• Thi đua - Khen thưởng

Tết đến “xông đất” Nông dân Việt Nam xuất sắc và Nghệ nhân Quốc gia năm 2023

11/02/2024 04:55 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/02/2024 | 04:55

STO - “Nông dân Việt Nam xuất sắc” và “Nghệ nhân Quốc gia” là những danh hiệu vô cùng cao quý. Năm 2023, ông Nguyễn Hữu Công và bà Trương Thị Bạch Thủy là những người đạt được danh hiệu này. Họ là những tấm gương nông dân, phụ nữ cần cù, sáng tạo, năng động lao động sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp, văn minh.

NÔNG DÂN VIỆT NAM XUẤT SẮC NGUYỄN HỮU CÔNG TỪ “KHÔNG” ĐẾN “CÓ”

Ông Nguyễn Hữu Công (Sáu Công), sinh năm 1963, ở xã Song Phụng, huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã lai tạo thành công giống từ dây nhãn lồng qua chanh dây để tạo ra giống chanh leo ngọt mang thương hiệu độc quyền “Chanh leo ngọt Sáu Công” cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhờ thành công đó, ông Nguyễn Hữu Công trở thành 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

Trong không khí ấm áp của những ngày giáp tết Nguyên đán 2024, chúng tôi có dịp đến tham quan mô hình trồng chanh leo ngọt của ông Nguyễn Hữu Công. Bên tách trà đậm vị, ông Sáu Công tâm tình: “Năm 1989, vợ chồng tôi được cha mẹ hai bên cho ít đất ruộng và vốn để làm ăn. Xuất phát từ gia đình thuần nông nên vợ chồng tôi cần cù lao động, học hỏi kinh nghiệm về khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả để từ đó đúc kết và ứng dụng phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình”. Qua gần 35 năm cần cù, chịu khó, ông Sáu Công đã có trong tay 3,5ha đất chia làm 2 vườn chanh leo ngọt lúc nào cũng trĩu quả ở ấp Phụng Sơn, xã Song Phụng, huyện Long Phú.

Ông Nguyễn Hữu Công là 1 trong 100 nhà nông tiêu biểu cả nước được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”. Ảnh: QUANG BÌNH

Chia sẻ về “cơ duyên” với chanh leo ngọt, ông Công bật mí: “Vào năm 2015, tôi đặt mua trên mạng 10 hạt giống chanh leo về trồng, song chỉ có 3 dây cho trái, trong đó có một dây cho trái vị ngọt thanh, mùi thơm đặc biệt, không giống như những loại chanh leo khác. Sau đó, tôi nhờ một số giáo viên ở Trường Đại học Cần Thơ chỉ dẫn kỹ thuật ghép cây thân leo để nhân giống chanh leo lạ. Sau đó, trong một lần đi vườn, tôi thấy trái nhãn lồng chín nên nảy ra ý định ghép dây chanh leo với gốc nhãn lồng, bởi đây là loài cây hoang dã, trái chín có vị ngọt lại là thân leo nên có khả năng ghép với chanh leo. Nghĩ là làm, tôi bắt đầu nghiên cứu ghép thân chanh leo vào gốc nhãn lồng với tham vọng tạo ra giống chanh có vị ngọt”.

Sau nhiều lần thử nghiệm thất bại, đến năm 2019, những dây chanh leo đặc biệt do ông Sáu Công tạo ra bắt đầu cho trái. Đợt đầu cho thu hoạch với khoảng 200kg trái chín, khi ăn thử, ông Công vỡ òa cảm xúc vì trái chanh leo có vị ngọt thanh, chua nhẹ, thoảng mùi thơm của trái nhãn lồng, khác biệt so với các loại chanh leo hiện có. “Từ vài chục dây chanh leo đầu tiên, tôi tiếp tục nhân giống để trồng 200 gốc chanh leo mới. Đây được định hướng là vườn cây đầu dòng cho việc nhân giống loại chanh leo lạ. Và điều đặc biệt là tôi nhân giống bằng cách ghép thân chanh leo và nhãn lồng chứ không dùng hạt, vì nếu dùng hạt, phẩm chất nổi trội của cây sẽ không giữ được. So với các giống khác, chanh leo ngọt do tôi tạo ra có sức sống mãnh liệt, dễ chăm sóc do được ghép với loài cây dại”, ông Sáu Công cho biết thêm.

Trong quá trình trồng trọt, ông Sáu Công đã áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, tem, nhãn, bao bì… Song song đó, ông luôn tìm ra cách giảm chi phí và nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm bảo quản được lâu hơn, chất lượng hơn và được UBND tỉnh Sóc Trăng công nhận sản phẩm “Chanh leo ngọt Sáu Công” đạt 3 sao OCOP vào đầu năm 2021 và được công nhận sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Hiện mỗi năm, ông bán ra thị trường khoảng 6.000 dây chanh leo ngọt, với giá 80.000 - 100.000 đồng/dây. Mỗi tháng ông bán ra thị trường hơn 3 tấn trái với giá 80.000 - 120.000 đồng/kg tổng thu nhập trên 2,7 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho hơn 65 lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Với những kết quả đạt được trong sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Công được công nhận là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” cấp tỉnh, cấp Trung ương nhiều năm liền và được nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt mới đây, ông Nguyễn Hữu Công đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023”.

NGHỆ NHÂN QUỐC GIA TRƯƠNG THỊ BẠCH THỦY - NGƯỜI “THỔI HỒN” VÀO TRE

Bằng đôi tay khéo léo và óc sáng tạo, Nghệ nhân Quốc gia Trương Thị Bạch Thủy ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đã chế tác ra được những sản phẩm độc đáo từ cây tre nức tiếng gần xa.

Nếu có dịp đến xã Phú Tân, huyện Châu Thành hỏi thăm chị Bạch Thủy thì không ai không biết, bởi chị chính là Nghệ nhân Quốc gia chuyên về đan đát hàng đầu với những sản phẩm được làm từ thân cây tre rất độc đáo, đẹp mắt và rất có “hồn”. Qua trò chuyện được biết, chị Bạch Thủy, sinh năm 1984 và lớn lên trong gia đình Khmer có nghề truyền thống đan đát ở xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu). “Trước đây, tôi có học nghề thủ công mỹ nghệ ở các nghệ nhân, rồi tham gia các lớp thiết kế, mỹ thuật. Với niềm đam mê, cần cù và chịu khó nên tôi đã thành công và được nhiều người biết đến với nghề kinh doanh các sản phẩm tre, mây mỹ nghệ. Tuy nhiên, do sự biến động của thị trường, các sản phẩm đan đát thủ công đã không trụ được với sự cạnh tranh từ các mặt hàng gia dụng làm từ nhựa nên tôi cùng gia đình đã phải rời làng nghề đến Sóc Trăng kinh doanh quán cơm. Tuy cuộc sống ổn định, nhưng tôi lúc nào cũng đau đáu nhớ về nghề đan đát truyền thống của gia đình…”, chị Bạch Thủy tâm tình.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ trái sang) đã đến chúc mừng, chia vui với Nghệ nhân Quốc gia Trương Thị Bạch Thủy (thứ 5 từ phải sang). Ảnh: THẠCH PÍCH

Và rồi cơ duyên cũng đến với chị Bạch Thủy khi phong trào khởi nghiệp và kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường ngày càng lan tỏa. Người tiêu dùng quay lại với các vật dụng làm từ tre, mây thì “ngọn lửa” nghề lại “bùng cháy” nên chị quyết định trở về quê nội là làng nghề đan đát xã Phú Tân để thành lập Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết. Sau đó, chị Bạch Thủy đã tìm hiểu và nắm được nhu cầu thị trường nên đã sản xuất ra những sản phẩm đan đát để đựng thức ăn, vật trang trí hay quà lưu niệm... rất được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. “Hiện tại, hợp tác xã có hơn 600 mặt hàng các loại, từ sản phẩm sinh hoạt, tiêu dùng, trang trí, du lịch đến tặng phẩm… được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang các nước khu vực Đông Nam Á và cả thị trường các nước châu Âu, với doanh thu vài tỷ đồng/năm. Hợp tác xã còn giải quyết việc làm ổn định cho 32 xã viên và hơn 60 hội viên phụ nữ vùng lân cận, bình quân thu nhập từ 7 - 10 triệu đồng/tháng”, chị Bạch Thủy thông tin.

Từ những kết quả đạt được với nghề đan đát, trong năm 2023, chị Trương Thị Bạch Thủy đã đạt giải nhất cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức. Và mới đây, chị được Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Quốc gia năm 2023” - đây là một danh hiệu cao quý dành cho những nghệ nhân trẻ có những tác phẩm nghệ thuật mang lại giá trị cao về cả mặt vật chất lẫn ý nghĩa về tinh thần. Với những thành tích này, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã đến chúc mừng, chia vui với cơ sở và cá nhân Bạch Thủy. Đồng thời mong rằng, trong thời gian tới, cơ sở của Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Với sự nỗ lực không ngừng, Hợp tác xã Mây tre đan Thủy Tuyết đã và đang ngày càng phát triển vững mạnh. Nghệ nhân Quốc gia Trương Thị Bạch Thủy chia sẻ: "Những thành quả này chỉ là bước đệm ban đầu để hợp tác xã ngày càng vươn cao, vươn xa hơn nữa. Bản thân tôi cùng các xã viên sẽ không ngừng nỗ lực để tạo ra những tác phẩm đẹp, độc đáo, có “hồn” để làm đẹp cho đời và “giữ lửa” cho làng nghề truyền thống của quê hương mình ngày càng phát triển".

QUANG BÌNH

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: