doanh thức ăn thủy sản, vừa sử dụng cho gia đình, vừa cung cấp, hỗ trợ cho bà con nuôi tôm ở địa phương. Từ mô hình sản xuất, kinh doanh của gia đình, ông Cần đã giúp cho 50 lao động có việc làm thường xuyên.  

Ông Trần Quang Cần, ấp An Nghiệp, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng). Ảnh: HUỲNH NHƯ

Là Giám đốc Hợp tác xã Hưng Phú (chuyên về nuôi tôm), ông đã giúp đỡ, hỗ trợ bà con xã viên trong sản xuất và chế biến tôm một gió, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho xã viên. Vừa qua, Hợp tác xã Hưng Phú đã được cấp mã số vùng nuôi, ứng dụng tem truy xuất điện tử, sản phẩm tôm một gió đạt OCOP tiêu chuẩn 4 sao.

Hiệu quả của phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” đã góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, kinh tế đảm bảo, đời sống người dân ấm no. Nhiều tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang góp sức người, sức của vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Người nông dân chủ động học hỏi, giúp đỡ nhau về kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, thay đổi tư duy làm nông nghiệp gắn với tiêu thụ hàng hóa, phù hợp với kinh tế thị trường.

Để phong trào tiếp tục được triển khai sâu rộng, hiệu quả, phát huy vai trò của nông dân trên tất cả các lĩnh vực, hội nông dân các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của hội viên về sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa có liên kết và tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà phân phối với nông dân; vận động hội viên tích cực tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của tỉnh và chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế của từng địa phương.

HUỲNH NHƯ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: