• Xây dựng Đảng

Nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng

17/08/2023 16:28 GMT +7
  • Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
  • Thứ Năm, 17/08/2023 | 16:28

Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Ngày 17/8, tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban Tuyên giáo Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc các cơ quan ban Đảng, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị chức năng của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế...

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định: Hội nghị không chỉ góp phần đánh giá những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng trong thời gian qua, những hạn chế, kinh nghiệm của các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai Chỉ thị 20-CT/TW, mà còn góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, làm cho lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống thấm sâu trong tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; qua đó, giúp bạn bè quốc tế hiểu ngày càng chân thực và sâu sắc hơn về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời, góp phần đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. 

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Dương Trung Ý khẳng định: Chỉ thị số 20-CT/TW là một chủ trương lớn của Đảng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Việc triển khai thực hiện Chỉ thị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Các cấp ủy quan tâm, sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, có sự đầu tư về kinh phí, cơ sở vật chất và con người, tạo điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, tạo chuyển biến sâu sắc về nhận thức trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác lịch sử Đảng, góp phần gia tăng tính hiệu quả của các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương, cơ sở. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu định hướng tại Hội nghị. 

Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được các cấp ủy coi trọng, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Kết quả nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của nhiệm kỳ Đại hội XII và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phát huy tính ứng dụng trong công tác bồi dưỡng, giáo dục chính trị tại các trường chính trị tỉnh, trung tâm chính trị cấp huyện và các trường phổ thông; góp phần tích cực vào công tác chính trị, tư tưởng, lý luận của Đảng trong tình hình mới.

Công tác sưu tầm tài liệu được đẩy mạnh, trong đó nổi bật là nguồn tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh tụ Đảng qua các kênh ngoại giao văn hóa. Công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử được tổ chức, sắp xếp khoa học theo hướng đẩy mạnh số hóa theo quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng. Công tác tuyên truyền lịch sử Đảng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị chỉ đạo thực hiện một cách hệ thống, bài bản với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

Công tác giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương đã được đẩy mạnh thực hiện lồng ghép trong các chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị và giáo dục quốc dân. Thông qua việc tích cực đổi mới phương pháp dạy học, lấy người học làm trung tâm, coi trọng phẩm chất, năng lực của người học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học, chất lượng và hiệu quả giáo dục được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, tồn tại, như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quan tâm đúng mức về công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng. Số lượng các công trình lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống được nghiên cứu, biên soạn và xuất bản tuy nhiều nhưng chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, nội dung rộng nhưng chưa sâu, còn mang nặng tính liệt kê sự kiện, dàn trải. Việc khai thác, sử dụng tài liệu tham khảo gặp nhiều khó khăn do nguồn tư liệu bị thất lạc, hư hỏng. Nguồn kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử Đảng cơ bản thấp, hạn chế khả năng khuyến khích, thu hút các nhà khoa học, chuyên gia tham gia…

Phát biểu định hướng tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Để đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW trong những năm qua toàn diện, sát thực, tại Hội nghị hôm nay, Ban Tổ chức mong muốn các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn, đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị thời gian tới. Những vấn đề khoa học, thời sự các tham luận đề cập tới, đặc biệt là sự phân tích về cơ hội, thuận lợi; khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đề ra cho công tác lịch sử Đảng hiện nay là hết sức cần thiết, thiết thực để Ban Tổ chức Hội nghị tổng hợp, báo cáo Ban Bí thư.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, các đồng chí đại biểu tham dự Hội nghị, với tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tập trung thảo luận, trao đổi, làm sáng tỏ những vấn đề: Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW; Ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị; vấn đề chất lượng nghiên cứu, biên soạn và khả năng ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng, nhất là các công trình biên niên sự kiện lịch sử Đảng, văn kiện Đảng và quan hệ quốc tế của Đảng; Vấn đề sưu tầm, khai thác bổ sung tư liệu lịch sử Đảng, nhất là tư liệu lịch sử Đảng ở nước ngoài và tư liệu qua phỏng vấn các nhân chứng lịch sử; công tác bảo quản, lưu trữ, đẩy mạnh số hoá tư liệu lịch sử Đảng; Giải pháp và hiệu quả của công tác đổi mới nội dung và cách thức tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng...

Các đại biểu tham quan triển lãm sách tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn, dân chủ, đại biểu các cơ quan ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà lãnh đạo, quản lý, các nhà khoa học cũng đã cùng nhau phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những đóng góp nổi bật của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII của Đảng; những mặt tồn tại, hạn chế; trên cơ sở đó xác định phương hướng, tầm nhìn; đề xuất, kiến nghị những giải pháp khả thi, hữu hiệu, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, thường xuyên, sâu rộng, sáng tạo và hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị, tư tưởng của cấp ủy các cấp nhằm khơi dậy khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ý nghĩa, vai trò của việc nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; Xác định trách nhiệm của cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy trong chỉ đạo và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, đơn vị.

Theo đồng chí Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phải tiếp tục đẩy mạnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, nâng cao chất lượng, tính ứng dụng của các công trình lịch sử Đảng; đa dạng nội dung và cách thức công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới theo quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn, sắp xếp, bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác lịch sử.../.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh/www.dangcongsan.vn

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: