• Văn hóa - Thể thao

Thơ ca, tiếng nói muôn thuở của tâm hồn con người

22/02/2024 14:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 22/02/2024 | 14:30

STO - Từ xa xưa, khi ngôn ngữ còn in dấu sơ khai, thơ đã cất tiếng hát, là tiếng lòng của con người trước vũ trụ bao la, là rung động trước muôn màu cuộc sống. Khái niệm "thơ" là một phạm trù rộng lớn và đa chiều. Mỗi người có thể có cách hiểu và cảm nhận riêng về thơ. Tuy nhiên, dù được định nghĩa theo cách nào, thơ vẫn luôn là tiếng nói của tâm hồn, là nguồn cảm hứng bất tận cho con người. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thơ ca vẫn giữ vị trí độc tôn trong kho tàng văn học, là minh chứng cho sức sáng tạo và trí tuệ phi thường của nhân loại.

Giao lưu với các nhà thơ và nhà nghiên cứu phê bình tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023. Ảnh: NGỌC NHÂN

Lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học đã chứng kiến vô số định nghĩa về thơ. Trong nền lí luận văn học cổ điển Trung Hoa, khái niệm "thơ" được đề cập từ rất sớm. Cách đây 1.500 năm, nhà văn học Lưu Hiệp đã phân tích ba phương diện cơ bản cấu thành một bài thơ: tình cảm/ ý nghĩa (tình văn), ngôn ngữ (hình văn) và âm thanh (thanh văn). Kế thừa quan niệm này, Bạch Cư Dị - nhà thơ đời Đường - đã khẳng định tầm quan trọng của các yếu tố tạo nên sức sống cho thơ: "Cái cảm hóa được lòng người chẳng gì trọng yếu bằng tình cảm, chẳng gì đi trước được ngôn ngữ, chẳng gì gần gũi bằng âm thanh, chẳng gì sâu sắc bằng ý nghĩa. Với thơ, gốc là tình cảm, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa.".

Với câu nói trên, Bạch Cư Dị đã đề cập đến những vấn đề căn cơ để tạo nên tác phẩm văn học nói chung và thơ ca nói riêng. Nền tảng của thơ là những rung động chân thực, là tiếng lòng của con người trước cuộc sống. Niềm vui, nỗi buồn, sự yêu thương, căm phẫn... tất cả đều có thể được thể hiện trực tiếp qua ngôn từ thơ ca. Chất liệu tạo nên hình hài cho thơ là ngôn từ. So với các thể loại văn học khác, ngôn từ thơ ca mang tính biểu cảm cao, sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, so sánh, thậm chí là phá vỡ cấu trúc ngữ pháp thông thường để tạo hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt. Nhịp điệu, vần điệu và tiết tấu là yếu tố tạo nên sự du dương, uyển chuyển cho thơ ca. Âm thanh gieo vần, nhịp điệu dồn dập hay nhẹ nhàng có thể dẫn dắt cảm xúc người đọc, khơi gợi những rung động thẩm mỹ sâu sắc. Thông điệp, giá trị tư tưởng mà bài thơ muốn truyền tải là "quả ngọt" mà người đọc thu nhận được sau khi thưởng thức thơ ca. Ý nghĩa có thể ẩn sâu trong từng câu chữ, hình ảnh, cũng có thể được thể hiện trực tiếp qua lời bình luận, cảm nhận của tác giả.

Thơ ca không chỉ là tiếng lòng của con người, mà còn là tấm gương phản chiếu cuộc sống muôn màu. Qua thơ ca, chúng ta có thể hiểu thêm về lịch sử, văn hóa, xã hội của các thời kỳ khác nhau. Thơ ca còn là nguồn động viên tinh thần to lớn, giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách, hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không

Cô em xóm núi xay ngô tối

Xay hết lò than đã rực hồng

(Hồ Chí Minh)

Một chữ “hồng” ở cuối bài thơ không chỉ sưởi ấm hình tượng cô gái lao động, người đi đường mà còn là cái nhìn lạc quan trước những chông gai trên con đường lao ngục.

Nhìn từ góc độ của các nhà hình thức chủ nghĩa, "thơ" được định nghĩa qua "tính thơ". Cách tiếp cận này có phần hạn hẹp bởi nó chỉ tập trung vào những đặc điểm cấu trúc, hình thức của thơ mà chưa chú trọng đầy đủ đến nội dung và giá trị tinh thần của nó. Bởi lẽ, trên thực tế, ý nghĩa của thơ thường vượt xa giới hạn của văn bản. Thơ không chỉ là những câu chữ, vần điệu mà còn là tiếng lòng, là sự đồng điệu giữa tâm hồn con người với thế giới xung quanh. Thơ có thể khơi gợi cảm xúc, gieo mầm suy tư, thậm chí là thay đổi cách nhìn nhận cuộc sống của mỗi người. Chẳng hạn, bài thơ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng không chỉ tái hiện hình ảnh bi tráng của người lính Tây Tiến qua hệ thống ngôn từ sinh động mà còn là tiếng nói tri ân, ngợi ca những người đã hy sinh cho Tổ quốc; bài thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của nhà thơ Hàn Mặc Tử là bức tranh tuyệt đẹp về cảnh vật và con người xứ Huế, đồng thời là lời thổ lộ tình yêu da diết của nhà thơ.

Ở khía cạnh khác, nhạc tính là một trong những đặc trưng cơ bản của thơ ca. Nó không chỉ góp phần làm cho bài thơ thêm du dương, uyển chuyển mà còn là phương tiện để nhà thơ thể hiện thế giới cảm xúc nội tâm phong phú và phức tạp của mình. Những xúc cảm của con người không chỉ được biểu hiện bằng ý nghĩa của từ ngữ mà còn bằng cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ kết hợp lại với nhau. Âm thanh và nhịp điệu có thể gợi ra những cảm xúc khác nhau và những suy tư triết lý đa chiều mà văn xuôi không làm được.

Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

(bài thơ ghi trên bia đá sông Thạch Hãn, Quảng Trị)

Dấu ba chấm ở dòng thơ thứ nhất vừa như tiếng kêu vọng, vừa như tiếng xoa dịu, vừa như tiếng dặn dò. Những cảm xúc và ý nghĩa đó không hề có mặt trên ngôn từ mà nó thấm từ cảm xúc của người đọc từ tiết tấu và nhịp điệu bài thơ.

Chính vì vậy, thơ ca có thể được phổ nhạc và bài ca có thể lấy thơ làm lời. Âm nhạc sẽ góp phần tô đậm thêm ý nghĩa của bài thơ, khơi gợi những cảm xúc sâu sắc hơn cho người đọc, người nghe. Bài thơ "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan khi được phổ nhạc đã trở thành một ca khúc bi tráng, đầy éo le của số phận những người. Có nhiều bài thơ khi phổ nhạc thì khán giả chỉ còn nhớ lời nhạc mà ít khi quan tâm lời thơ. Bài thơ "Quê hương" của nhà thơ Đỗ Trung Quân khi được phổ nhạc lại khiến cho người nghe chỉ nhớ giai điệu mà ít khi nhớ hết nội dung bài thơ. Nhạc tính không chỉ là một đặc trưng của thơ ca mà còn là một phương tiện nghệ thuật quan trọng để nhà thơ thể hiện tình cảm, tư tưởng của mình. Nhờ có nhạc tính, thơ ca trở nên gần gũi, dễ đi vào lòng người hơn.

Dù được sáng tác trong bất kỳ thời đại nào, theo khuynh hướng nào, thơ ca luôn mang trong mình vẻ đẹp nguyên thủy, gắn bó mật thiết với đời sống tâm hồn con người Việt Nam. Thơ ca như một nguồn sáng vĩnh cửu, luôn hướng tới sự phục sinh, tái tạo thế giới, đối lập với những gì xấu xa và gian tà. Vẻ đẹp của thơ ca chính là ánh sáng đẩy lùi bóng tối, là dòng nước mát tưới xanh tâm hồn con người. Thơ ca như vị thuốc chữa lành những vết thương lòng, đánh thức thiên lương, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Tìm hiểu về thơ ca là tìm đến sự tử tế, lương thiện, là hành trình bồi dưỡng tâm hồn và hoàn thiện bản thân. Những vần thơ sau đây của một nhà thơ Sóc Trăng không chỉ miêu tả cho bạn đọc đặc trưng của vùng đất nhiều lễ hội, đậm bản sắc văn hóa dân tộc mà còn đánh thức niềm tự hào của mỗi con người khi nghĩ về xứ sở quê hương.

Tôi về lại với mùa trăng cổ tích

Những con đường đất Sóc đã là hoa

Nghe thổn thức nhịp cồng khua vượt sóng

Đích đến đã gần kề lộng lẫy chiếc ghe ngo

(Hồ Trung Chính)

Như một đóa hoa thấm đẫm tình người, thơ ca mang trong mình sức mạnh to lớn, có khả năng tái tạo khả năng cảm xúc và suy tưởng. Thơ ca khơi gợi những giá trị tinh thần mới, vẽ nên một thế giới mới đẹp đẽ và nhân văn hơn. Sứ mệnh cao cả của văn học là hun đúc, bồi dưỡng và nâng cao kỹ năng, hoàn thiện đời sống tâm hồn con người. Thơ ca, với vẻ đẹp và khả năng vĩnh cửu của mình, đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện sứ mệnh ấy. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thơ ca vẫn giữ vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, là nguồn cảm hứng bất tận cho sáng tạo nghệ thuật và là di sản văn hóa vô giá của nhân loại.

TS. HUỲNH VŨ LAM

Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: