• Văn hóa - Thể thao

Thăm Nhà lưu niệm Nhà văn Sơn Nam

09/04/2024 04:13 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 09/04/2024 | 04:13

STO - Trong một lần về Mỹ Tho, tôi có ghé thăm Nhà lưu niệm Nhà văn Sơn Nam ở ấp 4, xã Đạo Thành, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang). Nhà lưu niệm do con gái của nhà văn là bà Đào Thúy Hằng cùng chồng là ông Trần Đức Nghi xây dựng từ năm 2009 và khánh thành vào năm 2010. Các con của nhà văn rất tâm đắc với công việc này, đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhà lưu niệm trước sự bất ngờ của không ít người.

Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang). Do lý do riêng, các con của ông đều mang họ mẹ. Sinh thời, nhà văn sống ở nhiều nơi nên việc sưu tầm các vật dụng liên quan đến nhà văn gặp không ít trở ngại. Ngay các đầu sách của ông xuất bản rất nhiều nhưng lúc nhà văn còn sống vẫn không được lưu trữ đầy đủ. Một số đầu sách tác giả muốn tái bản phải mượn lại của bạn bè hay độc giả. Có cuốn xuất bản đã quá lâu giờ muốn tìm lại cũng không ra.

Nhà lưu niệm Nhà văn Sơn Nam ở ấp 4, xã Đạo Thành, thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang).

Trên khu đất 1.500m2, nhà lưu niệm được xây dựng với kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống ở Nam Bộ với ba gian nằm bên bờ kênh Bảo Định mang nét mộc mạc, phong cảnh hữu tình nhưng rất giản dị như cuộc đời của ông. Trước nhà phía bên trái có bức phù điêu bằng đá tạc chân dung nhà văn do họa sĩ Nguyễn Sáng thực hiện rất sống động. Phía bên phải, có một phiến đá chạm thủ bút của nhà văn với bài thơ “Thay lời tựa” trong tác phẩm “Hương rừng Cà Mau”. Ông muốn nhắc đến hình ảnh những con người ngày trước đi khẩn hoang vùng đất phương Nam với biết bao cực khổ. Cả đời nhà văn chỉ làm có một bài thơ được công bố nhưng bài thơ đó thật súc tích được nhiều độc giả ưa thích như văn của ông vậy. Bài thơ đó, có hai câu thơ thật hay: “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.

Người đến thăm nhà lưu niệm phần đông là những người từng biết ít nhiều về “Ông già đi bộ”, trong đó có không ít là những độc giả yêu mến văn chương của ông. Đây là địa chỉ văn hóa của tỉnh Tiền Giang. Hiện vật ban đầu không có nhiều nhưng dần dần được bạn bè, độc giả đã đến tặng nhiều hiện vật liên quan đến nhà văn. Đó là tình cảm làm ấm lòng những người thực hiện.

Trong hoạt động nghề nghiệp, nhà văn thường dành nhiều thời gian đến nhiều địa phương để tìm tài liệu cho việc khảo cứu. Đối với ông đi và viết còn là công việc hỗ trợ lẫn nhau trong sáng tác, biên khảo. Lần nào đến Sóc Trăng, ông cũng đều đến thăm Nhà văn Nguyễn Tử Quang. Hai người từng là bạn thân thiết cùng hoạt động báo chí chung tòa soạn lúc còn trẻ. Mỗi lần đến, ông đều ở lại chơi một vài ngày. Nhà văn Nguyễn Tử Quang nhắn tôi đến nhà chơi, nhờ vậy tôi mới có dịp được tiếp xúc với ông được vài lần. Tính cách ông giản dị, thân tình. Đọc các tác phẩm của ông lúc còn đi học, qua những trang văn toàn những hình ảnh, câu chuyện về thời lưu dân khai phá vùng đất mới, ngày đó tôi rất thích. Nhà văn viết rất khỏe, ông sử dụng lời ăn tiếng nói của người miền Tây sông nước đưa vào trang văn rất thuần thục.

Năm 2008, ông mất trong niềm tiếc thương vô vàn của gia đình, bạn bè và độc giả. Ông được nhiều bạn văn kính trọng không những vì tài năng mà còn ở nhân cách giản dị. Tính đến nay, ông đi xa 16 năm, để lại cho đời nhiều tác phẩm giá trị. Hiện nay, các tác phẩm của ông được tái bản đều đặn. Những tác phẩm dù sáng tác hay biên khảo sẽ còn sống rất lâu trong lòng bạn đọc gần xa.

Văn học Việt Nam ngày trước có nhiều khuôn mặt xuất sắc xuất thân gốc gác ở miền Nam. Đó là Nhà văn Hồ Biểu Chánh, sau này có thêm nhiều cây bút nổi bật như Nhà văn Bình Nguyên Lộc, Phi Vân, Sơn Nam… Mỗi người mỗi vẻ, cùng góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà.

TUẤN BA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: