• Xây dựng Đảng

Đổi mới nhận thức lý luận về đội ngũ trí thức và tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức trong điều kiện phát triển mới của đất nước (kỳ 2)

30/09/2023 09:32 GMT +7
  • Nguồn: Tạp chí Cộng sản
  • Thứ Bảy, 30/09/2023 | 09:32

TCCS - Trong suốt tiến trình phát triển của nhân loại, trí thức luôn được đặt ở một vị trí đặc biệt và được xem là nền tảng của tiến bộ xã hội. Trí thức luôn có tầm ảnh hưởng lớn, trực tiếp dẫn dắt xu hướng phát triển của xã hội; là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tiếp nhận, truyền tải, lan tỏa, sáng tạo văn hóa, tri thức, đem tri thức phục vụ cho sự phát triển, tiến bộ, văn minh. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là cần tiếp tục tạo những điều kiện thuận lợi để tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam ngang tầm nhiệm vụ trong bối cảnh mới.

Những vấn đề đặt ra trong đổi mới nhận thức lý luận về đội ngũ trí thức

Thứ nhất, đội ngũ trí thức với tư cách chủ thể sáng tạo trong nền kinh tế tri thức và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Kinh tế tri thức là nền kinh tế dựa trực tiếp vào việc sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức, thông tin. Sự ra đời của kinh tế tri thức được xem là kết quả tất yếu của quá trình phát triển lực lượng sản xuất xã hội, được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là sự phát triển nhanh mang tính đột phá của công nghệ thông tin. Tuổi đời của các sản phẩm lao động ngày càng bị rút ngắn, trong khi tri thức được phổ biến ngày càng nhanh trên diện rộng thông qua không gian mạng và tạo ra sự bứt phá chưa từng có trong năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế(1). Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được xem là cuộc cách mạng số, vì thông qua công nghệ internet, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,... để chuyển hóa toàn bộ tri thức từ thế giới thực sang thế giới ảo. Trong cuộc cách mạng này, các yếu tố sản xuất vốn dĩ được xem là thế mạnh, như lực lượng lao động nhân công giá rẻ, sản xuất dựa trên khai thác tài nguyên thiên nhiên,... đã lạc hậu. Thay vào đó, yếu tố quyết định giá trị sản xuất chính là hàm lượng tri thức và khoa học, công nghệ. Bối cảnh này dẫn đến sự biến đổi sâu sắc về trình độ của lực lượng sản xuất và các quan hệ sản xuất trong đời sống xã hội hiện đại; trong đó, đội ngũ trí thức được xem là chủ thể sáng tạo tri thức, một nguồn lực cốt lõi góp phần tạo nên sự chuyển đổi chung của toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày các sản phẩm nghiên cứu, chế tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hoà Lạc _Ảnh: TTXVN

Trong khi đó, đội ngũ trí thức nước ta còn có những hạn chế nhất định, những nhân tố tinh hoa và hiền tài chưa nhiều, chuyên gia đầu ngành còn thiếu hụt nghiêm trọng; đội ngũ kế cận chưa thực sự được quan tâm vun đắp, bồi dưỡng; chưa có nhiều cá nhân và tập thể khoa học mạnh, có uy tín ở khu vực và trên thế giới; năng lực sáng tạo và thực hành, ứng dụng còn hạn chế. Một mặt, ở nhiều nơi, hoạt động nghiên cứu khoa học còn chưa xuất phát và chưa gắn với thực tiễn; số công trình, sáng chế được công bố trên thế giới còn ít, chưa có nhiều sáng tạo, phát kiến mang tính bứt phá. Mặt khác, nền kinh tế của nước ta vẫn còn trong tình trạng lạc hậu, trình độ khoa học - công nghệ chưa cao, việc áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất và đời sống còn nhiều bất cập(2). Để tránh nguy cơ tụt hậu của nguồn nhân lực, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay cần không ngừng tích lũy tri thức, kinh nghiệm, đổi mới và nâng cao chất lượng nghiên cứu trong điều kiện mới, không chỉ trong lĩnh vực chuyên môn nghề nghiệp, mà còn ở cả những lĩnh vực tri thức khác, tạo nền tảng để tiếp tục sáng tạo tri thức mới, cống hiến nhiều hơn cho đất nước trong thời gian tới.

Thứ hai, về liên minh công nhân - nông dân - trí thức trong điều kiện mới

Trong lý luận mác-xít, liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức là một nội dung quan trọng mang tính chiến lược. Nội dung cốt yếu nhất là: Giai cấp công nhân chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của mình khi liên minh với các giai cấp và tầng lớp khác, trước hết là giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Ngay từ khi ra đời, trong Cương lĩnh đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định: “Công nông là gốc cách mệnh”(3), còn trí thức - lúc này chủ yếu học trò, “là bầu bạn cách mệnh của công nông”(4). Bước sang thời kỳ đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tại Đại hội VII (năm 1991), Đảng ta khẳng định: “Giai cấp công nhân nếu không có đội ngũ trí thức của mình và nếu bản thân công - nông không được nâng cao kiến thức, không dần dần được trí thức hóa, thì không thể xây dựng được chủ nghĩa xã hội”(5). Như vậy, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, liên minh công - nông - trí vừa là một tất yếu khách quan, vừa là vấn đề mang tính chiến lược của cách mạng, nhất là ở những nước nông nghiệp lạc hậu(6).

Hiện nay, chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước làm cho quan hệ giữa các giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp ở nước ta ngày càng đa dạng, đa chiều, sinh động, vừa có xu thế hợp tác vì mục tiêu chung của đất nước, vừa có sự cạnh tranh, thi đua giữa các giai tầng(7). Trước mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đất nước trên nền tảng của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đội ngũ trí thức đã thể hiện được vai trò tiên phong, nòng cốt trong sáng tạo và truyền bá tri thức, góp phần trực tiếp nâng cao nội lực, vị thế của đất nước trên mọi phương diện.

Thực tiễn này khiến một số người đưa ra nhận định rằng, trí thức Việt Nam đang dần trở thành lực lượng chính trị - xã hội độc lập và sẽ là lực lượng lãnh đạo, dẫn dắt xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, cho dù vị trí, vai trò của trí thức có biến đổi, làm cho họ trở thành tầng lớp quan trọng đối với lực lượng sản xuất, nhưng trí thức vẫn chỉ là một tầng lớp tinh hoa của xã hội. Cho đến nay, trí thức Việt Nam vẫn không phải là lực lượng có xuất thân thuần nhất, mà xuất thân từ nhiều giai tầng xã hội khác nhau, làm việc ở nhiều lĩnh vực, loại hình, mô hình kinh tế, nên không thể là một lực lượng độc lập. Trí thức tham gia hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực lãnh đạo, quản lý, tổ chức xã hội, song không phải là lực lượng lãnh đạo xã hội. Chính quá trình tri thức hóa các lực lượng lao động xã hội khác đã tạo nên cơ sở để xây dựng khối liên minh công - nông - trí thống nhất, vững chắc; trong đó, trí thức đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, gắn bó chặt chẽ, đồng tâm hiệp lực với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và các lực lượng xã hội khác để cùng phục vụ công cuộc đổi mới đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Vì vậy, khối liên minh công - nông - trí vẫn là một vấn đề tất yếu, khách quan, cần thiết cho quá trình phát triển đất nước trong điều kiện mới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ, sâu rộng và trước những thách thức của nền kinh tế thị trường hiện nay, đội ngũ trí thức Việt Nam cũng đang bộc lộ những mặt hạn chế và có những khuynh hướng vận động chưa phù hợp. Đó là sự xuống cấp về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm xã hội, sự mơ hồ về lập trường chính trị, sự lệch lạc về tư tưởng, lối sống, chạy theo “văn hóa” lai căng, ưa vật chất, thực dụng, hưởng thụ,... do sùng bái thái quá hệ tư tưởng và giá trị phương Tây vốn không phù hợp với đặc điểm lịch sử - văn hóa dân tộc Việt Nam của một số trí thức làm suy giảm tính ưu việt, tích cực, tiên phong của đội ngũ trí thức và theo đó, sợi dây liên kết, gắn bó giữa trí thức với các giai tầng khác trong xã hội và với vận mệnh dân tộc cũng bị đe dọa. Điều này đang tạo ra những thách thức lớn đối với việc phát triển đội ngũ trí thức ở nước ta hiện nay.

Thứ ba, về nỗ lực tự phát triển của đội ngũ trí thức trong điều kiện mới

Nhìn vào chiều dài lịch sử dân tộc, có thể nhận thấy, dù ở bất cứ thời điểm lịch sử nào, dưới chế độ chính trị - xã hội nào, dù là phong kiến, thực dân hay khi bước sang thời kỳ cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội, tầng lớp trí thức Việt Nam luôn là lực lượng tích cực trong nhận thức và tổ chức các lực lượng xã hội tham gia thực hiện các nhiệm vụ do lịch sử giao phó. Họ luôn ý thức rất rõ về bản thân và vai trò của tầng lớp mình trong tổng thể các lực lượng xã hội và không ngừng nỗ lực trau dồi năng lực, trình độ, tri thức, phẩm chất tốt đẹp, tư tưởng tiến bộ cho bản thân; đồng thời, luôn khao khát, nỗ lực phổ biến, chia sẻ tri thức, nhân rộng lý tưởng, lan tỏa nhân sinh quan tốt đẹp và đoàn kết với các lực lượng khác. Theo đó, một cách vô hình trung, tầng lớp trí thức dần lớn mạnh và ngày càng trưởng thành, phát triển cùng lịch sử dân tộc.

Trong bối cảnh mới, Việt Nam thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế tri thức trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động và chi phối mạnh mẽ đến phương thức sản xuất của mọi quốc gia. Theo đó, trí thức trở thành bộ phận có vị trí trung tâm, vai trò tiên phong trong sự phát triển của xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu đội ngũ trí thức Việt Nam phải thực sự tích cực, chủ động, năng động, sáng tạo trong việc tích lũy, phát huy, ứng dụng tri thức vào cuộc sống và tự vun đắp tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lý tưởng cống hiến cho xã hội và đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ trí thức Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, như: Một số trí thức không thường xuyên học hỏi, trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, thiếu ý chí, dễ dao động, chưa có nhiều đột phá trong đổi mới sáng tạo, thiếu tầm nhìn chiến lược. Một bộ phận trí thức có trình độ học vấn cao, nhưng né tránh những vấn đề liên quan đến chính trị, thiếu trách nhiệm cộng đồng. Một số người có trình độ lý luận chuyên sâu, nhưng hiểu biết thực tiễn còn hạn chế. Một số trí thức sa sút về đạo đức nghề nghiệp, thực dụng, chạy theo đồng tiền mà đánh mất lương tri... Tình trạng đó đã làm cho hình ảnh của không ít trí thức bị méo mó trong nhận thức của xã hội, gây ra nhiều bức xúc và đặt ra vấn đề bức thiết trong công tác xây dựng đội ngũ trí thức, nhân tài cho đất nước hiện nay(8).

Bối cảnh, yêu cầu mới và định hướng tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong tình hình mới

Bối cảnh mới

Thứ nhất, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tiếp tục phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi cơ bản lực lượng lao động xã hội. Cuộc cách mạng này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự chuyển đổi nền kinh tế quốc gia theo mô hình kinh tế tri thức; theo đó, chuyển đổi từ mô hình dựa vào tài nguyên, thâm dụng lao động sang mô hình lấy tri thức, thông tin, năng lực đổi mới sáng tạo làm tư liệu sản xuất chủ yếu. Từ đó, dẫn đến những thay đổi trong cách thức sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, đặt ra yêu cầu phải thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực lao động trí óc, đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, đất nước ta đang tiến hành hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Hội nhập quốc tế được xem là một xu thế tất yếu, giúp mở rộng không gian phát triển của quốc gia; đồng thời, tạo cơ hội thu hút nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển kết cấu hạ tầng, công nghệ quốc gia, cũng như mở rộng “sân chơi” giao lưu, hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong nước. Tiến trình hội nhập quốc tế đang đặt ra những yêu cầu rất lớn đối với nguồn nhân lực Việt Nam, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, mà đội ngũ trí thức đóng vai trò nòng cốt.

Thứ ba, Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức. Sau hơn 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đất nước ta đã có bước phát triển vượt bậc và bước sang một thời kỳ phát triển mới - thời kỳ phát triển mạnh mẽ, toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(9). Những thành tựu đã đạt được tạo ra môi trường vô cùng thuận lợi để con người Việt Nam nói chung và cho đội ngũ trí thức nói riêng hoàn thiện, phát triển năng lực về mọi mặt và nâng cao vị thế xã hội của mình.

Thứ tư, trên thế giới và ở trong nước đang diễn ra nhiều biến động phức tạp, khó lường. Hiện nay, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt với những biến động, hiểm họa khắc nghiệt, như thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dịch bệnh, xung đột vũ trang, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng kinh tế, chính trị... Bên cạnh đó, còn có sự xâm lấn, đan xen của các luồng tư tưởng, hệ giá trị khác nhau, nhất là trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu. Các thế lực thù địch đang triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội, để đẩy mạnh các hoạt động “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta, truyền bá những quan điểm sai trái, lôi kéo trí thức, văn nghệ sĩ, lợi dụng bộ phận trí thức cực đoan, bất mãn để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng xóa bỏ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Yêu cầu mới

Trước bối cảnh mới, đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời gian tới cần phải phát triển đủ mạnh, đủ tầm để tận dụng thời cơ, vượt lên thách thức, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, hoàn thành sứ mệnh lịch sử to lớn của mình. Cụ thể như sau:

Một là, đội ngũ trí thức cần bảo đảm về số lượng. Muốn xây dựng được một đội ngũ trí thức bảo đảm về số lượng, trước hết phải căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Thiếu lực lượng trí thức cần thiết thì không thể phát huy được đầy đủ vai trò của nguồn nhân lực quốc gia. Vì vậy, cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực trí thức lâu dài, bảo đảm tỷ lệ cân đối giữa nguồn nhân lực trí thức và các nguồn nhân lực khác, sao cho đội ngũ trí thức thực sự phát huy được vai trò của mình.

Hai là, đội ngũ trí thức cần có trình độ chuyên môn sâu, phông kiến thức rộng, phong phú và năng lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Đội ngũ trí thức cần được trang bị đầy đủ về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nắm vững kiến thức cơ bản về lý luận chính trị và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, không chỉ có năng lực tiếp nhận tri thức, mà còn phải có khả năng ứng dụng, đổi mới sáng tạo, phát minh, phát kiến, có sự bứt phá để đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển toàn diện, độc lập, tự chủ của đất nước.

Ba là, cần bảo đảm cơ cấu phát triển cân đối, hợp lý của đội ngũ trí thức. Cơ cấu phát triển cân đối, hợp lý là điều kiện để đội ngũ trí thức phát huy được tiềm năng của từng bộ phận trí thức, bởi lực lượng trí thức là một chỉnh thể bao gồm các bộ phận trí thức hợp thành và khi các bộ phận trí thức có cơ cấu phát triển cân đối, hợp lý thì bản thân từng bộ phận trí thức sẽ phát huy được tiềm năng, sức sáng tạo của mình trong lao động, kéo theo tổng thể đội ngũ trí thức phát huy được vai trò của mình trong tiến trình phát triển của quốc gia - dân tộc.

Bốn là, đội ngũ trí thức cần được tiếp tục chú trọng bồi dưỡng, giáo dục về chính trị, tư tưởng, để họ luôn có lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lý tưởng, có niềm tin mãnh liệt vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào sự lãnh đạo của Đảng; có tinh thần sẵn sàng cống hiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là một yêu cầu quan trọng để trí thức có thể đảm nhận vai trò và phát huy được vai trò của mình. Nếu không bảo đảm được yêu cầu này, thì cho dù cá nhân trí thức có tài giỏi bao nhiêu đi nữa, nhưng nếu không vì lợi ích quốc gia - dân tộc, không đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết, thì sự tài giỏi đó cũng chỉ làm lợi cho cá nhân họ, chứ hoàn toàn không đem lại sự phồn thịnh của quốc gia.

Định hướng tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong tình hình mới

Định hướng chung: Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) đã xác định 12 định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh hai nội dung mang tính nền tảng, đó là: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số” và “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”(10). Để thực hiện được những định hướng chiến lược này, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới”(11).

Do đó, trước tình hình mới, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là cần xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam lớn mạnh, có số lượng và cơ cấu hợp lý, có chất lượng cao toàn diện, đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, tiến lên ngang tầm với trình độ của đội ngũ trí thức ở các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước và các lực lượng lao động xã hội khác với trí thức nhằm củng cố và gia tăng sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc và khối liên minh công nhân - nông dân - trí thức, phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước nhanh, bền vững trong bối cảnh mới.

Nghiên cứu giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng được sản xuất theo phương pháp nuôi cấy mô ở Trung tâm nghiên cứu, thực hành và chuyển giao khoa học - công nghệ, Trường Đại học Tân Trào _Ảnh: TTXVN

Một số định hướng cụ thể:

- Nâng cao nhận thức về vai trò của trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời kỳ mới. Trí thức có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội. Xã hội nào biết trân trọng nhân sĩ, trí thức, hiền tài thì xã hội ấy sẽ phát triển ổn định, bền vững; ngược lại, xã hội nào không nhìn nhận đúng vai trò của trí thức, không biết trân trọng người tài, xã hội ấy sẽ lạc hậu, kém phát triển. Sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội phụ thuộc rất lớn vào việc đánh giá, nhìn nhận đúng đắn thành quả lao động của người trí thức trong xã hội. Do vậy, trong giai đoạn phát triển mới, việc nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của người trí thức càng trở nên cấp thiết và quan trọng hơn bao giờ hết.

- Nâng cao tự ý thức về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức Việt Nam trước yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới. Nhận thức đó giúp cho quá trình phát huy vai trò của đội ngũ này trở thành quá trình tự giác, tích cực. Chỉ như vậy, nội lực của đội ngũ này mới được phát huy đầy đủ. Khi tham gia vào quá trình lao động, sản xuất xã hội, đội ngũ trí thức phải là người tiên phong và tích cực, chủ động liên minh, liên kết với giai cấp công nhân và nông dân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Trí thức ta nên tự động đi bước trước tìm đến công nông, và tôi chắc rằng công nông sẽ nhiệt liệt hoan nghênh trí thức”(12). Để có được điều này, bản thân mỗi trí thức phải nâng cao sự tự nhận thức của mình về trách nhiệm và sự tiên phong của người trí thức đối với công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, cũng như về sự quan tâm, trân trọng của xã hội đối với người trí thức.

- Xây dựng chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, dựa trên yêu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong giai đoạn phát triển mới, trong đó chú trọng đến những ngành, những lĩnh vực, địa phương đang thiếu, mất cân đối, bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực trí thức; ưu tiên phát triển đội ngũ trí thức là người dân tộc thiểu số, trí thức nữ.

- Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng đối với trí thức thành các chính sách của Nhà nước trong việc tập hợp, khai thác thế mạnh của trí thức, đặt trong tổng thể chính sách đối với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Xây dựng chính sách mang tính đột phá trong phát triển, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đội ngũ trí thức trẻ, nhiệt huyết, có tài năng nổi trội. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả đối với các sản phẩm sáng tạo, phát minh, sáng chế nhằm bảo đảm lợi ích của trí thức và khuyến khích đội ngũ trí thức tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc tổ chức các chương trình, đề tài, đề án nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, liêm chính, trách nhiệm của đội ngũ trí thức Việt Nam. Xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng theo mức độ đóng góp và năng lực thực tiễn để trí thức thực sự yên tâm nghiên cứu, sáng tạo khoa học trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Có cơ chế đặc thù về đầu tư, đãi ngộ đối với trí thức theo nhiệm vụ và sản phẩm sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng, bảo đảm mức sống của trí thức cao hơn mức sống chung của xã hội. Đồng thời, có cơ chế đột phá trong phát hiện, trọng dụng và đãi ngộ trí thức tài năng, nhà khoa học trẻ; xóa bỏ tư duy chỉ thiên về coi trọng bằng cấp, thâm niên công tác.

- Đẩy mạnh, phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ là điều kiện để xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh. Cần có giải pháp thiết thực nhằm phát huy, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học - công nghệ có chuyên môn cao ở trong nước và nước ngoài, nhất là những chuyên gia đầu ngành, những người có năng lực chủ trì, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu trọng điểm, đặc biệt quan trọng của đất nước trong các lĩnh vực. Có chính sách ưu đãi để thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài về nước phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trong giai đoạn phát triển mới.

- Thực sự coi trọng, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để nâng cao hiệu quả thực chất của hoạt động tư vấn, tham mưu, phản biện, thẩm định chính sách của đội ngũ trí thức Việt Nam. Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng, môi trường làm việc, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của trí thức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Xây dựng môi trường thực sự dân chủ, tôn trọng và bảo vệ các điều kiện lao động sáng tạo, các chế độ đãi ngộ xứng đáng đối với trí thức.

- Đặc biệt chú trọng công tác định hướng tư tưởng cho đội ngũ trí thức. Ngoài trình độ, năng lực chuyên môn, đội ngũ trí thức còn phải thường xuyên tự trau dồi phẩm chất đạo đức tốt đẹp, ý thức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Bản thân người trí thức phải xác lập cho mình hệ tư tưởng vững vàng - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, tuyệt đối chấp hành sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp trí thức, chống việc lợi dụng quyền lập hội để hình thành các tổ chức hoạt động trái với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và lợi ích của dân tộc.

PGS, TS VŨ TRỌNG LÂM
Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật
(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

-------------------------

(1) Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Kinh tế chính trị (Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 241
(2) Xem: Nguyễn Huy Hoàng: “Những khó khăn trong phát triển đội ngũ trí thức hiện nay”, in trong: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp phát triển đất nước, Kỷ yếu diễn đàn khoa học, Hà Nội, 2020, tr. 68 - 76
(3) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, t. 1, tr. 23
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 23
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 113 - 114
(6) Xem: Nguyễn Thị Kiều Sương: “Tính tất yếu của liên minh giai cấp công nhân, nông dân và trí thức trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam”, in trong sách: Nguyễn Thế Phúc - Nguyễn Tiến Dũng (đồng chủ biên): Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân, nông dân và trí thức, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 231 - 244
(7) Xem: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học (Dùng cho hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị), Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 217 - 220
(8) Xem: Nguyễn Viết Thông - Lê Thị Sự: Trí thức và vai trò của trí thức trong quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr. 102
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 25
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 37
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 167
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 377

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: