• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Đổi mới phương thức quản lí giáo dục và công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo nhằm thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông năm 2018

28/09/2023 04:27 GMT +7
  • Thứ Năm, 28/09/2023 | 04:27

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Hiện nay, việc thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) và đổi mới sách giáo khoa (SGK) theo lộ trình của Bộ GDĐT, năm học: 2020 - 2021 đối với lớp 1; 2021 - 2022 đối với lớp 2, lớp 6; 2022 - 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; 2023 - 2024 đối với lớp 8, lớp 11; 2024 - 2025 đối với lớp 9, lớp 12. Theo đó, Chương trình đào tạo chuyển từ định hướng nội dung, kiến thức sang hướng tiếp cận năng lực người học, hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất người học, gồm 3 năng lực chung: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo; 5 phẩm chất: Yêu nước, nhân ái, trách nhiệm, trung thực, chăm chỉ. Trước yêu cầu đó, cần phải đổi mới quản lí giáo dục và đổi mới tổ chức dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học.

Xuất phát từ thực tế đó, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng thời gian qua đã tích cực thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tăng cường phát triển đội ngũ nhà giáo; tích cực đổi mới, sáng tạo trong quản lí giáo dục,… Trong các nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tỉnh Sóc Trăng, ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng: (1) Đổi mới phương thức quản lí giáo dục. (2) Đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo để đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện hiệu quả CTGDPT 2018.

Tính đến cuối năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh Sóc Trăng có 479 trường, giảm 2 trường công lập so với năm học 2021 - 2022. (461 trường công lập, 18 ngoài công lập) với 8.262 nhóm - lớp, tổng số 263.395 HS (tăng 173 lớp và tăng 7.048 HS so với năm học 2021-2022). Trong đó, THPT 40 trường; THCS 108 trường; Tiểu học 200 trường; Mầm non - Mẫu giáo 131 trường. Phòng học kiên cố ở các cấp học đạt tỷ lệ 73,1%. Trường đạt chuẩn quốc gia có 380/461 trường tỷ lệ 82,43% (tăng 15 trường so với năm học 2021-2022. Cụ thể: Mầm non: 97/118 trường, tỷ lệ 82,20%; Tiểu học: 168/198 trường, tỷ lệ 84,84%; THCS: 86/106 trường, tỷ lệ 81,13%; THPT: 29/39 trường, tỷ lệ 74,36%). Mạng lưới trường từ mầm non đến phổ thông phát triển phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của tỉnh. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước được đầu tư theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Toàn ngành Giáo dục có 17.544 cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên (GV) và nhân viên (NV). Có 1.062 CBQL (MN: 315; TH: 411; THCS:222; THPT: 114); 14.149 GV (MN: 2.525; TH: 5.960; THCS: 3.938; THPT: 1.726); 2.333 NV (MN: 651; TH: 781; THCS: 525; THPT: 376), (trong đó 04 tiến sĩ, 314 thạc sĩ, 37 CBQL-GV đang học thạc sĩ, 03 đang nghiên cứu sinh). Tỷ lệ đạt chuẩn của CBQL theo Luật Giáo dục 2019 là 100%. Tỉ lệ đạt chuẩn của GV tỉnh Sóc Trăng theo Luật Giáo dục 2019 là 81,68% Trong đó, bậc MN đạt 77,9%, cấp tiểu học đạt 76,05%, cấp THCS đạt 84,70%, cấp THPT đạt 100%. Đội ngũ GV cơ bản đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng. Đội ngũ nhà giáo đang được tăng cường bồi dưỡng để nâng dần về chất lượng đáp ứng thực hiện hiệu quả CTGDPT 2018.

Chất lượng giáo dục của tỉnh Sóc Trăng từng bước có chuyển biến tích cực ở các cấp học. Trong đó, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông ổn định (tỉ lệ hằng nămđều trên 99%, cụ thể năm 2021 đạt 99,52%, năm 2022 đạt 99,24%, năm 2023 đạt 99,40%). Hằng năm, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đều có học sinh đạt giải quốc gia (năm 2021 đạt 05 giải gồm 01 giải Ba, 04 giải Khuyến khích; năm 2023 đạt 06 giải gồm 02 giải Nhì, 01 giải Ba và 03 giải Khuyến khích); các dự án dự thi khoa học kỹ thuật quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức hằng năm đều đạt giải. Công tác phổ cập giáo dục các cấp học được giữ vững, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào các cấp học tăng dần theo từng năm học, đặc biệt từ năm 2021 đến nay tỉ lệ huy động học sinh phổ thông đều đạt chỉ tiêu giao.

Việc đổi mới phương thức quản lí giáo dục, đổi mới công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục  được chú trọng thực hiện hiệu quả. Trong đó, có việc đổi mới phương thức quản lí giáo dục. Nhiều năm trước đây, cách thức quản lí theo qui cũ, khuôn mẫu, chủ thể quản lí chủ yếu làm theo kinh nghiệm cá nhân. Phương thức quản lí đó không còn phù hợp với xu thế hiện nay. Vì vậy, để đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm thực hiện hiệu quả CTGDPT 2018, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng thực hiện đổi mới công tác quản lí theo hướng phân cấp, phân quyền tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình; thực hiện đổi mới quản trị nhà trường trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên. Trong đó, ngành giáo dục thực hiện các giải pháp sau:

Quản lí giáo dục theo hướng giao quyền từ chủ cho các cơ sở giáo dục. Sở GDĐT giao quyền cho các cơ sở giáo dục quản lí thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, GV trong việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018. Trong đó, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị. Việc đổi mới quản lí giáo dục không chỉ đổi mới cách làm của CBQL (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng) mà còn đổi mới từ GV đến tổ trưởng chuyên môn. Sự phân cấp được thể hiện trong nhà trường, đặc biệt là vai trò của tổ trưởng chuyên môn. Tổ trưởng chuyên môn cũng thực hiện công tác quản lí tổ với đầy đủ các chức năng quản lí. Từ đó, việc quản lí không sa vào quản lí công tác hành chính, sự vụ, cũng không nhằm quản lí con người mà quan trọng là quản lí công việc, quản lí kế hoạch (trường, tổ). Từ đó, các cơ sở giáo dục đã làm việc mới tự chủ, sáng tạo và mang lại hiệu quả thực sự chứ không đối phó.

Quản lí, quản trị nhà trường theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Thực hiện các văn bản về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, của Bộ GDĐT, theo Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục giai đoạn 2021 - 2026 và định hướng đến năm 2030; Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025., Sở GDĐT tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 28/02/2023 tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở GDĐT ban hành Kế hoạch số 665/KH-SGDĐT ngày 28/3/2023 về việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường. Đến nay, tất cả các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đã triển khai phần mềm quản lý trường học, các cơ sở giáo dục phổ thông trong tỉnh thực hiện Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử. Công tác tuyển sinh vào lớp 10 thực hiện bằng hình thức trực tuyến kể từ năm 2022 đến nay. Các trường THPT, phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố đã sử dụng Hệ thống Quản lý văn bản điều hành có tích hợp ký số trong việc liên thông trao đổi văn bản điện tử giữa các trường THPT, phòng GDĐT với Sở GDĐT. Tiếp tục việc chuyển đổi số trong giáo dục, Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra và nhập số liệu trên cơ sở dữ liệu ngành theo quy định của Bộ GDĐT và trên hệ thống IOC của tỉnh. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của ngành cũng được cập nhật thường xuyên trên IOC của tỉnh, phục vụ tốt cho việc quản lý điều hành của ngành, đồng thời giúp lãnh đạo tỉnh dễ dàng theo dõi tiến độ và kịp thời chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu về văn hoá, xã hội của tỉnh.

Vận dụng linh hoạt, sáng tạo phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Sở GDĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh trong thực hiện CTGDPT 2018 qua nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể, phối hợp với tổ chức tập huấn bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn. Trong quá trình dạy học, chú trọng đến các nội dung cốt lõi để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trực tiếp hoặc phối hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp tùy theo tình hình thực tế của đơn vị, đảm bảo linh hoạt, phù hợp và hiệu quả. Rèn luyện cho học sinh tự học ở nhà, học trực tuyến; ưu tiên dạy học trực tuyến theo thời gian thực chủ yếu tổ chức cho học sinh thuyết trình, thảo luận, báo cáo sản phẩm, kết quả học tập; dành nhiều thời gian học trực tiếp trên lớp cho việc luyện tập, thực hành, thí nghiệm. Sử dụng hình thức dạy học linh hoạt phù hợp với từng đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá. Xây dựng kho học liệu, bài giảng điện tử, ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra dùng chung.

Nhìn chung, việc đổi mới phương thức quản lí giáo dục của ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng mang lại nhiều kết quả thiết thực, năng lực, phong cách của đội ngũ CBQL, GV có chuyển biến rõ nét; chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực như đã trình bày ở trên. Năm 2023, ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng có 142 nhà giáo được đề nghị xét phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (01 nhà giáo) và Nhà giáo ưu tú (141 nhà giáo). Tỉnh Sóc Trăng hiện đang có 01 Nhà giáo nhân dân và 156 Nhà giáo ưu tú.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục cũng được đổi mới mạnh mẽ. Trước kia, công tác bồi dưỡng chuyên môn chủ yếu thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GDĐT, giáo viên cốt cán tập huấn từ Bộ GDĐT về về triển khai tập huấn đại trả cho GV theo các nội dung qui định. Riêng bồi dưỡng thường xuyên giao cho các cơ sở giáo dục chọn các nội dung bồi dưỡng theo Chương trình bồi dưỡng thường xuyên dành cho CBQL và GV từng cấp học theo qui định của Bộ GDĐT. Các đơn vị tự bồi dưỡng và tự đánh giá kết quả gửi về Sở GDĐT, Phòng GDĐT theo phân cấp quản lí để ra quyết định công nhận kết quả. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng như trên mang lại hiệu quả không cao.

Nhận thức được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yếu tố then chốt bảo đảm cho sự thành công của việc triển khai CTGDPT 2018, thời gian vừa qua (bắt đầu từ năm 2020 đến nay), tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đổi mới công tác bồi dưỡng nhà giáo. Thực hiện việc bồi dưỡng chuyên môn theo nhu cầu thực tế của địa phương, đồng thời bồi dưỡng thường xuyên theo qui định của Bộ GDĐT. Công tác bồi dưỡng luôn chú trọng đa dạng hoá hình thức và nội dung bồi dưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Cách thực hiện cụ thể như sau:

Sở GDĐT khảo sát trên nhu cầu của CBQL, GV, tìm hiểu thực trạng những điểm mạnh, điểm yếu của đội ngũ trong công tác quản lí và tổ chức dạy học, lựa chọn nội dung, hình thức bồi dưỡng phù hợp.

Nội dung bồi dưỡng thường xuyên được căn cứ vào chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo qui định của Bộ GDĐT, gắn với các tiêu chuẩn về chuẩn Hiệu trưởng và chuẩn nghề nghiệp GV,việc thực hiện CTGDPT 2018. Trong đó, chú trọng những kiến thức, kĩ năng, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng dạy học phát triển năng lực để tổ chức bồi dưỡng thường xuyên. Đối với CBQL, có nội dung đổi mới quản trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý theo hướng tăng cường quyền tự chủ về chương trình, các kĩ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường; quản lí các hoạt động chuyên môn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội,… Đối với GV, tập trung nội dung bồi dưỡng đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, kiểm tra đánh giá; tăng cường các kĩ năng nghề nghiệp và các kĩ năng mềm.

Tuy nhiên, chương trình bồi dưỡng thường xuyên chỉ tập trung vào kiến thức, kĩ năng về phương pháp chung, chưa có nội dung chuyên sâu vào từng môn học và hoạt động giáo dục. Vì vậy, bên cạnh nội dung bồi dưỡng thường xuyên được chọn lựa theo các module qui định, Sở GDĐT chọn các nội dung gắn với từng môn học hoặc hoạt động giáo dục theo CTGDPT 2018 như tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá, cách thức xây dựng kế hoạch dạy học, kế hoạch bài dạy, xây dựng ma trận đề và biên soạn đề kiểm tra, ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học tích hợp, bồi dưỡng học sinh giỏi,… để CBQL, GV trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lí, giảng dạy.

Thực hiện đa dạng hình thức bồi dưỡng như trực tiếp kết hợp trực tuyến; trao đổi chia sẻ và tự nghiên cứu; bồi dưỡng qua sinh hoạt tổ chuyên môn tại đơn vị, sinh hoạt chuyên đề chuyên môn qui mô cấp cụm, tỉnh,… Về phương pháp bồi dưỡng, có sự kết hợp cung cấp kiến thức và thực hành, trải nghiệm. Đối với GV, việc tổ chức phong phú hơn về nội dung và đa dạng về hình thức (tập trung có hướng dẫn, thực hành; tự học kết hợp sinh hoạt chuyên môn; hội thảo, hội nghị chuyên đề; qua mạng internet,…). Riêng đối với CBQL, chủ yếu tập trung nghe báo cáo viên triển khai, hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng; bồi dưỡng qua nghiên cứu tài liệu do Sở GDĐT cung cấp, hoặc qua các nguồn khác,…

Nhìn chung, đổi mới hình thức bồi dưỡng theo hướng tăng cường sự tương tác với tập thể kết hợp với hình thức tự học cá nhân, tự nghiên cứu rất quan trọng giúp cho việc bồi dưỡng đạt hiệu quả cao nhất.

Để đảm bảo hiệu quả công tác bồi dưỡng, thời gian vừa qua, Sở GDĐT thực hiện các giải pháp: Phối hợp với Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học thuộc Bộ GDĐT, các trường đại học, các nhà xuất bản, Ban quản lý các đề án để mời chuyên gia bồi dưỡng chuyên môn và quản lí thực hiện CTGDPT 2018. Xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng căn cứ vào thực tiễn đội ngũ của đơn vị, đề xuất của tổ chuyên môn để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, khả thi, sử dụng các nguồn lực hiệu quả. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng xây dựng kế hoạch trên cơ sở của nhà trường và nhà trường chịu trách nhiệm quản lí thực hiện kế hoạch, sử dụng nguồn lực hợp lí đảm bảo công tác bồi dưỡng tại các đơn vị đúng trình tự và hiệu quả. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác bồi dưỡng, tham gia các diễn đàn trao đổi chuyên môn, các cuộc thi trên mạng, tham gia chọn lựa nội dung đăng kí các lớp học trên mạng nâng cao năng lực. Tăng cường bổ sung tài liệu, tư liệu tham khảo hỗ trợ cho CBQL, GV thực hiện bồi dưỡng. Ngoài trang bị sách tham khảo, tổ chức đội ngũ cốt cán có năng lực tham gia viết tài liệu, viết chuyên đề bồi dưỡng theo nhu cầu thực tế. Xây dựng mạng lưới công tác viên CBQL, GV cốt cán có năng lực thực hiện công tác biên soạn và hướng dẫn, bồi dưỡng cho CBQL, GV tại địa phương.

Sở GDĐT chú trọng hiệu quả công tác bồi dưỡng nên các đợt bồi dưỡng chuyên môn đều có bài thu hoạch hoặc sản phẩm sau bồi dưỡng, có xây dựng tiêu chí đánh giá, chia sẻ sản phẩm cho các đơn vị nghiên cứu, học tập lẫn nhau. Riêng công tác bồi dưỡng thường xuyên, Sở GDĐT có văn bản hướng dẫn đánh giá lẫn nhau (chấm điểm chéo giữa các đơn vị) trên cơ sở tiêu chí rõ ràng. Nội dung đánh giá không chú trọng việc tiếp thu kiến thức mà chú trọng sự phát triển năng lực người học, hình thức đánh giá cũng phải đa dạng. Không chỉ đánh giá thông qua bài thu hoạch hoặc bài kiểm tra mang tính hình thức dẫn đến tình trạng sao chép, đối phó, mà kết hợp nhiều hình thức, xem trọng việc vận dụng những nội dung đã bồi dưỡng vào thực tế công tác, những kết quả đạt được về chất lượng hoạt động quản lý (CBQL), chất lượng giáo dục (GV), đối chiếu với mục tiêu và nội dung đăng kí bồi dưỡng.Việc đánh giá được tổ chức nghiêm túc, đúng qui trình, dựa trên kết quả công việc theo chuẩn nghề nghiệp thông qua hoạt động tổ chuyên môn, hoạt động sinh hoạt chuyên môn. Từ đó, CBQL, GV học tập lẫn nhau cùng tiến bộ.

Công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, CBQL giáo dục tỉnh Sóc Trăng từ năm học 2020-2021 đến nay đạt nhiều kết quả nổi bật. Hiện nay, có 100% CBQL, GV đều hoàn thành theo qui định của Bộ GDĐT thực hiện CTGDPT 2018, các module 1,2,3,4,5,9. Riêng module 6,7,8 cán bộ cốt cán đã hoàn thành trong tháng 8/2023, sẽ triển khai cho GV đại trà trong tháng 9, tháng 10/2023. 100% CBQL, GV cốt cán cấp tiểu học, THCS, THPT được tiển khai tập huấn từ chuyên gia của Bộ GDĐT về cách thức tổ chức quản lí và dạy học theo định hướng phát triển lực. Sau đó đội ngũ cốt cán triển khai đại trà. 100% CBQL, GV tham gia lớp tập huấn sử dụng các bộ sách giáo khoa từng cấp học, theo từng năm thay sách vừa trực tiếp vừa trực tuyến. 100% GV tham gia tập huấn các nội dung chuyên môn theo kế hoạch của các phòng chuyên môn chọn lựa nội dung hỗ trợ cho GV. Hiện nay, ngành Giáo dục đang phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp (môn KHTN, môn Địa lý và Lịch sử của cấp THCS).

Nhìn chung, các nội dung bồi dưỡng thường xuyên theo qui định của Bộ GDĐT đều được thực hiện đồng bộ, hiệu quả theo hình thức, nội dung cải tiến mới, chọn nội dung theo nhu cầu thực tế trên cơ sở các module hướng dẫn của Bộ GDĐT. Hầu hết CBQL, GV đều đạt kết quả tốt. Các nội dung bồi dưỡng chuyên môn từ thực tế do đội ngũ cốt cán của tỉnh bồi dưỡng đều được CBQL, GV áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả thiết thực, tạo hứng thú cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Qua 3 năm thực hiện đổi mới giáo dục gắn với thực hiện CTGDPT 2018, ngành giáo dục tỉnh Sóc Trăng đã rất nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, trong đó quan tâm rất nhiều đến chất lượng đội ngũ, nhân tố then chốt quyết định thành công của công cuộc đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, đặc biệt là việc thực hiện CTGDPT 2018, bước chuyển từ dạy học định hướng nội dung, sang dạy học định hướng phát triển năng lực là công việc khó khăn không chỉ đòi hỏi phải có lộ trình và thời gian thực hiện mà cần phải có sự hợp sức của cả cộng đồng, xã hội. Trong đó, đòi hỏi rất nhiều ở năng lực của người thực hiện, nhất là đội ngũ CBQL, GV mà vai trò quan trọng nhất vẫn là hiệu trưởng. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Mặt khác, ngành giáo dục rất cần sự quan tâm chia sẻ, hỗ trợ của cộng đồng, xã hội; sự chỉ đạo và tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể ở địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần vì sự nghiệp giáo dục, vì chất lượng giáo dục của tỉnh Sóc Trăng.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: