• Thương mại - Dịch vụ

Cục Thuế tỉnh:

Hưởng ứng Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”

16/08/2023 07:55 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 16/08/2023 | 07:55

STO - Cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mang lại nhiều tiện ích xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực thì sự bùng nổ của internet, mạng xã hội cũng mở ra cơ hội để các hình thức lừa đảo trên không gian mạng phát triển ngày càng tinh vi và đem lại những hệ lụy cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Việt Thống - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với 6 tháng cuối năm 2022. Đó là lý do mà Tổng cục Thuế vừa có văn bản đề nghị cục thuế các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức triển khai Chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, thông qua các phương tiện truyền thông của các cục thuế (email, website…) thông tin đến công chức, viên chức, người lao động của ngành nắm để phòng tránh. Bởi trong thời gian vừa qua, các sự cố lộ, lọt thông tin, dữ liệu cá nhân, lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng.

Tại tỉnh Sóc Trăng, Cục Thuế tỉnh cũng tập trung tuyên truyền, đăng tải cẩm nang “Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” thông qua email, trang thông tin điện tử, các nhóm zalo… để giúp công chức, viên chức, người lao động ngành thuế cũng như hộ kinh doanh, doanh nghiệp trong tỉnh kịp thời nhận diện, tránh rơi vào bẫy lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng.

Theo cẩm nang, có 3 nhóm lừa đảo chính, gồm: giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác, với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng, gồm: Người cao tuổi với 15 hình thức lừa đảo thường xuyên; trẻ em có 3 hình thức dẫn dụ trên mạng; sinh viên, thanh niên có 13 hình thức; các đối tượng công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng bị dẫn dụ với 19 hình thức; phụ huynh học sinh là 10 hình thức lừa đảo. Điển hình một số hình thức lừa đảo, như: “combo du lịch giá rẻ”; cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; “khóa SIM” vì chưa chuẩn hóa thuê bao; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả danh giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu; chiêu trò lừa đảo tuyển người mẫu nhí; thủ đoạn giả danh các công ty tài chính, ngân hàng; cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp (bảo hiểm xã hội, ngân hàng…); lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo tuyển cộng tác viên online…

3 kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Cẩm nang cũng đưa ra các dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh đối với từng hình thức lừa đảo. Cách xử lý khi đã bị lừa đảo và việc làm cần thiết nhất là phải liên hệ đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về an ninh mạng, an toàn thông tin, gồm: Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), hoặc Cục Cảnh sát hình sự (C02) trực thuộc Bộ Công an; hoặc tại mỗi địa phương, liên hệ phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) thuộc công an các tỉnh, thành phố. Cục An toàn thông tin (AIS), trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục An toàn thông tin là cơ quan quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin, điện thoại 024 3209 6789; email ais@mic.gov.vn. Bộ Tư lệnh tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Bộ Quốc phòng.

Bên cạnh đó, sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại 63 tỉnh, thành phố là cánh tay nối dài của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA), số điện thoại: 024 62901028; email info@vnisa.org.vn. Các doanh nghiệp an toàn thông tin của Việt Nam: Bkav, VNPT Cyber Immunity, Viettel Cyber Security, CMC Cyber Security, FPT IS, HPT, MISOFT và VNCS... Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin cho người dân trên không gian mạng do Cục An toàn thông tin (AIS) và Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì điều phối cùng 8 đơn vị sáng lập VNPT, Viettel, MobiFone, CMC, Bkav, VNG, TikTok và Cốc Cốc… để được hỗ trợ kịp thời.

Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng. Các cuộc tấn công mạng có xu hướng tập trung chủ yếu vào con người thay vì máy móc, thiết bị. Do vậy, việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và trang bị kỹ năng cho mỗi cá nhân để đảm bảo an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố rất quan trọng. Song song đó, bản thân mỗi công chức, viên chức, người lao động và người dân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác trước các hình thức lừa đảo, nhằm góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh cũng như của cả nước.

HOÀNG LAN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: