• Trong nước

Nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển

12/04/2024 13:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 12/04/2024 | 13:02
Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Nam
  • Giọng Nữ miền Bắc

STO - Sáng ngày 12/4, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến lần thứ nhất Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Dự tại điểm cầu tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở, ngành có liên quan.

Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP, ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW.

Đồng chí Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự họp tại điểm cầu UBND tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN NGUYÊN

Theo báo cáo của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về kết quả 5 năm thực hiện chiến lược, đến năm 2022 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 28 tỉnh ven biển theo giá hiện hành đạt mức 4.786 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,8% GDP cả nước. Tỷ trọng đóng góp GRDP của vùng ven biển lớn nhất là từ vùng Đông Nam Bộ (39,1%), tiếp đến là vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung (30,0%), vùng đồng bằng sông Hồng (19,2%) và đồng bằng sông Cửu Long (11,7%).

Trong những năm gần đây, nước ta đã xây dựng thêm nhiều nhà máy điện khí lớn với công nghệ mới, hiện đại. Tính đến hết năm 2022, ngành dầu khí đã khai thác được trên 425 triệu tấn dầu và khí ngưng tụ, trên 173 tỷ m3 khí thương phẩm, đóng góp khoảng 10% tổng thu ngân sách nhà nước. Năng lượng tái tạo bao gồm thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối đạt sản lượng khoảng 130 tỷ kWh, chiếm tỷ trọng gần 48% sản lượng điện phát của hệ thống điện Việt Nam.

Hiện cả nước có 12 khu bảo tồn biển được thành lập với tổng diện tích 206.224,93ha, trong đó có 185.000ha biển. Kinh tế hàng hải đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tính đến hết năm 2022, tổng số đội tàu biển Việt Nam là 1.477 tàu với tổng trọng tải 11,6 triệu DWT, tổng dung tích khoảng 7 triệu GT.

Đối với ngành thủy sản, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng từ 8,8 tỷ USD năm 2018 lên hơn 10,9 tỷ USD vào năm 2022, đã xuất sang 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sản lượng, giá trị nuôi trồng và khai thác hải sản tăng dần qua các năm, năm 2022 khai thác đạt trên 3,85 triệu tấn; sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 5,14 triệu tấn.

Hiện cả nước có 19 khu kinh tế ven biển nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha, trong đó 18 khu kinh tế đã được thành lập với tổng diện tích 857,6 nghìn ha. Tính đến hết năm 2022, các khu kinh tế ven biển cả nước có 553 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đạt 54,36 tỷ USD; có 1.604 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đạt 1.371.723,5 tỷ đồng. Theo quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/2010/QĐ-TTg, ngày 18/1/2010, tổng chiều dài đường bộ ven biển 3.041km, dự kiến đến năm 2025 cơ bản hoàn thành 1.700km đường ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang. Về hệ thống cảng biển, cả nước hiện có 110 cảng biển với tổng năng lực thông qua là 328.622.756 tấn/năm, tổng diện tích các cảng là 1.998ha…

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, để thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển cần phải nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, Ban chỉ đạo phải quan tâm đến trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, các bộ, ngành cần hoàn thiện, triển khai quy hoạch ngành bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tăng cường tính liên kết trong việc phát triển các ngành kinh tế gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Tài chính nghiên cứu đưa cơ chế chính sách, nguồn vốn để triển khai các đề án, dự án, nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển; Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện tuyên truyền, truyền thông về các chủ chương, chính sách, các nội dung của quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng biển; Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ để tham mưu, đề xuất cho Ban chỉ đạo những nhiệm vụ có tính đột phá; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các địa phương thực hiện phát triển nuôi trồng thủy sản. Các địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, giải pháp nêu tại Nghị quyết Trung ương và Chính phủ; chủ động bố trí, huy động mọi nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển…

XUÂN NGUYÊN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: