• Văn hóa - Thể thao

Năm Thìn nói chuyện con rồng trong văn hóa Việt Nam

11/02/2024 03:05 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 11/02/2024 | 03:05

STO - Mỗi độ Tết đến, xuân về hay trong những ngày tổ chức các sự kiện quan trọng như: lễ hội, khai trương, khánh thành… người Việt thường tổ chức múa lân - sư - rồng rất hoành tráng, long trọng, trong đó màn múa rồng là quan trọng nhất với một tập thể đoàn kết, sáng tạo, nhanh nhẹn và dũng mãnh.

Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt. Hình tượng rồng đã xuất hiện từ thời đại Hùng Vương qua con vật thân dài có vảy được chạm trên các đồ đồng. Đến nay, vẫn còn tồn tại nhiều giả thiết về nguồn gốc của rồng. Song dù có lý giải thế nào thì trong tâm thức của người Việt, rồng là bản mệnh của thần, là biểu tượng của nhất nguyên vũ trụ, hội tụ cả âm - dương, trời - đất, có ảnh hưởng và chi phối mạnh mẽ tới nông nghiệp lúa nước.

Nhìn từ góc độ văn hóa, rồng là nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, nhất là trong nghệ thuật tạo hình của người Việt. Con rồng đã từng là một linh vật trong tín ngưỡng sơ khai của người Việt Nam. Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, được chạm trên các đồ đồng, đặc biệt là trên trống đồng. Rồng ngự trị trong tâm thức người Việt như một linh vật đặc biệt, là “vạn vật chi đế”, là biểu tượng cộng gộp tất cả các ước vọng tốt đẹp nhất của cuộc sống nhân sinh. Rồng được cho là biểu trưng của sự mạnh mẽ, hùng tráng, là uy lực bất bại trước kẻ thù.

Thạc sĩ Trần Minh Thương - Phân hội trưởng Phân hội Văn nghệ dân gian tỉnh Sóc Trăng cho rằng: “Con rồng là con vật tưởng tượng từ thời xa xưa. Trước hết, rồng là biểu tượng của sự cao quý của vua chúa. Những từ Hán Việt có thành tố long - rồng gắn liền với vật dụng, hình dáng, hành động của vua: long ngai, long ỷ, long nhan, long cổn, long bào… Đối với dân gian, rồng còn là biểu tượng của sức mạnh siêu nhiên hung tợn. Trong tâm trí của người bình dân, nhiều khi con rồng cũng rất quen thuộc, đây là hiện tượng “dân chủ hóa” của cư dân vùng đất mới”.

Người Việt Nam luôn coi rồng là một biểu trưng của nguồn cội, của ý thức giống nòi và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc. Trong tâm thức dân gian Nam Bộ, rồng là biểu hiện của văn hóa cung đình, do vậy ca dao có câu “Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai”.

Tượng rồng tại nơi thờ tự. Ảnh: HOÀNG PHÚC

Ở chức năng tâm linh, rồng được hiểu là thần thánh, phần nhiều là thiện thần. Tuy nhiên, rồng thường được hiểu là gắn liền với chức năng ổn định tâm lý và giáo dục con người (tu tâm dưỡng tính, gửi gắm niềm mong mỏi một cuộc sống tốt đẹp hơn...) là chính. Trong xã hội đương đại vẫn còn dấu vết của hiện tượng tin trọng biểu tượng rồng, chẳng hạn chuyện chọn năm Thìn để sinh con, hoặc chọn ngày giờ phù hợp sinh con để được quẻ Thuần Rồng (trong Tử vi); chuyện dùng nước “giếng rồng” để chữa bệnh; quan niệm ăn thịt rồng (thực chất là thịt rắn), trứng rồng (trứng đà điểu) để trường sinh bất lão; chuyện cúng tế “cù long” (rồng cù dậy) trong những ngôi nhà nền đất mặt sần sùi giống vảy rồng do đi lại lâu ngày tạo nên…

Thạc sĩ Võ Thành Hùng - hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: “Người Việt từ xa xưa đã tạo ra biểu tượng rồng như là một biểu hiện của khát vọng vươn lên chinh phục tự nhiên và chinh phục chính mình. Cùng với thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” biểu tượng rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau như: thời Lý, Trần, rồng đã được đặt ở những vị trí trang trọng nhất ở các công trình nghệ thuật, như trên bệ tượng Phật A Di Đà chùa Phật Tích, ở tháp Chương Sơn, chùa Phổ Minh. Vào thời Trần, về kiểu dáng cơ bản rồng vẫn như rồng Lý, vẫn có chất phóng khoáng, thoải mái, tươi mát, uốn sóng nhỏ dần, nhưng đã có một số thay đổi, như, cái đẹp lúc này toát ra trong tính hiện thực và sự mập khỏe, các chi tiết gắn với những yếu tố thực của các con vật, dáng trùng trục, đẫy đà nhiều sức sống. Thời Lê Sơ, rồng vẫn luôn có mặt ở vị trí xứng đáng của mình. Thời kỳ này, ta thấy hình tượng rồng phổ biến trên các bia đá như đôi rồng đá ở Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, rồng đá trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.

Con rồng phổ biến trong dân gian, trong văn hóa Việt Nam tuy đơn giản, nhưng vô cùng linh hoạt và điệu nghệ. Nhiều vật thể đã được người nghệ sĩ tài hoa cách điệu hóa thành rồng để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ và thỏa mãn ước vọng thăng hoa. Một đóa hoa, một nhành lá, một cành mai, một thân trúc, một gốc tre đều có thể kiểu thức hóa thành rồng. Cho nên, dù được trang trí ở đâu (trong cung đình, ngoài dân gian) và bất cứ thời đại nào, hình ảnh con rồng vẫn luôn đi kèm với mây trời và sông nước. Rồng đã trở thành phúc thần của người làm lúa nước và là bản mệnh của người làm vua. Con rồng bước ra khỏi cung đình, đền chùa, vào văn thơ dân gian rồi sống động, tưng bừng với “múa rồng” trong các lễ hội trên mọi miền đất nước.

Ngày nay, bước vào thời đại công nghiệp, kỹ thuật số, người Việt không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được ngưỡng mộ đưa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau. Rồng được trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ; rồng được thêu trên áo dài của các nhân vật nổi tiếng…

Trong suốt bốn nghìn năm văn hiến, kể từ thời các vua Hùng dựng nước đến nay, con rồng Việt luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt; là biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ, niềm tự hào dân tộc của người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và nhất là trong năm 2024 này với mong muốn một năm mới Giáp Thìn - Rồng bay.

HOÀNG PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: