• Xây dựng Đảng

Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025:

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền

21/09/2023 04:25 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 21/09/2023 | 04:25

STO - Ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại hội nghị, đại diện các ngành, địa phương đã trình bày tham luận về kết quả đạt được, những hạn chế và các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh từ nay đến cuối nhiệm kỳ. Báo Sóc Trăng trích, đăng nội dung tham luận của các đại biểu.

Công tác tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp. Xác định rõ vị trí, vai trò của mình, trong quá trình hoạt động, Mặt trận các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên góp ý thường xuyên, định kỳ và đột xuất bằng nhiều hình thức khác nhau về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Công tác phối hợp giữa MTTQ Việt Nam với HĐND, UBND và các đơn vị liên quan trong các hoạt động ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt là trong tổ chức tiếp xúc cử tri, tham gia các đoàn giám sát, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp Quốc hội và HĐND các cấp.

Thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh báo cáo một số nội dung tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian vừa qua, như sau:

- Về góp ý xây dựng tổ chức đảng: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai, hướng dẫn hệ thống Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở tổ chức thực hiện việc góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền bằng nhiều hình thức, như: góp ý vào dự thảo các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của cấp ủy đảng; góp ý dự thảo các văn kiện đại hội đảng các cấp... Tổ chức được 242 cuộc hội nghị góp ý có 10.106 lượt người tham dự (cấp tỉnh tổ chức 2 cuộc có 176 lượt người dự, cấp huyện tổ chức 22 cuộc có 1.210 lượt người dự, cấp xã tổ chức 218 cuộc có 8.720 lượt người dự); góp ý nghị quyết, chương trình, kế hoạch, quy định… do cấp ủy, tổ chức đảng gửi đến, qua 3 năm Mặt trận tỉnh đã tham gia góp ý 16 văn bản.

- Về góp ý đối với đảng viên: Thực hiện Chương trình phối hợp hằng năm, ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các ngành có liên quan phối hợp tổ chức Diễn đàn nhân dân góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là lực lượng Công an nhân dân ở cơ sở hằng năm tổ chức Diễn đàn lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân, góp ý đối với đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; góp ý mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân.

- Về góp ý đối với tổ chức, cơ quan: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia góp ý vào các văn bản dự thảo do cơ quan nhà nước gửi đến, như góp ý dự thảo các chính sách, pháp luật, nghị quyết, kế hoạch, quyết định, quy định, quy chế… Qua 3 năm, MTTQ Việt Nam tỉnh đã góp ý 544 văn bản dự thảo.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, tổ chức 13 hội nghị phản biện xã hội; phối hợp tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), lấy ý kiến triển khai chủ trương xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, lấy ý kiến về khai thác khoáng sản phục vụ các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh được 59 cuộc với 5.414 người dự và có 692 ý kiến góp ý. Qua xem xét góp ý, phản biện, nhận thấy các cơ quan tham mưu chủ trì soạn thảo văn bản đã thực hiện chặt chẽ, đảm bảo các nội dung, trình tự theo quy định về ban hành văn bản. Tuy nhiên, qua các hội nghị phản biện, cơ quan chủ trì có kiến nghị với cơ quan soạn thảo điều chỉnh một số nội dung còn chưa phù hợp để đảm bảo khi nghị quyết ban hành được người dân đồng thuận và ủng hộ.

Qua 3 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thành lập 22 đoàn giám sát; tham gia với HĐND, các ban của HĐND, các sở, ban ngành giám sát 89 cuộc. Nội dung tập trung giám sát việc thực thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến các tổ chức, liên quan đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua công tác kiểm tra, giám sát nhận thấy các cơ quan, đơn vị đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức triển khai thực hiện khá tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chế độ chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân...

- Góp ý đối với cá nhân: Nội dung góp ý việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân; phẩm chất đạo đức, lối sống trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử. Thực hiện các nội dung góp ý nêu trên, MTTQ các cấp phối hợp với HĐND cùng cấp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri để đại biểu Quốc hội và HĐND trực tiếp lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân. Qua 3 năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh tổ chức được 82 cuộc tiếp xúc cử tri, với 7.544 lượt cử tri tham dự. Qua các đợt tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổng hợp trên 492 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chuyển đến và gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Hằng năm, trong họp đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức và người lao động trong cơ quan cuối năm đã góp ý vào bảng kiểm điểm cá nhân của từng cán bộ, công chức đã góp ý đối với đảng viên được 2.529 lần (cấp tỉnh được 162 cuộc, cấp huyện được 495 cuộc, cấp xã 1.872 cuộc). Thông qua những ý kiến của cử tri do MTTQ Việt Nam tổng hợp đã phản ánh một cách toàn diện đến cấp ủy, chính quyền; giúp cấp ủy, chính quyền không ngừng nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, hướng đến sự hài lòng của nhân dân. Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp phối hợp với chính quyền tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện nội dung “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” theo quy định của Luật thực hiện Dân chủ ở cơ sở.

Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị ra đời đã tạo ra cơ chế và những định hướng cụ thể để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đồng thời là cơ sở chính trị quan trọng cho công tác này được thực hiện một cách hiệu quả hơn trong đời sống xã hội, vai trò, vị trí của ủy ban MTTQ từng bước được nâng lên, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội.

Quá trình thực hiện quyết định luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự phối hợp và tạo điều kiện của chính quyền, từ đó MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội rất thuận lợi trong thực hiện.

Về phương pháp tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thời gian qua chủ yếu Mặt trận các cấp mới chỉ góp ý các dự thảo do cấp ủy, chính quyền gởi đến. Hình thức góp ý qua hòm thư, qua hộp thư điện tử (Email) chưa thực hiện.

Các cuộc đối thoại do Mặt trận đứng ra phối hợp tổ chức chưa được thực hiện thường xuyên, mỗi năm chỉ tổ chức 1 kỳ, có nơi không tổ chức được.

MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW có nơi còn ít; thực hiện còn lúng túng; nội dung góp ý còn chung chung, thiếu cụ thể.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên do: Năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở còn hạn chế, nên trong tổ thực hiện công tác góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị còn ít, quy định còn chung chung, chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tổ chức góp ý, cách thức tập hợp, phản ánh ý kiến góp ý ra sao, đây chính là vấn đề khiến các địa phương gặp khó khăn khi triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Trong thời gian tới, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Mặt trận các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tích cực chủ động triển khai các nhiệm vụ Mặt trận tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến nội dung Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 26/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về phát huy vai trò, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đến cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân để thực hiện.

Thứ hai: Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và phấn đấu thực hiện tốt hơn nữa các nội dung góp ý đối với tổ chức đảng trong xây dựng dự thảo các chủ trương, quy định có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi kỳ đại hội. Vận động nhân dân tham gia góp ý cho đảng viên về đạo đức, lối sống, vai trò tiền phong, gương mẫu, mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân nơi cư trú.

Thứ ba: Tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhất là triển khai giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của chính quyền các cấp; giám sát việc tổ chức, triển khai thực hiện các chính sách pháp luật về giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm; giám sát công tác cải cách hành chính; giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ... Thông qua giám sát để kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực thi pháp luật, trong điều hành, quản lý Nhà nước của các sở, ngành, địa phương để đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền kịp thời khắc phục, giải quyết những khó khăn, hạn chế.

Thứ tư: Mặt trận các cấp thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thông qua tổ chức tiếp công dân tại cơ quan và tham gia các cuộc tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy, của UBND tỉnh; thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến ban thường trực ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp; phối hợp tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp,...

MTTQ Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức, tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và xem đây là một trong những nội dung quan trọng để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: