• Thông tin đối ngoại

Sóc Trăng phát triển mạnh diện tích sản xuất lúa đặc sản

17/10/2023 05:07 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 17/10/2023 | 05:07

STO - Sóc Trăng có diện tích gieo trồng lúa hằng năm trên 317.000ha, sản lượng đạt trên 2 triệu tấn. Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, trong những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản. Qua các giai đoạn năm 2012 - 2015, năm 2016 - 2020 và năm 2021 - 2025 thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh đã đạt một số thành tựu nổi bật, với diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại từng bước nâng lên từ 66.018ha (năm 2012) đến nay đã đạt 188.000ha.

Dự án Phát triển sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng được triển khai từ năm 2012 tại 6 huyện, 1 thị xã gồm: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và thị xã Ngã Năm. Theo từng giai đoạn thực hiện, dự án đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất và lợi nhuận thông qua việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác lúa, giảm chi phí đầu tư mùa vụ lúa từ 15 - 20%. Lúa, gạo canh tác trong vùng dự án đạt chất lượng tốt, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Giá bán lúa đặc sản cao hơn so với lúa thường từ 700 - 1.500 đồng/kg. Dự án còn thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo mô hình kinh tế hợp tác, gắn với liên kết tiêu thụ lúa đặc sản.

Ông Kim Bươl, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú (Trần Đề) chia sẻ: “Tôi đã chuyển 6ha trồng lúa thường sang lúa đặc sản được 8 năm. Vào vụ Đông - Xuân, tôi sẽ chọn giống lúa ST25 để canh tác, vì thời điểm đó năng suất cao, giá bán tốt. Vụ lúa Hè - Thu năm 2023 này, tôi xuống giống lúa Đài Thơm 8. Hiện lúa đang thu hoạch, năng suất 6,5 tấn/ha, giá bán 8.300 đồng/kg, trừ chi phí lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha. Nhiều năm canh tác lúa đặc sản, tôi nhận thấy năng suất lúa cao và ổn định, lúa ít bị sâu bệnh tấn công, yên tâm đầu ra và giá bán cao hơn lúa thường”.

Ông Kim Bươl, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) có diện tích 6ha sản xuất lúa đặc sản đang giai đoạn thu hoạch vụ Hè - Thu năm 2023. Ảnh: THÚY LIỄU

Cũng hơn 5 năm qua, đến vụ là ông Sơn Đươl, ấp Đại Nôn, xã Liêu Tú (Trần Đề) xuống giống lúa đặc sản trên 3,5ha. Ông khoe trồng giống lúa ST25 vụ Đông - Xuân, năng suất đạt tới 8,5 tấn/ha, giá cao hơn lúa thường đến 2.000 đồng/kg. Vụ Hè - Thu trồng giống Đài Thơm, ông cũng bỏ túi hơn 40 triệu đồng/ha. Trò chuyện với chúng tôi, ông cười vui như Tết, nhanh miệng khoe: "Lễ Sene ĐôlTa năm nay, tôi tổ chức ăn mừng thật lớn vì lúa trúng mùa, trúng giá. Kinh tế gia đình có được như hôm nay là nhờ chuyển đổi trồng lúa đặc sản. Tới đây, tôi sẽ duy trì canh tác lúa đặc sản và tham gia vào tổ hợp tác trồng lúa tại địa phương".

Theo đồng chí Trần Vĩnh Nghi - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Sóc Trăng cho biết, sau 3 năm thực hiện dự án (giai đoạn 2012 - 2015), diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại đạt 126.728/70.000ha chỉ tiêu, vượt hơn 51% so kế hoạch, trong đó diện tích trồng lúa thơm ST từ 13.008ha tăng lên 19.704ha, giống Tài Nguyên mùa từ 6.711ha tăng lên 8.450ha. Đến giai đoạn 2016 - 2020, dự án được thực hiện tại 7 huyện, thị xã với diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại đã từng bước tăng dần từ 143.371ha (năm 2016) lên 153.983/137.500ha chỉ tiêu (năm 2020), vượt hơn 11% so kế hoạch, sản lượng đạt trên 1 triệu tấn (vượt trên 35% chỉ tiêu). Có 54 hợp tác xã, 371 tổ hợp tác trong nông nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với các doanh nghiệp, công ty, với diện tích trên 53.173ha.
 
Giai đoạn 2022 - 2025, mục tiêu của dự án là duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa đặc sản đến năm 2025 đạt 195.000ha, chiếm 60% diện tích gieo sạ lúa toàn tỉnh, sản lượng lúa đặc sản và chất lượng cao đạt 80% sản lượng lúa toàn tỉnh, trong đó ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST. Xây dựng 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản có liên kết tiêu thụ. Củng cố và nâng cao chất lượng 50 hợp tác xã trồng lúa đặc sản, trong đó 20 hợp tác xã sản xuất giống; xây dựng 80 mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.
 
"Tính riêng năm 2022, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp các địa phương vùng dự án thực hiện 2 mô hình sản xuất giống lúa thơm ST gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Châu Thành và huyện Trần Đề, với quy mô 20ha/mô hình. Xây dựng được 12/14 điểm mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện 8 mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, quy mô 20ha/mô hình. Trong năm 2023, Ban Quản lý dự án tiếp tục duy trì và phát triển diện tích sản xuất lúa đặc sản đạt 188.000ha, trong đó ưu tiên phát triển nhóm giống lúa ST đạt 37.500ha. Phát triển 21 vùng nguyên liệu lúa đặc sản với diện tích mở mới 1.400ha. Xây dựng 5 mô hình sản xuất giống lúa thơm ST gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Xây dựng 22 điểm mô hình canh tác lúa đặc sản thích ứng biến đổi khí hậu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Củng cố và nâng cao chất lượng 34 hợp tác xã trồng lúa đặc sản. Hỗ trợ xây dựng 3 nhãn hiệu cho hợp tác xã sản xuất lúa đặc sản của tỉnh Sóc Trăng…", đồng chí Trần Vĩnh Nghi cho biết thêm.
 
Với những hiệu quả đã mang lại, giúp bà con nông dân tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa diện tích canh tác lúa đặc sản, nhằm góp phần tạo đầu ra ổn định, bền vững cho sản phẩm lúa sau thu hoạch, cũng như đảm bảo lợi nhuận cho bà con trong từng mùa vụ canh tác lúa.
 
THÚY LIỄU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: